Cổ động viên dọn rác

GD&TĐ - Các trung tâm thể thao lớn của đất nước, đặc biệt là những nơi có đội bóng đang thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia đều có một câu lạc bộ tập hợp những người hâm mộ đội bóng ấy. Đội bóng thi đấu ở đâu, họ đều có mặt ở đó để tiếp sức cho các chàng trai mà mình yêu quý. 

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Họ hò reo, đánh trống khua chiêng suốt cả trận đấu, bất chấp đội nhà thắng hay thua. Cổ vũ như thế thì quá tốt rồi nhưng ngoài việc để lại dư âm cuồng nhiệt, vô tư, trong sáng ở những nơi họ đến, số này còn để lại rất nhiều rác thải, nhất là chai nước bằng nhựa và đủ các loại giấy gói kẹo, bánh và vật dụng cá nhân trên khán đài.

Tan trận đấu, các khán đài như một bãi rác khổng lồ. Nhìn cảnh những chị lao công đi dọn “bãi chiến trường” sau mỗi trận đấu, thật quá tội nghiệp và cũng đáng trách cho những ai vô tâm.

Nhưng đó là chuyện cũ, còn bây giờ, việc xả rác và dọn rác ở các khán đài đã khác. Mới tuần trước đây thôi, các phóng viên thể thao của Đài Truyền hình Việt Nam đã làm một phóng sự đầy ý nghĩa xung quanh câu chuyện xả rác ở các khán đài sau mỗi trận đấu này.

Một nhóm cổ động viên Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn trên sân Thống Nhất, tan trận đấu, thay vì ùa xuống sân như mọi bận để chúc mừng đội nhà chiến thắng, nhóm cổ động viên ấy nán lại trên các khán đài. Khoác một bao tải trên vai, họ lặng lẽ đi dọc các hàng ghế ngồi và nhặt rác bỏ vào bao.

Hiệu ứng sau cử chỉ ấy đã thấy rõ: Hàng loạt khán giả khác không nằm trong Câu lạc bộ cổ động viên ấy cũng cúi xuống nhặt rác. Một người nhặt rác, hàng chục người rồi hàng trăm người hưởng ứng làm theo. Nhặt những chai nhựa do chính mình thải ra, rồi nhặt rác do người khác để lại.

Nhiều chị lao công hôm đó, nhìn cảnh tượng này, mắt ai cũng rưng rưng. Đã bao năm rồi, phận sự của họ là dọn đi những gì mà khán giả vất lại sau mỗi trận đấu. Còn bây giờ, công việc cực nhọc và mất thời gian ấy đã có người chia sẻ.

Việc dọn rác trên các khán đài sau trận bóng không phải là điều gì quá mới mẻ với thế giới nhưng đó là bước đột phá trong nhận thức của người Việt Nam.

Chúng ta từng chứng kiến các cổ động viên Nhật Bản trên các khán đài khi họ xem đội nhà thi đấu mỗi kỳ World Cup. Bất luận đội nhà thắng hay thua hôm đó, cổ động viên Nhật Bản luôn nán lại ít lâu trên khán đài để nhặt rác, dọn sạch chỗ ngồi của mình và những ghế xung quanh.

Chứng kiến việc làm này, khán giả xem tivi trên toàn thế giới không chỉ hâm mộ các chàng trai đất nước mặt trời mọc đá đẹp trên sân cỏ mà những cổ động viên của họ cũng đẹp không kém.

Người Nhật họ không có ý “diễn” để tính điểm với thế giới. Đó là một thói quen văn hóa được giáo dục ngay từ trong nhà trường. Một đất nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới nhưng cũng là đất nước sạch thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Cần dọn sạch những gì mình xả ra, đấy không chỉ là thông điệp về chuyện rác. Mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì cả xã hội mới có cơ may để phát triển. Đừng nên thải rác rưởi của chính mình ra rồi bắt người khác hoặc thế hệ con cháu phải dọn.

Làm cổ động viên không chỉ “động viên” đá bóng mà còn cổ súy mọi người cùng dọn rác nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.