Cơ chế tiền lương: Sao cho công bằng và kích thích lao động?

Cơ chế tiền lương: Sao cho công bằng và kích thích lao động?

Việc so sánh lương 2 ngành này cao hơn ngành khác là khập khiễng. Nhưng nhìn tổng thể, cơ chế lương cần thông minh để bảo đảm công bằng, kích thích lao động.

Chính sách lương chưa tạo động lực

Theo TS Phạm Hải Hưng, Phó trưởng Khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Lao động Xã hội) việc trả lương hiện nay còn mang tính cào bằng. Cán bộ, công chức được trả lương theo ngạch bậc, làm ít, làm nhiều đều hưởng lương như nhau. Tiền lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, không phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. 

Chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng do lên bậc thường niên sau 2 hoặc 3 năm, các bậc lương giãn cách không nhiều, không tạo động lực cho người lao động phát huy tài năng và sức cống hiến. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cũng cần tính đến đặc thù vùng miền. Cùng vị trí việc làm nhưng ở nơi đô thị mức lương cũng phải khác so với vùng nông thôn hay nơi điều kiện khó khăn phải khác so với chỗ thuận lợi.

Theo TS Phạm Hải Hưng, ngay trong đơn vị giáo dục, hai người cùng là cử nhân tin học, một người làm công việc văn phòng thông thường, một người thực hiện công việc của một IT nhưng lương hệ bằng nhau. Trong khi đó, công việc của một IT cần chuyên môn, trách nhiệm cao và nhiều việc hơn. Như vậy, chính sách lương đã thể hiện sự chưa công bằng và khó tạo được động lực cho người lao động.

Vừa qua, kiến nghị của cử tri Đà Nẵng tới Chính phủ về lương của lực lượng vũ trang chênh lệch lớn không bảo đảm sự công bằng với các ngành nghề khác cùng trình độ. Về vấn đề này, TS Phạm Hải Hưng cho rằng, bảng lương hiện hành của lực lượng vũ trang ở nước ta được thiết kế riêng và cao hơn công chức ngành nghề khác. Nó phù hợp với chế độ làm việc, điều kiện lao động đặc thù. Nó cũng phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Bởi vì, đặc thù lực lượng vũ trang là ngành lao động đặc biệt, thường xuyên tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phải đóng trên các địa bàn khó khăn…

Theo một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, lương công an, quân đội thường được gọi là “lương máu” vì sứ mệnh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, phụng sự Tổ quốc. Việc so sánh chênh lệch mức lương của 2 ngành này với các ngành nghề khác là sự khập khiễng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Ngay trong ngành công an, quân đội, chính sách tiền lương cũng cần xét đến yếu tố vùng, miền và vị trí công việc để tránh sự cào bằng, tạo nên cơ chế tiền lương mang tính khuyến khích trách nhiệm và sự cống hiến của cá nhân. Đây là bản chất của sự công bằng về chế độ tiền lương ở ngay trong từng ngành nghề”.

Còn theo GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chính sách tiền lương nhiều ngành trong đó có giáo dục hiện đang bất hợp lý. Xã hội tồn tại lương là nguồn thu nhập chính thức và cả các nguồn khác. Đây là bất cập lớn và dài nhất trong xã hội lâu nay. Riêng ngành Giáo dục, bản thân giáo viên không có thu nhập khác ngoài lương, trừ việc dạy thêm đang bị cấm. Rất nhiều thầy cô không đủ sống với đồng lương của mình cả khi đang dạy lẫn nghỉ hưu. Điều này tạo sự phân biệt trong xã hội và thế hệ trẻ không nhìn thấy điều tích cực với nghề.

Bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên

Cơ chế trả lương luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Một cơ chế trả lương phù hợp có tác dụng nâng cao năng suất và chất lượng lao động, thu hút và sử dụng được người giỏi. Vì vậy, phải xác định được mặt bằng mức lương bình quân của các vị trí lao động trong cùng ngành và trong cùng khu vực địa lý. Việc trả lương phải gắn với tính chất công việc, mục tiêu và kết quả lao động thì mới phát huy được hiệu quả. Việc phân loại lao động thành các nhóm có vị trí, tính chất công việc, mức độ, trách nhiệm khác nhau để trả lương là điều quan trọng tạo nên một cơ chế tiền lương công bằng.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên xây dựng khung năng lực vị trí việc làm cho các ngành nghề để làm căn cứ trả lương. Nhưng việc xây dựng không được định tính hay dựa vào quy định tiêu chuẩn ngạch, công chức để làm căn cứ xác định khung năng lực vị trí việc làm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ấn định từ 1/2/2021 phải hoàn thành xây dựng xong bảng lương mới theo vị trí việc làm để thực hiện cải cách tiền lương.

Trong mỗi ngành, cũng rất cần có cơ chế tiền lương đủ thông minh để tạo động lực cho người lao động ở từng vị trí. Câu chuyện tạo động lực phát triển phải được xây dựng từ chính sách vĩ mô, tránh đóng khung cơ chế theo hướng cào bằng khiến các đơn vị gặp khó mặc dù nhìn thấy rõ những bất cập.

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 có ghi rõ về tiền lương của nhà giáo, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Theo đó, phụ cấp thâm niên sẽ bị cắt bỏ khỏi chế độ lương nhà giáo. Nhà giáo sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu được hưởng khoản phụ cấp này.

Trước đó, nhiều chuyên gia có góp ý về lương giáo viên như có quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Nên quy định phụ cấp ngành Giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo có thu nhập tương xứng với vị trí và bảo đảm đời sống. Cùng với đó, cần có chính sách tiền lương hợp lý cho giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và biên giới hải đảo để họ yên tâm cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ