(GD&TĐ) - Trong các phân hiệu Lũng Giang, một bản vùng cao của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đi lại xa xôi, vất vả và khó khăn nhất là các em học sinh ở bản Khao Quang. Nằm cách phân hiệu chính gần 7km, đường đi núi non hiểm trở, lớp học duy nhất chỉ có 5 học sinh ở đây vẫn tích cực ngày ngày tới trường. Điều đó cũng đủ để chứng minh sự ham học của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao nơi đây.
>>>Sự học nơi điểm trường cắm bản
Em Ngân cố vượt nhiều khó khăn để đến trường học chữ |
Xuống núi tìm chữ
Hôm chúng tôi đến phân hiệu Lũng Giang thì có 1 học sinh trên bản Khao Quang vắng học. Cũng chính vì thế mà suốt cả buổi dạy hôm đó, thầy giáo Khiêm cứ nhấp nhỏm không yên. Chỉ đợi đến giờ nghỉ trưa thầy giáo Khiêm nhất quyết lên bản Khao Quang để xem tình hình các em bởi thầy giáo biết những học sinh ở đây ngày nắng cũng như mưa, đều rất chịu khó đi học. Thầy giáo Khiêm lo có chuyện gì đó xảy ra trên bản ngăn bước chân em đến trường…
Trên đường vào bản, thầy Khiêm cho biết ở bản Khao Quang 100% là dân tộc Dao và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống chỉ biết dựa vào ruộng lúa, ruộng ngô. Đường đi lên đó thì khó khăn hơn đường đi dạy mà chúng tôi đã qua rất nhiều vì núi đá rất dốc, hiểm trở và nguy hiểm. Các em ở trên đó mỗi lần từ nhà đi học phải đi gần 2 tiếng đồng hồ. Xuống đến nơi em nào cũng mồ hôi ướt đẫm lưng, quần áo lấm lem bùn đất.
Gần trưa, chúng tôi theo chân thầy giáo Khiêm lên thăm các em học sinh ở bản Khao Quang. Mặc dù đã được thầy giáo Khiêm kể qua về con đường mà ngày ngày các em ở bản vẫn đi học đến trường nhưng có đi và tận mắt chứng kiến chúng tôi mới cảm nhận hết được sự khó khăn và hiểm trở của nó.Trên lối nhỏ duy nhất mà người dân trên đó phát quang cây cối để đi, chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là men bám vào từng bờ đá một để bước từng bước tiến về phía trước.
Trong không khí ẩm ướt của rừng núi, những phiến đá phủ đầy rêu khiến người đi phải rất cẩn thận vì rất dễ bị trượt chân. Xen kẽ giữa những phiến đá trơn là những viên đá sắc nhọn, có thể cứa vào chân bất cứ lúc nào. Không những thế, phía 2 bên đường có rất nhiều dây điện (Người dân ở đây không có điện nên phải mua máy phát điện của Trung Quốc về lắp ở bờ suối để có điện thắp sáng và mắc dây chằng chịt 2 bên lối đi –PV).
Thầy giáo Khiêm cảnh báo: Điện này là điện 220kv, có thể giật chết cả trâu. Vì thế đi đường phải tuyệt đối chú ý tránh dây điện, nhỡ dây bị hở hay rò rỉ thì rất nguy hiểm. Cứ cách đoạn, chúng tôi lại bắt gặp cả bọ cạp; vắt rừng thì nhiều vô kể. “Hôm nay không gặp rắn chứ bình thường đi rất dễ gặp rắn, có khi là rắn độc” thầy giáo Khiêm nói. Vốn đã quen với những con vật đó nên các em học sinh ở đây cũng đã có những kinh nghiệm để tránh cũng như cách xử lí khi bị chúng cắn, đốt. Cũng chính vì thế mà ngày ngày các em vẫn tới lớp và đến giờ vẫn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Con đường độc đạo dẫn vào bản Khao Quang vẫn đậm nét nguyên sơ |
Học sinh học cả ngày cho nên để kịp đi học, các em ở bản Khao Quang đều phải đi từ sáng tinh mơ. Ngoài sách vở, các em còn mang theo cơm nắm để ăn trưa. Đến chiều học xong các em mới về nhà. Thường thường phải 5 giờ chiều mới tan lớp cho nên lúc trời xẩm tối các em lại cùng nhau về nhà. Đường về nhà ban ngày đã khó đi, buổi tối càng khó đi hơn, và không thể đi nhanh được. Chính vì thế lúc về đến nhà thì trời cũng đã tối mịt.
Học sinh ở bản nghèo
Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua bao dốc cao, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Khao Quang. Ở đây dân cư còn thưa thớt và cuộc sống người dân nơi đây còn rất nghèo. Đi lại khó khăn, dân trí lại thấp, người dân đa số sống theo kiểu tự cung tự cấp. Nguồn sống chính là ruộng lúa, ruộng ngô mà mỗi gia đình tự trồng lấy. Cứ 1 tháng là thầy giáo Khiêm lại lên bản Khao Quang một vài lần nên mọi người ở đây thầy đều quen, lối vào nhà từng học sinh của mình thầy đều biết. Cùng với thầy, chúng tôi vào thăm nhà em Phùng Thị Ngân, là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong lớp.
Ngân đang học lớp 5, nhà có 5 chị em. Bố Ngân bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên bị bệnh bạch tạng; Mẹ Ngân bị tâm thần. Cả bố và mẹ đều đau yếu luôn cho nên dù còn nhỏ nhưng Ngân và 1 người chị đang học lớp 6 phải cáng đáng hết những công việc trong nhà. Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng không có một thứ gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo rách tơi tả và một bộ ấm chén sứt mẻ, cáu bẩn.
Hầu hết những căn nhà trong bản đều dột nát như thế này |
Bố mẹ bị bệnh, các em còn nhỏ nên buổi sáng 2 chị em Ngân thức dậy từ khi trời còn tờ mờ sáng, nấu cơm quét dọn và làm cơm nắm mang đi. Đi học đến tối mịt mới về lại phải nấu cơm cho bố, mẹ và em. Buổi sáng hôm chúng tôi đến Ngân nghỉ học. Lí do là vì tối qua cả nhà không còn gạo, chỉ còn lại một ít sắn cho nên 2 chị em Ngân đã nhường sắn cho bố mẹ và em. Sáng hôm nay đói quá nên em không đi học nổi.
Thầy giáo Khiêm cho biết, với trường hợp đặc biệt khó khăn như gia đình Ngân thì hàng tháng thầy cô trong trường vẫn đóng góp để giúp đỡ gia đình em về gạo, muối. Thế nhưng sự giúp đỡ của các thầy cô giáo cũng chỉ giúp được gia đình em trong một chừng mực nào đó.
Ngoài gia đình em Ngân, thầy giáo Khiêm còn cho chúng tôi biết thêm về những trường hợp đặc biệt ở bản. Trong đó có 1 trường hợp rất cảm động về 2 anh em Đặng Đăng Chí và Đặng Đăng Kiên. Lúc Chí học hết lớp 5 thì Kiên mới bước vào lớp 1. Kiên yếu ớt, gầy gò không được như các bạn cho nên Chí không yên tâm để em tự xuống núi đi học. Chính vì thế thay vì lên cấp 2, đi học ở trường nội trú của xã thì Chí tự nguyện nghỉ học 1 năm, ở nhà cõng Kiên đi học. Cứ sáng sớm Chí cõng Kiên xuống lớp và ở đó đến chiều để cõng Kiên về nhà. Đến bây giờ, sau 1 năm Kiên cứng cáp hơn và có thể tự đi học được thì Chí mới yên tâm đi học cấp 2 ở trường nội trú.
Thăm nhà các em và tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình chúng tôi mới cảm nhận được hết cái nghèo, cái khổ của người dân nơi đây. Trong cuộc sống khó khăn, vất vả như thế mà các gia đình vẫn quyết tâm cho con em được đi học chứng tỏ bà con nơi đây đã có nhận thức về tầm quan trọng của việc học, đến trường. Đó là công sức không nhỏ của chính quyền nơi đây và đặc biệt là những nhà giáo như thầy Khiêm và các thầy cô trường tiểu học Năng Khả -Tất cả vì học sinh thân yêu.
Bài ảnh: Phong Vân – Đức Nhã