Ảnh có tính chất minh họa/internet |
(GD&TĐ) - Công cuộc cải cách hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm triển khai từ rất sớm.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 với 4 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công...
Thực hiện Quyết định số 93/2007QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã triển khai cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông” ra tất cả các công việc có liên quan trực tiếp đến tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ thì công cuộc cải cách hành chính chưa đạt được kết quả mong muốn, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con” (theo thống kê sơ bộ còn gần 400 loại giấy tờ) gây khó khăn, phiền hà cho công dân, tổ chức cần phải bãi bỏ.
Trong cải cách hành chính ở nước ta hiện nay còn xuất hiện tình trạng bất hợp lý là bỏ được loại giấy phép này thì cũng xuất hiện giấy phép khác; bỏ “giấy phép mẹ” thì sẽ “đẻ giấy phép con”, “giấy phép cháu”...
Do đó, biện pháp hiệu quả, cấp bách nhất hiện nay trong cải cách thủ tục hành chính vẫn là triển khai áp dụng cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông” một cách đồng bộ, toàn diện trong mọi lĩnh vực hoạt động của cơ quan Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn và phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Việc loại bỏ các biến tướng, các thiếu sót, khuyết điểm trên cần có một số các biện pháp sau:
Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu kiểm soát tốt việc ban hành văn bản pháp luật sẽ hạn chế tối đa việc ban hành các thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, có chế độ, chính sách thoả đáng cho cán bộ, công chức. Thực hiện đồng bộ, quy định rõ ràng nghĩa vụ, quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận, cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét ban hành quy định về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của từng cơ quan đối với việc thực hiện nhiệm vụ chung. Song song với đó là thực hiện đồng bộ theo từng nhóm lĩnh vực trong việc áp dụng cơ chế “một cửa”.
Giảm bớt các thủ tục, hồ sơ, thời gian theo hướng đơn giản, tinh gọn: Việc giảm bớt thủ tục, hồ sơ, giấy tờ là một trong những nội dung quan trọng nhất, cấp thiết nhất trong thực hiện cơ chế “một cửa”.
Do đó, cần đẩy mạnh việc rà soát để bãi bỏ các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho công dân, tổ chức; càng giảm được nhiều giấy tờ, thủ tục, thời gian bao nhiêu sẽ thúc đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính bấy nhiêu.
Phân cấp nhiều hơn và mạnh hơn nữa cho các địa phương, ban, ngành; nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì: Phân cấp trong quản lý hành chính là rất cần thiết, đặc biệt là trong việc thực hiện cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”.
Vì khi đó sẽ giảm bớt đầu mối các cơ quan Nhà nước cùng thực hiện một loại công việc nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chủ trì thụ lý giải quyết các yêu cầu của công dân.
Đẩy nhanh công tác xã hội hoá một số hoạt động mang tính hành chính, công vụ sang loại hình dịch vụ công: Việc chuyển từ cơ chế hành chính Nhà nước sang cơ chế hành chính công sang hình thức dịch vụ công sẽ giảm bớt được gánh nặng về biên chế, kinh phí cho các cơ quan Nhà nước trong việc áp dụng cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”, đồng thời huy động được các nguồn lực trong hoạt động cải cách hành chính.
Phạm Văn Chung