Chuyện tình người Cảnh sát Biển tàu 2016

Ngay khi xuống tàu Cảnh sát Biển Việt Nam 2016, tôi đã chú ý đến người chính trị viên vóc dáng khá nhỏ, trên gương mặt sạm nắng gió có chút ưu tư ẩn giấu trong sâu thẳm đôi mắt sáng cương nghị dù rất hay cười.

Chuyện tình người Cảnh sát Biển tàu 2016
Chuyện tình người Cảnh sát Biển tàu 2016 ảnh 1

Gương mặt rắn rỏi và đôi mắt ẩn sâu nỗi buồn của thượng úy Nguyễn Quốc Huy (bìa phải), chính trị viên tàu cảnh sát biển Việt Nam 2016 - Ảnh: My Lăng

Hỏi đồng đội anh mới hay bố mẹ anh đã lớn tuổi nên hay yếu đau, hai con còn rất nhỏ và người vợ đang bị ung thư nặng.

Chị Trần Thị Hòa ở chung nhà với gia đình chồng. Khi lên thành phố Đồng Hới làm việc (cách nhà chồng gần 60 km), chị gửi hai con nhỏ cho bố mẹ chồng trông nom giúp. 

Vất vả là vậy nhưng khi anh gọi về, chị ráng cứng giọng bảo anh cứ yên tâm, ở nhà mọi việc vẫn ổn. Ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, đối diện với sự hung hăng của tàu Trung Quốc, anh cứng cỏi, bản lĩnh, không một phút nao núng, yếu lòng. Nhưng khi phỏng vấn, nhắc về hai con nhỏ, có lúc anh rơi nước mắt dù vẫn đang cười...

Anh là thượng úy Nguyễn Quốc Huy (35 tuổi), chính trị viên tàu Cảnh sát Biển Việt Nam 2016. Chiếc tàu của anh bị tàu hải cảnh Trung Quốc 44101 đâm thủng bốn lỗ, vừa trở về bờ để sửa chữa. 

Đi biền biệt từ ngày 5/5 đến 3/6 anh mới gọi điện thoại cho vợ. Đó là cuộc gọi đầu tiên của họ kể từ ngày anh ra biển nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tròm trèm một tháng họ mất liên lạc trên biển. 

Ngày anh đi thời gian quá gấp, nhiệm vụ đột xuất nên không kịp thông báo với vợ. Chỉ đến khi tivi phát tin tàu bị phun vòi rồng rồi bị đâm, chị và cả nhà mới hay anh đang ngoài biển Hoàng Sa. 

Về bờ, trong cuộc gọi vội vàng, anh chỉ nói ngắn gọn: “Anh đã về nhưng đang bận việc. Khi nào rỗi anh gọi lại sau”. Con trai đầu lòng của anh hơn 3 tuổi cứ giành nói chuyện với ba. Nghe con trai thỏ thẻ: con nhớ ba lắm, lồng ngực anh quặn thắt lại... Công việc phải xử lý còn quá nhiều, nhất là việc sửa chữa những hư hỏng sau khi bị tàu Trung Quốc đâm, anh vội vàng cúp máy.

Nếu đồng đội anh không kể, chúng tôi cũng khó biết sau lưng người sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam này lại trĩu nặng nhiều tâm tư đến thế. 

Vợ anh, chị Trần Thị Hòa (31 tuổi), đang điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Khi sinh bé đầu tiên, chị đã phải phẫu thuật cắt u nang buồng trứng bên phải. 

Tháng 9/2013, khi chị sinh bé thứ hai, bác sĩ nói phải mổ bắt con. Lúc mổ họ lại phát hiện u nang buồng trứng bên trái và nghi ngờ chị bị ung thư buồng trứng. 

Chuyển ra Bệnh viện K (Hà Nội), bác sĩ xác định chị bị ung thư. Chỉ 20 ngày sau khi mổ bắt con, chị phải tiếp tục chịu đựng ca phẫu thuật thứ hai cắt tiếp u nang buồng trứng bên trái, cắt luôn tử cung. Chị phải trải qua sáu đợt hóa trị sau hai lần mổ với chi phí gần 200 triệu đồng.

Họ yêu nhau từ năm 2004. Khi ấy anh đang công tác ở Vùng 3 hải quân. Còn chị là sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Họ gặp nhau khi chị vừa đi học quân sự về. 

Còn anh và nhóm bạn cùng quê lên phòng trọ của chị chơi. Cuộc sống bộ đội vất vả. Cuộc sống xa nhà của chị thì khó khăn. “Lúc đó tôi thấy cô ấy dễ thương và có tình cảm. 

Thật tình tôi không dám nghĩ mình sẽ yêu và lấy cô ấy vì mặc cảm mình chỉ học trung cấp, không dám yêu một cô học đại học” - anh kể. 

Nhiều lần gặp gỡ sau đó đã nối họ lại gần hơn. Mấy người bạn trong phòng chị là bạn cùng quê với bạn anh. Cuối tuần, anh và các bạn hay đạp xe 12km lên chỗ chị. 

Cả hai đều là mối tình đầu của nhau. Yêu nhau gần một năm, anh được cử đi học sĩ quan chính trị ở Bắc Ninh. Từ đó họ yêu trong xa cách đến tận bốn năm. Chị đang là sinh viên, xung quanh có nhiều “vệ tinh” nhưng vẫn quyết tâm chờ đợi anh.

Tháng 4/2010, sau sáu năm yêu nhau, họ mới tổ chức đám cưới. Cưới xong, chị vào Đà Nẵng xin việc để gần nơi anh công tác (Quảng Nam). 

Chị học Đại học Kinh tế Đà Nẵng, ra trường từ năm 2007 nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa xin được việc ổn định. Chị thuê một căn phòng trọ cấp 4, mái tôn, mùa đông thì dột, mùa hè thì nóng. 

Cứ hai tuần anh về thăm vợ một lần. Nếu đơn vị bận thì một tháng liền không về. Khi chị mang thai con đầu lòng, đi làm xỉu lên xỉu xuống. 

Thấy chị vất vả, anh đưa chị về Quảng Bình. Khi Trường trung cấp Luật Đồng Hới thành lập, tuyển nhân viên chị mới xin được một chân làm nhân viên văn phòng.

Hai lần vợ vượt cạn, không lần nào anh được trực tiếp đưa vợ đi sinh. Bé lớn sinh xong một tuần anh mới về. Bé thứ hai chào đời một ngày sau anh mới có mặt. 

Ai cũng bảo mặt mũi hai đứa nhỏ giống y bố, chẳng giống mẹ chút nào. Chị cười: “Chắc tại chồng mình cứ xa nhà biền biệt, mình nhớ suốt ngày nhìn ảnh cưới trông anh về... Vợ chồng mình còn nhiều khó khăn nhưng vui lắm. 

Ở bên nhau là cười suốt. Chưa bao giờ giận nhau quá mấy phút. Sáu năm yêu nhau rồi mới cưới nên mình rất hiểu anh và hiểu công việc của chồng”. 

Còn anh thì hạnh phúc bảo: “Vợ tôi chưa bao giờ nói em biết khổ thế này sẽ không lấy anh”. Sáu lần hóa trị đã làm tóc chị rụng hết, phải đội tóc giả đi làm. 

Hỏi bây giờ nếu có một điều ước chị nghĩ đến điều gì, chị nghẹn ngào bảo: “Vợ chồng mình cưới nhau từ năm 2010 đến giờ có hai đứa con là tài sản lớn nhất. Mình vẫn ở nhà trọ. 

Mình chỉ mong hai vợ chồng khỏe mạnh, cố gắng dành dụm mua được cái nhà nhỏ để có chỗ ổn định cho đỡ vất vả và có chỗ chăm con cái”.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ