Chuyện về vị tướng trẻ nhất toàn quân

GD&TĐ - Thượng tướng, Anh hùng LLVT, Viện sĩ Khoa học quân sự - Nguyễn Huy Hiệu là một vị tướng tài ba, lỗi lạc. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh thắng vang dội ở chiến trường miền Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Giờ đây những ký ức về năm tháng ấy luôn ùa về trong ông như những thước phim quay chậm khiến ông càng thương nhớ các anh em đồng đội.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Cuộc đời binh nghiệp

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, quê ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ khi còn là cậu bé chăn trâu ông đã thích chơi trò đánh trận giả với bạn bè và có ước mơ trở thành người tướng chỉ huy giỏi trong quân ngũ. Đến năm 1964, khi vừa tròn 17 tuổi, ông viết đơn nhập ngũ và trở thành anh lính lục quân. Đến tháng 2/1965, ông được đưa về huấn luyện tân binh ở tiểu đoàn 2 Trung đoàn 812, sư 324 ở Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau đó được đưa về chiến đấu ở Bình Trị Thiên, rồi sang Lào. Tiếp đó ông về Sư đoàn 341 quân khu 4 và Trung đoàn 27 mặt trận B5.

Từ vị trí anh lính binh nhì ông đã được cất nhắc lên nhiều cương vị: Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng và Trung đoàn trưởng, đã lãnh đạo được những đội quân tinh nhuệ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã chỉ huy một trong năm mũi nhọn đánh vào giải phóng Sài Gòn.

Năm 1973 khi mới 26 tuổi, ông được tuyên dương là Anh hùng LLVTND.

Từ năm 1975 -1980, ông được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, sau đó được cử về học ở Học viện cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Năm 1980 khi bước sang tuổi 34, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B và nhận quân hàm Đại tá (nay là sư đoàn 390 Quân đoàn I).

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tặng quà cho các cháu học sinh giỏi huyện Trực Ninh – Nam Định

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tặng quà cho các cháu học sinh giỏi huyện Trực Ninh – Nam Định

Vào sinh ra tử

Trong lúc vào sinh ra tử của thời chiến ác liệt, Tướng Hiệu không thể nào quên những câu chuyện luôn gắn liền với đồng đội, anh em của mình. Ông kể: Năm 1968 khi đưa Trung đội qua bờ Nam sông Bến Hải, chúng tôi phải vượt qua bến Vượt (bên Vĩnh Long sang) để đến đường 3m Bắc Tiến. Đây là con đường Ngô Đình Diệm làm để ra miền Bắc, cho nên đây là con đường nguy hiểm nhất.

Bến Vượt có thể nói là kinh khủng, nó được ví như là một cái túi đựng bom và đã có rất nhiều đồng đội hy sinh ở đây. Ban đêm nơi đây thường bị dội pháo, bom tọa độ, ban ngày thì máy bay quần thảo, vì chúng nghĩ đây là con đường tiếp tế của ta.

Một hôm, tôi đang chỉ huy Trung đội vượt qua bến Vượt khoảng 300m thì địch đánh. Một quả bom tọa độ rơi đúng đội hình cách tôi 5m, tôi đã hô tất cả các anh em nằm xuống. Trong khoảnh khắc sinh tử, ngàn cân treo sợi tóc cả Trung đội đã răm rắp theo sự chỉ huy của tôi và rồi rất may mắn quá bom đó đã không nổ. Nhưng... cả Trung đội được một phen hú vía.

Song ngay lập tức lúc đó, tôi lại hô các anh em tìm chỗ ẩn nấp ngay, bởi vì theo kinh nghiệm chiến đấu, tôi biết chắc chắn sau quả bom thứ nhất chúng thả thì sẽ có quả bom thứ hai. Tất cả anh, em nghe theo hiệu lệnh của tôi đã tìm đến những hố bom trước đó để ẩn nấp. Quả nhiên, quả bom thứ hai lại dội tới và tất cả mọi người đã được an toàn.

Những trận đánh không thể nào quên

Trận đánh phải kể đến đầu tiên là trận đánh ở Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị). Chỉ sau 45 phút, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã tiêu diệt gọn đại đội cơ giới của Mỹ. Ở trận đánh này, ông đã chỉ huy đưa lực lượng của ta luồn sâu vào cụm cơ giới của địch, đánh địch từ bên trong đánh gia. Sau trận đánh này từ đại đội trưởng, ông được bổ nhiệm chức Tiểu đoàn trưởng. Chiến thắng này cũng góp phần vào việc đánh bại chiến thuật trâu rừng của tướng Mỹ Abraham.

Trận đánh thứ hai là trận đánh táo bạo giữa ban ngày, tiêu diệt 28 xe cơ giới của địch ở Đường 9 Nam Lào, gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Đông Hà lên Khe Sanh và bản Đông.

Trận đánh thứ ba là trận đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 Đông Nam cứ điểm 544 (Địch gọi là Fulơ). Ông chỉ huy đưa một tiểu đoàn luồn sâu vào căn cứ phía sau của địch, chỉ sau 35 phút quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ chiến trường và bắt sống Tiểu đoàn trưởng của địch là Hà Thúc Mẫn. Sau đó ta chỉ huy đánh vào cánh Đông giải phóng Triệu Phong và Hải Lăng góp phần vào giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.

Trận đánh thứ tư là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi đó Tướng Nguyễn Huy Hiệu được lệnh chỉ huy một trong năm mũi tấn công tiến về giải phóng miền Nam từ Lái Thiêu theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, đánh chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, lục quân công xưởng và Bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, sau đó là tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa.

Nhớ lại những trận đánh, những ngày gian khó thấm đẫm xương máu và tính mạng của anh em đồng đội, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không khỏi rưng rưng, ông chia sẻ: Tất cả mọi thứ đều khổ luyện mà thành. Ông luôn thầm cảm ơn đồng đội và cuộc đời binh nghiệp, các trận chiến đã đã tôi luyện ông thành một người Anh hùng LLVTND luôn cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Là một vị Tướng, theo ông, biết tấn công đúng lúc và rút lui bảo toàn lực lượng đúng thời cơ. Cái khó nhất của người cầm quân là làm sao giành được thắng lợi mà không phải đổ máu và hy sinh nhiều.

Anh hùng, viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (3 nhiệm kỳ). Nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.

Năm 39 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh quân đoàn I.

Ông là vị tư lệnh Quân đoàn trẻ nhất, là người nước ngoài đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu là viện sỹ (nghệ thuật chiến tranh)

Ông được phong thiếu tướng ở tuổi 40, là vị tướng trẻ nhất toàn quân thời bấy giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ