Cơ cấu lại đội ngũ nhà giáo, tạo động lực phát triển và sáng tạo

GD&TĐ - Để bắt kịp với tiến trình đổi mới giáo dục toàn diện, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên vấn đề then chốt đang được đặt ra đó là đội ngũ nhà giáo phải thay đổi như thế nào để đáp ứng với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. 

Tạo động lực để giáo viên phát huy tốt nhất năng lực bản thân
Tạo động lực để giáo viên phát huy tốt nhất năng lực bản thân

2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ

Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Với số lượng giảng viên đại học tới gần 70.000, giảng viên dạy nghề 75.600, cùng giáo viên phổ thông hiện hữu lên tới 1,4 triệu người.

Theo đánh giá khảo sát, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) cơ bản đủ về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo so với quy định hiện hành là cao, phẩm chất đạo đức và tư tưởng chính trị đa phần vững vàng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục.

Tuy nhiên ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vẫn tồn tại những bất cập như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; Các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn khó thu hút nhà giáo; Định mức giáo viên và chuẩn đào tạo đối với nhà giáo đã bộc lộ những bất cập. Do đó thực tế vẫn có tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Hệ thống chính sách pháp luật đối với nhà giáo còn chồng chéo, dẫn đến những lúng túng khi áp dụng tại các địa phương.…

Hơn nữa trước yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, một số bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn bộc lộ những hạn chế về năng lực và động lực đổi mới. Tương quan giữa thu nhập và lao động của nhà giáo còn mất cân xứng, dẫn đến một số nhà giáo không yên tâm với nghề, việc thu hút người giỏi làm nghề nhà giáo gặp nhiều khó khăn…

Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu để đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ để luật hóa và thống nhất các quy định liên quan đến đặc thù nghề nghiệp và tạo cơ sở pháp lý để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là vấn đề cấp thiết thúc đẩy quả trình đổi mới toàn diện giáo dục. Chính vì vậy sắp tới được sự ủng hộ của Chính phủ Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh vấn đề tự chủ tuyển người cho các trường, đồng thời sẽ thí điểm có lộ trình việc thực hiện hợp đồng lao động thay vì hợp đồng làm việc của viên chức. Cụ thể ngành giáo dục sẽ thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ.

Phải cơ cấu hóa lại đội ngũ nhà giáo

Liên quan đến đội ngũ nhà giáo có các vấn đề liên quan đó là: Tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và đánh giá.

Tại tọa đàm về chính sách đối với đội ngũ GV và cán bộ quản lý PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục đã đưa ra những phân tích trên tình hình thực tế:

“Phần tuyển dụng do Bộ Nội vụ thực hiện, nên có trường thừa giáo viên rồi mà vẫn được giao thêm. Về tổng số giáo viên, có thể trường đủ, nhưng về cơ cấu lại có vấn đề, có huyện, tỉnh thừa hàng trăm giáo viên môn sử, môn văn, trong khi các môn khác lại thiếu. Giữa tuyển dụng, sử dụng chưa gắn với nhau, mà cắt khúc qua 2 bộ. Phải làm thế nào để tuyển dụng, sử dụng về “một nhà”. Bởi sử dụng gắn với đánh giá giáo viên, nếu đào tạo, bồi dưỡng mà đánh giá vẫn không đạt chuẩn nghề nghiệp, thì có quyền sa thải, nhưng thực tế các nhà trường không thể sa thải giáo viên, kể cả người không bảo đảm về mặt kỷ luật và chất lượng nghề nghiệp”.

PGS Đặng Thị Huyền cũng cho biết: Trong khi đó, nhiều giáo viên thiếu động lực để thường xuyên và liên tục phát triển năng lực nghề nghiệp. Có giáo viên của một trường, theo quy định dạy 19 tiết/tuần, nhưng chỉ dạy 8 tiết, vì đã hết giờ dạy, ngoài ra, ít có hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực nghề nghiệp, nhưng vẫn hưởng 100% lương, dù làm việc dưới 40%. Vì vậy cần rà soát để đánh giá, có chính sách giải quyết những giáo viên không đủ năng lực, giáo viên dư thừa.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm thị Giang, phó hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B tỉnh Ninh Bình cũng bày tỏ quan điểm của mình: Việc thực hiện hợp đồng lao động thay cho hình thức biên chế sẽ tạo ra sự cạnh tranh một cách công bằng trong đội ngũ nhà giáo.

Đây chính là tiền đề để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn. Điều này sẽ tạo động lực để bản thân mỗi giáo viên phải tự nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, thay đổi phương pháp dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Như vậy sẽ không có sự cào bằng trong vấn đề đánh giá. Vì tâm lý khi vào được biên chế thì việc xét hoàn thành nhiệm vụ hay không để có sự luân chuyển hay sa thải là việc rất khó làm. Chỉ trường hợp vi phạm kỷ luật lao động đến mức buộc thôi việc mới có thể đào thải, nhưng vi phạm đến mức kỷ luật này là rất hiếm, và chỉ áp dụng với những lỗi rất nặng.

Mặt khác hiện nay vấn đề đánh giá, khen thưởng  giữa các giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những giáo viên khác chưa thực sự rõ rệt và chưa tạo ra động lực để các nhà giáo phấn đấu một cách tốt nhất. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo song song với vấn để cơ cấu lại đội ngũ nhà giáo thì cần phải đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo một cách bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.                                                      Minh Châu

Trao đổi về chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý yên tâm công tác, theo PGS.TS. Chu Hồng Thanh (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT), khi nghiên cứu Luật Giáo dục, có thể chia thành 5 nhóm vấn đề chính mà hệ thống chính sách cần phải có: Những vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đội ngũ nhà giáo; chính sách tiền lương, thu nhập nhà giáo; chính sách ưu đãi riêng biệt với giáo viên dạy ở trường chuyên biệt; chính sách ưu đãi riêng với nhà giáo công tác tại trường ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách luân chuyển và bồi dưỡng, nâng cao năng lực của nhà giáo để có thể phân bố và điều hòa được giữa các vùng miền; PGS.TS. Chu Hồng Thanh cho rằng cả 5 nhóm chính sách trên không có sự phân biệt giữa công lập và tư thục, dấu hiệu duy nhất để phân biệt chỉ nên đặt ra với chính sách đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.