Cố ép con học thể hiện sự ích kỉ của phụ huynh

GD&TĐ - Nhớ lại thời điểm con mới vào lớp 1, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi. Tôi luôn bắt cháu phải làm theo ý muốn của mình,  muốn con phải học giỏi ngay lập tức, ngày nào cũng phải được cô giáo khen. Kết quả là mẹ thường xuyên cáu gắt, con thì sợ.

Cố ép con học thể hiện sự ích kỉ của phụ huynh

Ngày nào cũng vậy, từ khi năm học mới bắt đầu, cứ 8h tối là bé Đức lên phòng học bài. Mặc dù giờ đó tivi đang chiếu phim Tây du ký vô cùng hấp dẫn nhưng lịch ôn bài đã được hai mẹ con quán triệt từ hôm khai giảng - nên Đức phải ngoan ngoãn chấp hành.

Không cần mẹ nhắc nhở, không cần mẹ phải kè kè bên cạnh nhắc lấy cuốn sách này hay quyển vở kia, ngồi sao cho đúng tư thế… Đức lần lượt lấy sách vở của từng môn học ngày hôm đó ra xem lại các bài học ở lớp, rồi làm bài tập Toán và Tiếng Việt.

Năm nay Đức học lớp 3, chỉ có môn tiếng Anh là cần có mẹ kèm. Trong hơn 1 tiếng tự học buổi tối, Đức cũng không quay ngang quay dọc hay lôi truyện tranh ra đọc, vẽ vời linh tinh.

Những thay đổi này của con giống như một cuộc cách mạng của tôi. Bởi những năm học trước, cả hai mẹ con đã vô cùng vất vả để tìm một tiếng nói chung. Nhiều lúc, tôi thấy mình giống như “mẹ Hổ”... Tôi không chọn cách cho con đi học thêm như nhiều phụ huynh khác mà muốn được tự kèm con học bài. Quyết định này đã cho tôi nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Dạy con học, hàng xóm ngỡ vợ chồng cãi nhau?

Nhớ lại thời điểm con mới vào lớp 1, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi bởi bản thân mình lúc đó hoàn toàn không hiểu tâm lý của con, con có thể học được gì, học như thế nào, mức độ ra sao... mà luôn bắt cháu phải làm theo ý muốn của mình, muốn con phải học giỏi ngay lập tức, ngày nào cũng phải được cô giáo khen, dẫn đến tình trạng mẹ khủng hoảng tâm lý, thường xuyên cáu gắt, còn con thì sợ học, sợ luôn cả mẹ.

Ngày ngày con đi học về, câu đầu tiên tôi hỏilà: Hôm nay con được mấy điểm? Cô có khen con không? Con mới luyện viết chữ, tính lại ẩu, nét viết không đều nên toàn bị cô giáo phê là viết ẩu, chữ xấu, viết không đúng ô ly, con cần cố gắng hơn.

Trong khi các bạn hàng xóm luôn được cô giáo khen, bố mẹ các bạn mặt mũi tươi như hoa. Thế là tôi mắng con lười học, mải chơi, chẳng biết làm gì, viết mấy chữ đơn giản cũng không xong, so sánh con mình với bạn bè hàng xóm...

Thậm chí, tôi còn cấm luôn cả chuyện đá bóng, vui chơi cùng các bạn mỗi buổi chiều, không được xem phim hoạt hình - vốn là sở thích của con . Thay vào đó là thời gian dành cho việc luyện chữ theo các cuốn vở mẫu.

Không muốn con thua kém bạn bè, tối nào tôi cũng ngồi học cùng con, bắt con phải viết hết trang này đến trang khác, nhiều hôm nhìn tới đồng hồ đã 11 giờ đêm. Con đi ngủ muộn, sáng phải gọi mãi mới tỉnh, ngủ gà ngủ gật ngay cả trên đường tới lớp. 

Con vốn ham chơi, thiếu tập trung nên cứ ngồi được một lúc là con lại xin đi vệ sinh, đi uống nước, đi rửa tay hoặc kêu buồn ngủ, đau tay,... mà mỗi lần đi vệ sinh, đi uống nước thường kéo dài rất lâu. Thế là tôi nổi cáu, quát mắng ầm ĩ, đến mức hàng xóm còn thắc mắc: Sao dạo này vợ chồng hay cãi nhau thế?

Nhiều khi con lỡ làm sai bài tập toán, viết sai chữ hoặc vừa ngồi học vừa vẽ vời linh tinh, không nghe theo sự sắp xếp… tôi đã giận quá mất khôn, không chỉ mắng mỏ mà còn đánh con, quăng sách vở khiến thằng bé sợ hãi, mắt rơm rớm.

Việc dạy con của tôi khiến bầu không khí trong nhà trở nên căng thẳng. Chồng góp ý “Em nói nhỏ tiếng đi, quát to thế hàng xóm họ cười đấy”. Tôi còn cao giọng: "Anh giỏi thì đi mà dạy con!". Thế là hai vợ chồng lại giận dỗi, chẳng ai nói với ai câu nào.

Sự bừng tỉnh…

Tình trạng ấy kéo dài tới hơn hai tháng mà chẳng mang lại kết quả gì. Chữ viết của con vẫn xấu, cô giáo vẫn nhận xét là cần rèn thêm chữ viết và cẩn thận hơn khi làm toán. Buồn nhất là cứ đến giờ học bài là mặt mũi con bí xị, lơ đãng. Chỉ nghe thấy mẹ nói to hoặc giơ tay lên là đã giật mình thon thót… Điều đó đã khiến tôi bừng tỉnh.

Mỗi tối, tôi vẫn ngồi kèm con học bài nhưng không còn tiếng quát mắt, tiếng thước kẻ lạnh lùng đập lên mặt bàn và những lời chê trách.

Thay vào đó là những lời nói nhẹ nhàng, động viên, khích lệ tinh thần: "Chữ này con phải kéo đúng 4 ô ly mới được, con viết không đúng, bạn chữ cũng buồn đấy hay hồi trước mẹ cũng viết xấu lắm nhưng nhờ ngày nào cũng luyện nên giờ chữ mới đẹp đấy;...Với các bài toán, tôi cũng tìm những ví dụ, minh họa thật gần gũi để con dễ hiểu.

Kết quả là con đã tiến bộ hơn hẳn, bộ mặt bí xị, lúc nào cũng sợ bị đòn không còn nữa.

Tôi cũng cảm thấynhẹ nhõm hơn nhiều khi con khoe: Cô giáo nhận xét con có tiến bộ mẹ ạ.

Thời gian ôn bài buổi tối của hai mẹ con cũng rút ngắn đi. Tâm trạng thoải mái của mẹ khiến bé Đức không còn sợ học, không tìm lý do đau bụng, đau tay để trốn học nữa. Dần dần, con ngày càng tự giác trong học tập, còn đề nghị với mẹ lập một thời khóa biểu giống như ở lớp để con tự thực hiện.

Đến nay, dù ở lớp bé Đức không phải là học sinh xuất sắc nhất nhưng tôi không buồn hay thất vọng mà luôn cảm thấy vui vì đã không đánh cắp những năm tháng ngây thơ, hồn nhiên của con.

***

Có lẽ câu chuyện của tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đã từng rơi và tình trạng “muốn phát điên” trong quá trình kèm con học bài. Nhưng tôi đã nhận thấy, tất cả đều do cha mẹ tự gây ra, chúng ta đã quá kỳ vọng vào sự giỏi giang của con mà quên mất rằng, bước chân vào lớp 1 là bước vào một môi trường hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm với trẻ. Chúng cần có thời gian để thích nghi và hòa nhập, cha mẹ dù lo lắng, quan tâm, sốt ruột cũng chỉ nên đóng vai người đồng hành, hỗ trợ, đừng cố ép con cái thỏa mãn nguyện vọng của mình. Đó cũng có thể coi là một sự ích kỷ.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ