1 tháng 3 tiệc
Mới tổ chức đám cưới hồi đầu tháng 11 vừa qua nhưng khi được hỏi “ấn tượng” về ngày cưới cô dâu mới Minh Thu chỉ thở dài mệt mỏi. Thu tổ chức đám cưới ở 3 nơi, quê vợ Thái Nguyên, quê chồng Hà Tĩnh và Hà Nội – nơi hai vợ chồng đang sinh sống và làm việc. Thu chia sẻ rằng, dù hai vợ chồng đã cố gắng giản lược tối đa các thủ tục nhưng việc cưới xin vẫn “ngốn” mất khoảng 1 tháng (không kể thời gian chuẩn bị).
“Ăn hỏi và đưa dâu từ quê vợ xuống Hà Nội trong 1 ngày và báo hỷ ở quê chồng riêng 2 ngày. Lịch trình cụ thể là tổ chức đám cưới ở nhà cô dâu. Sau đó, gia đình bên nhà trai lên làm lễ ăn hỏi, rồi làm luôn thủ tục xin dâu và rước dâu xuống địa điểm tổ chức chung ở một Trung tâm tiệc cưới tại Hà Nội. Sau khoảng 2-3 tuần, về quê chồng tại Hà Tĩnh để báo hỷ”, Thu kể.
Ngoài 1 tháng quay cuồng từ Thái Nguyên xuống thủ đô rồi vào miền Trung để tổ chức tiệc, cặp vợ chồng trẻ còn mất hơn tháng trời để chuẩn bị các công việc như chụp ảnh cưới, in thiệp, chọn địa điểm tổ chức, lên danh sách khách mời, chuẩn bị đồ lễ rước dâu, xin dâu…Vì hai vợ chồng cùng làm việc tại Hà Nội, nên việc tổ chức đám cưới đều phải tự sếp xếp và bố trí cả về tài chính và thời gian. Vì phải đi làm toàn thời gian, tranh thủ giờ nghỉ để chuẩn bị mọi thứ nên hai vợ chồng cảm thấy rất mệt mỏi.
Chỉ những người trong cuộc mới hiểu, đám cưới là ngày vui hay ngày “hành xác” (ảnh mang tính chất minh họa) |
“Việc cưới xin xưa nay vẫn khá nhiều thủ tục rườm rà. Đối với mình, việc gây thêm mệt mỏi là thủ tục “lại mặt”. Theo như phong tục một số vùng miền, thì thủ tục “lại mặt” được thực hiện sau 3 ngày tổ chức lễ cưới và phải có mặt đầy đủ của họ hàng nhà trai nhưng vì thời gian quá hạn hẹn và công việc riêng, nên hai vợ chồng quyết định chỉ hai vợ chồng mình về “lại mặt” quê vợ ở Thái Nguyên. Cũng vì một số lý do về mặt công việc và thời gian mà hai vợ chồng mình phải đi xe máy về quê vợ, mua đồ lễ và thắp hương 30 phút, sau đó phải xuống ngay Hà Nội để làm một số việc riêng khác. Thực sự, về tới Hà Nội, vợ chồng mình cảm giác như kiệt sức vậy”, Thu chia sẻ.
Hủy trăng mật vì kiệt sức
Đám cưới là ngày vui, là ngày đôi trẻ nhận lời chúc phúc từ người thân và bạn bè nhưng khi hỏi tới cảm xúc trong ngày này thì cô dâu nào cũng có từ “mệt”. “Có cho vàng mình cũng không cưới lần nào nữa, quá mệt mỏi và rườm rà”, Hằng Nga, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Nga cưới từ đầu năm, quá nhiều thủ tục nên cô không còn nhớ rõ trình tự diễn ra trong lễ cưới của mình nữa. Chỉ nhớ cảm giác lúc đó rất mệt mỏi và chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng cho qua ngày để được nghỉ ngơi.
“Lễ nghi thì phức tạp, mình chả hiểu gì cả, ai bảo thế nào làm thế đấy. Cuống nhất là đoạn mỗi người bảo một ý, chả biết nghe theo ai. Một điều nữa mình thấy không thích đó là trao tiền vàng lúc đưa dâu, cảm giác rất hình thức nhưng vẫn phải nhận để bố mẹ đẹp mặt”, Nga chia sẻ.
Quê chồng ở Hải Phòng, quê vợ ở Vĩnh Phúc. Tổ chức lễ cưới 2 nơi, cộng với 2 nghi lễ trước đó là dạm ngõ và ăn hỏi, Nga thấy mệt và rất tốn kém, nhưng không thể làm khác vì “phong tục nó vậy”.
“Cỗ bàn ê hề, tốn kém. Khách khứa đông, tiếp mệt mỏi, toàn người lạ mình không biết mặt. Nhìn tiệc nhìn khách choáng mình chả ăn được gì lại càng mệt thêm. Vì mệt nên hủy luôn tuần trăng mật, ở nhà nằm nghỉ lại sức, chả còn thiết tha gì nữa”, Nga chia sẻ.
Nga cho biết, đám cưới của Nga còn được cho là “bình thường” vì lượng khách cũng chỉ vài trăm người, chỉ tổ chức ở 2 nơi. Nga từng chứng kiến đám cưới của cô bạn thân, tổ chức tiệc ở 3 nơi – quê vợ, quê chồng và Hà Nội. Cả tháng trời cô bạn này chỉ quay cuồng với tiệc cưới.
“Mình còn làm gọn nhẹ trong 4 ngày, tiệc nhà vợ 2 ngày, nhà chồng 2 ngày. Chứ mà kéo dài như thế chắc chết vì mệt. Riêng khoản di chuyển đã đủ đứt hơi rồi”, Nga nói.