Chuyện về nam sinh “chưa một lần đi dép”

GD&TĐ -Cậu bé Lầu A Sáng sinh ra và lớn lên ở tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Cờ Đỏ (Mộc Châu) và là học sinh lớp 12 trường Hữu nghị 80. Hình ảnh chàng trai với đôi chân không bao giờ đi dép và đôi tay chảy máu vì làm việc thay cho chân đã là một tấm gương sáng về nghị vượt khó vươn lên trong học tập và tinh thần lạc quan trước giông tố cuộc đời.

Lầu A Sáng - học sinh lớp 12 trường Hữu nghị 80.
Lầu A Sáng - học sinh lớp 12 trường Hữu nghị 80.

Đôi tay rớm máu bò đến trường mỗi ngày

Từ nhỏ Sáng đã không may mắn như bao đứa trẻ khác, bị dị tật bẩm sinh, bố mẹ đưa em xuống Bệnh viện Nhi Hà Nội chữa trị. Tại đây, các bác sĩ kết luận, Sáng có một khối u ác tính nằm ở hông, sau đó Sáng được phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Ca phẫu thuật này giúp em giữ lại tính mạng nhưng đôi chân em vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, không thể đi lại bình thường, vết thương gây ức chế đến sự phát triển của đôi chân khiến cho chân trái em lâu ngày đã bị khèo còn chân phải bị teo nhỏ, đôi chân vẫn thỉnh thoảng lại đau buốt, thậm chí còn mưng mủ do bị dò tủy.

Thế nhưng, cậu bé ấy vẫn có một khát khao cháy bỏng là được đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa. Anh Páo bố của Sáng chia sẻ: “ Ban đầu tôi cũng khuyên cháu nên nghỉ học, tàn tật như vậy có học được cũng không làm được gì, chỉ sợ bản thân cháu cũng buồn và tự ti. Thế nhưng, cháu không chịu, con bảo tôi rằng không làm được gì thì con cũng muốn được học cho hết con chữ đã”.

Bao nhiêu lần bỏ cơm và khóc vì xin bố cho đi học, thương con, mẹ của Sáng đã cõng con đến trường xin học. Vì điều kiện của em quá đặc biệt, cô giáo không dám nhận vì chưa có trường hợp nào như thế.

Nhưng hai mẹ con vẫn đến lớp ngồi một góc để xin cho con học được chút nào hay chút đó. Thương trò nghèo tàn tật nhưng ý chí phi thường, cô giáo đã đứng ra nhận Lầu A Sáng vào lớp. Những ngày sau, cả nhà bận lên nương nên em phải tự đi học một mình.

Suốt 5 năm học Tiểu học, gần như Sáng tự bò tới lớp, quãng đường 500m các bạn đi bộ mất 5 phút nhưng riêng em thì để đến được đích mỗi ngày em phải dậy sớm trước các bạn cả tiếng đồng hồ, cứ như vậy một mình em bò trên con đường nhỏ hằng ngày lổm nhổm đất đá. Thời tiết Mộc Châu lạnh hay nắng, giá buốt hay mưa, cậu bé ấy vẫn bò đến lớp mỗi ngày.

Khi học Trung học cơ sở, em phải chuyển đến học trường THCS 19-5, em không thể tự bò đi học được nữa bởi trường cách nhà hơn 3km. Điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng hằng ngày, bố vẫn đưa đón em đi học bằng xe máy.

Có những hôm bố mẹ đi làm xa, không kịp về đón em lúc tan trường, Sáng vẫn kiên nhẫn ngồi đợi đến chiều. Thiệt thòi hơn nhiều so với các bạn, nhưng Sáng luôn có khát khao cháy bỏng được đi học, được “học cho hết cái chữ thì thôi”. Em vẫn mong mỏi được trở thành người có ích, và sẽ không là gánh nặng cho ai.

Đẹp như…cái tên

Với ý chí nghị lực của bản thân, em vẫn luôn có một niềm tin rất lớn về sau sẽ học thật tốt và trở thành một kĩ sư điện tử. Em nghĩ rằng với công việc đó, em sẽ trở thành người có ích.

Chính với ước mơ đó mà cậu bé Lầu A Sáng dù mới 14 tuổi, thân hình nhỏ bé vỏn vẹn chỉ nặng có 23kg. Ngày nào em cũng một mình chống tay để bò trên trường. Tối đi học về, Sáng lại loay hoay với mấy đồ điện trong nhà, tháo ra rồi lắp vào thành thục và rất chuyên nghiệp. Tất cả bảng điện trong nhà bị hỏng đều do một tay Sáng sửa chữa.

Cậu bé ấy đúng như cái tên của mình, bỏ qua hết những khiếm khuyết của bản thân để làm việc bằng đam mê và sự học hỏi không ngừng. Hè năm lớp 4, nhà nghèo không có tiền mua quạt, Sáng tự tay sáng chế một chiếc quạt cho cả nhà dùng.

Đó là chiếc quạt được làm từ những đồ điện hỏng mà hàng xóm bỏ đi. “Em mất gần ba tháng mới hoàn thành chiếc quạt, nhưng khi quạt làm xong thì thời tiết cũng chuyển sang mùa lạnh”.

Giọng nói tự nhiên và rất thân thiện, không hề bi quan hay tự ti, Sáng phấn đấu nhiều hơn mỗi ngày để lấp đầy chỗ trống nơi bàn chân tàn tật kia.

Các bạn và thầy cô ở trường cũng chia sẻ: “Ở trường, Sáng là học sinh chịu nhiều thiệt thòi nhất so với các bạn, nhưng nghị lực của cậu bé là tấm gương sáng cho nhiều em khác noi theo. Sáng học rất tốt, liên tục đạt học sinh tiên tiến và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Nhà trường luôn động viên Sáng đến trường và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em đi học”.

Lên THPT, Sáng được xét tuyển vào trường THPT Hữu Nghị 80. Hàng năm, trường vẫn xét tuyển các học sinh là con em dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tại đây, cậu bé chính thức xa nhà để lên Sóc Sơn (Hà Nội) để học tập. Qua nhiều năm học vất vả, Sáng đã là học sinh lớp 12. Hiện, Sáng vẫn là học sinh chăm chỉ và ngoan ngoãn của lớp, tuy nhiên cậu cũng gặp không ít những áp lực khi đây là năm học cuối cùng và cần có những quyết định quan trọng.

Sáng cho biết, ước mong của em là thi vào trường Đại học FPT, nhưng hiện tại, cậu chỉ biết nỗ lực và cố gắng để hoàn thành tốt năm học cuối cùng này. Có lẽ hình ảnh về một chàng trai với đôi chân không bao giờ đi dép sẽ là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên vượt qua hoàn cảnh cho bao nhiêu bạn trẻ noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.