(GD&TĐ) - Thi ĐH với 26,75 điểm (Toán 9,25; Văn 8,5 và Anh 9), cô bạn nhỏ nhắn Phạm Kiều Ngân của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã xuất sắc giành á khoa vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) năm nay.
Kiều Ngân (ngoài cùng bên trái) với bạn học cùng lớp tại Trường Nguyễn Tất Thành. |
Không muốn nói nhiều về thành tích, Ngân chỉ tiết lộ thông tin mình đạt thành tích học sinh giỏi trong 12 năm liền và bản thân có rất nhiều sở thích: vẽ, đọc truyện tranh, ngắm tranh, làm đồ handmade, ăn uống, shopping, nghe nhạc, xem chương trình du lịch hoặc khoa học...; ước mơ được đi du lịch khám phá văn hóa các nước trên thế giới. Điều Ngân muốn chia sẻ là những kinh nghiệm bản thân rút ra trong suốt 12 năm học để học và thi đạt kết quả tốt nhất.
Hiểu bản chất + vận dụng
Đó là công thức của Ngân khi học Toán. Ngân cho rằng, điều cần thiết nhất nhất để học Toán tốt là hiểu bản chất của vấn đề: dạng toán này để làm gì, hướng giải như thế nào, nắm được những công thức căn bản và cách vận dụng.
Nếu hiểu được tại sao lại có công thức đó thì càng tốt vì nó sẽ giúp mình dễ nhớ hơn và không bao giờ quên bởi vì một cách làm không chỉ áp dụng cho một dạng bài mà còn cần cho những dạng khác nên cần biết áp dụng thật linh hoạt; không nên học vẹt công thức rồi chỉ biết làm theo một kiểu mẫu cho mỗi dạng
“Chính cách này đã “cứu” em trong kì thi ĐH vừa qua. Với câu điểm 9 em không làm được nên bị cuống, câu 10 điểm bình thường em vẫn không chắc mình làm được, may lần này vì vận dụng kiến thức ở phần phương trình (thường dành cho câu hàm số học từ lớp 10) nên em đã giải được, nhờ đó, gỡ lại cho câu 9 điểm” – Ngân tâm sự.
Ngân cho biết thêm, biết công thức rồi nhưng khi áp dụng thì còn rất nhiều điều bất ngờ. Nên cần có ý thức tự làm bài tập thì mới nhớ được công thức. Chỉ nghe giảng trên lớp không có tác dụng nếu ở nhà không tự làm thêm bài tập.
Môi trường xung quanh cũng là động lực lớn. Lớp em khá đoàn kết, khi chuẩn bị cho kì thi ĐH, mọi người đều quyết tâm và cố gắng hết sức mình, thi đua nhau cùng tiến bộ chứ không ganh đua vì điểm. Để có thêm động lực học, hãy rủ thêm bạn bè trong nhóm hoặc cả lớp tham gia, điều này sẽ mang lại niềm vui, hứng thú và cả sự cạnh tranh rất tốt trong học tập.
Ngân cho biết: “Em may mắn được học thầy Sơn Hà. Thầy dạy Toán nhưng không hề khô khan, hay làm thơ đọc cho cả lớp. Thầy cũng rất nhiệt tình giảng dạy, không phân biệt học sinh giỏi hơn hay yếu hơn, cách dạy sinh động, giúp học sinh hiểu được bản chất vấn đề; và quan trọng là thầy luôn dạy học sinh cách tự học, truyền được cảm hứng cho mỗi học trò. Tuy nhiên, nếu không may mắn có một người thầy như mong muốn, các bạn có thể tự tham khảo tài liệu, tự tạo hứng thú trong học tập vì quan trọng nhất là tự học. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai”.
Ngân cũng chia sẻ cách tạo hứng thú trong việc học: Hãy biến việc giải Toán thành một nhiệm vụ thú vị, giống như kiểu chơi trò giải ô chữ hay sudoku. Mỗi khi gặp bài Toán, em đều cô gắng thử tự làm, nếu cố hết sức, hết cách mà không giải được mới nhờ đến thầy. Cứ tập cho mình ý thức như vậy và cố gắng tự tìm lời giải sẽ là thói quen tốt trong quá trình học Toán cũng như giải quyết các vấn đề.
Thận trọng với văn mẫu
Với môn Văn, em được học cô Phạm Thị Thu Hiền. Cô khá nghiêm khắc nhưng chính cô là người đã em cũng như cả lớp cách nắm ý và lập dàn bài để học Văn một cách khoa học.
Kinh nghiệm cá nhân em thấy rằng, muốn học tốt Văn, đầu tiên và trước hết là phải đọc văn bản. Tuyệt đối không “nhảy” luôn vào học bài mẫu trong khi còn chưa biết văn bản (lỗi này học sinh hay mắc, em cũng từng thế).
Vào phòng thi, chắc chắn mấy bài mẫu kia trôi hết, đặc biệt là với kiểu ra đề như bây giờ, đến có “phao” cũng không làm được. Với câu 1 (2 điểm) trong đề thi ĐH, thường hỏi những chi tiết nhỏ, nhiều bạn không học văn bản không làm được thì dù câu 5 điểm có cố gắng mấy cũng không gỡ được.
Em thường tập viết đoạn văn phân tích nhỏ cho một chi tiết hay đoạn thơ khi luyên tập ở nhà vì không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để ngồi viết cả bài phân tích. Nắm được ý chính của từng bài là cực kì cần thiết. Em thường tham khảo cố định một nguồn tài liệu (sách vở hay thầy cô) và tự vạch ra cho mình những ý chính của mỗi phần, tùy theo khả năng mà nhớ chi tiết hay ý cơ bản. Có thể lập sơ đồ cây để vừa không bị sót ý, lại có thể hình dung tổng thể.
Vì viết văn còn cần có kiến thức thực tế để làm câu 2 (3 điểm) nên em cũng tập thói quen lên mạng hoặc xem báo đế biết thêm thông tin về đời sống xã hội.
Nên tạo thói quen lập dàn ý/nháp trước khi làm bài, điều này giúp hình dung được bố cục bài trước khi viết, mạch lập luận triển khai những ý nào, lấy ví dụ gì..., đồng thời cũng dễ dàng bổ sung thêm ý. Em thường giành 10 phút đầu trước khi viết bài để lập ý và ghi ra nháp càng nhiều ý tưởng càng tốt. Ghi lại ngay bất cứ ý tưởng nào chợt nảy ra trong khi làm bài dù chưa làm đến ra nháp để tránh quên.
Tiếng Anh: Học mọi lúc, mọi nơi
Với tiếng Anh em thấy rằng, kiến thức tiếng Anh thi ĐH với tiếng Anh thực tế khác xa nhau rất nhiều.
Lưu ý phần ngữ pháp, đề thi ĐH chiếm khoàng 40% là căn bản, nếu không hiểu ngữ pháp thì khó mà hiểu được câu người ta nói gì.
Từ vựng, có lẽ đây là điều nan giải nhất khi học ngôn ngữ vì ngữ pháp loanh quanh chỉ đến thế còn từ vựng thì vô vàn. Lưu ý, ngoài học nghĩa cũng phải học cách áp dụng vào câu nữa. Cách học từ của em là: cố gắng viết từ mới ở mọi nơi, viết sao càng bắt mắt ấn tượng càng dễ nhớ và xem lại nhiều nhất có thể.
Có nhiều hình thức có thể áp dụng. Ví dụ, viết sổ (cách này tốt nhất vì có thể viết sao tùy thích (cả ví dụ luôn) và viết nhiều từ cùng chủ để); flashcard (cách này tiện lợi, có thể mang đi học để giờ ra chơi vui vui tra khảo bài với bạn, nhược điểm là dễ nhớ dễ quên); giấy nhớ, note... dán những nơi thường để mắt đến, bao giờ thấy lại vui vui ôn lại...
Tóm lại, để thi ĐH đạt kết quả cao quan trọng nhất là khả năng tự học hiệu quả, nắm những ý cơ bản và biết vận dụng, cố gắng tạo hứng thú trong học tập bằng mọi cách.
Chia sẻ thêm với những bạn chưa đạt kết quả mong muốn trong kỳ thi ĐH năm nay, Ngân cho rằng: “Thất bại chỉ là một bước trong hành trình đến với thành công của bạn. Nếu bạn quyết tâm và tin rằng ĐH là một bước đi cần thiết cho tương lai của mình thì hoàn toàn có thể ôn tập kĩ hơn để năm sau thi tiếp. Thi ĐH không quá khó nếu bạn quyết tâm và có phương pháp học đúng đắn! Bạn có thể tham khảo những chia sẻ của mình hoặc những tấm gương khác, quyển "tôi tài giỏi, bạn cũng thế"" là một ví dụ rất hay".
Hiếu Nguyễn ghi