Cuộc hôn nhân của Trang không phải là không viên mãn. Lấy nhau vì tình yêu, kinh tế cũng khá, con cái có đủ cả nếp lẫn tẻ. Nhưng từ khi kết hôn tới nay, Trang luôn cảm thấy trống trải, thiếu thốn một điều gì đó rất khó lý giải.
Nam- chồng cô, là một người đàn ông của gia đình theo đúng nghĩa. Bạn bè thường trêu Trang trúng số độc đắc khi lấy được một anh chồng chu đáo, tận tụy với vợ con như Nam. Họ bảo người như Nam bây giờ là "của hiếm", cô ráng mà giữ gìn. Quả thật Trang cũng không có điều gì phải chê trách chồng, thậm chí cô vẫn thường cảm ơn số phận đã cho cô gặp Nam. Sáng đưa con đi học, tối đi chợ, nấu cơm giúp vợ mỗi khi Trang về muộn. Ngay cả việc cho con ăn, dạy con học, Nam cũng là người đảm trách. Anh làm những việc đó với sự nhiệt tình niềm vui và hạnh phúc.
|
(Ảnh MH) |
Trang thấy nhẹ lòng khi nhà cửa luôn tươm tất, dù cô có đi công tác hàng tuần liền thì cũng không lo ba bố con ở nhà bị thiếu thốn bất cứ thứ gì. Chính vì thế mà Trang liên tục xung phong đi công tác tỉnh xa, việc mà hầu hết những phụ nữ đã có gia đình trong cơ quan đều ngại ngần. Sếp Trang quý cô ra mặt và luôn lấy cô ra làm tấm gương để chị em phụ nữ trong cơ quan noi theo.
Chỉ có mình Trang mới biết lý do thực sự của những chuỗi ngày công tác dài bất tận đó. Không phải là Trang quá ham công việc, cũng không phải vì cô đã có người đàn ông khác. Đơn giản là vì Trang sợ về nhà, sợ nhìn thấy người chồng quá đỗi chỉn chu của mình. Biết đó là điều vô lý, thậm chí là ích kỷ, nhưng Trang vẫn không thể nào thay đổi được. Ngay sau khi cưới một thời gian ngắn, Trang đã nhận thấy giữa mình và chồng có một khoảng cách lớn. Khoảng cách ấy bắt nguồn từ việc sau khi lấy vợ, Nam chỉ nhất nhất có gia đình. Cứ mỗi lần Trang rủ chồng đi ra ngoài, đến nhà bạn bè chơi là Nam lại gạt đi, bảo chồng con rồi đến nhà người ta làm gì. Có con rồi, Nam lại lấy lý do sợ con phải gió, dễ ốm... để giữ vợ ở nhà. Bản thân anh cũng tạm biệt hết những thú vui thời thanh niên, để lo cho vợ con. Vì thế từ ngày lấy nhau đến nay, vợ chồng Trang rất ít khi giao lưu, gặp gỡ bạn bè thân hữu. Nam bảo bù khú, tụ tập chỉ tổ mất thời gian, anh thích ở nhà đọc báo, xem ti vi và chơi cùng các con hơn.
Đó cũng chính là lý do trong khi hầu hết những người trang lứa với Nam đều đã có một địa vị kha khá thì Nam vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn, bằng lòng với mức lương vừa phải với công việc 8 giờ /ngày. Nam không có chí tiến thủ đã đành, đằng này anh cũng ít chia sẻ với Trang những khúc mắc trong cuộc sống. Khi mới lấy nhau, mỗi khi đi làm về, Trang hào hứng kể cho chồng nghe những chuyện thú vị trong công việc, niềm vui khi cô hoàn tất xong một dự án... thì Nam chỉ nói có mỗi hai từ "thế à" hoặc "hay nhỉ" rồi vào phòng dạy con học. Còn chuyện cơ quan Nam, anh không một lần nhắc đến, Trang có hỏi thì anh chỉ đáp qua loa rằng vẫn bình thường, vẫn ổn... Vài lần như thế, Trang cụt hứng. Từ đó mỗi khi ở nhà, cô chỉ nói chuyện với chồng về chuyện học hành của con, chuyện hiếu hỉ của họ hàng hai bên. Lâu dần, cô thấy mình và chồng giống như hai người khách trọ, sống chung một nhà nhưng mỗi người đều có một thế giới riêng, chẳng ai quan tâm, chia sẻ với ai.
Nhưng Trang không dám mang tâm sự này đi nói với bất cứ ai bởi trong mắt của bạn bè cô lẫn bạn bè Nam, chồng cô là người quá hoàn hảo. Nếu có "tì vết" thì đó chẳng qua là do cô "sướng quá hóa rồ” mà tưởng tượng ra đấy thôi. Không có người chia sẻ, Trang thu mình vào một vỏ ốc, chỉ biết lấy công việc làm vui, mỗi lần về nhà là cô lại thấy mình cô đơn khủng khiếp. âu yếm, hỏi han hai đứa con xong là cô vào phòng riêng khép cửa lại.
Đôi lúc Trang cũng tự hỏi liệu có phải vì cô quá tham lam, đòi hỏi ở Nam nhiều quá chăng? Thực tình, cô chỉ muốn anh là một người bạn thân thiết để cô có thể sẻ chia những suy nghĩ vui, buồn của mình. Yêu Nam, nhưng cô không thể kéo anh lại gần mình.
Ai đó nói rằng lấp đầy một cái hồ còn đơn giản hơn là lấp đầy những khoảng trống ở trong tâm hồn con người. Vẫn biết so sánh như vậy là khập khiễng nhưng với Trang, câu nói này không hoàn toàn sai. Trang không biết phải làm gì để Nam hiểu được mong muốn giản dị của cô, để tổ ấm của họ không chỉ là nhà trọ giữa hai con người theo đúng nghĩa.
(Theo ĐS&PL)