Chuyện tăng, giảm giờ làm nhìn từ những “xóm trọ tăng ca”

Đối với công nhân lao động, đặc biệt là phụ nữ, thêm một giờ tăng ca nghĩa là bớt một giờ cho bản thân, gia đình và con cái. Trong khi cha mẹ tăng ca, những đứa con của họ đang đối diện với nhiều khó khăn.

Do bố mẹ bận tăng ca nên con công nhân thường tụ tập tự chơi với nhau. Ảnh: Tùng Giang
Do bố mẹ bận tăng ca nên con công nhân thường tụ tập tự chơi với nhau. Ảnh: Tùng Giang

Sau giờ làm, xóm công nhân vẫn vắng teo

Bóng tối bắt đầu phủ trùm lên mọi ngóc ngách thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, Đông Anh - nơi từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ” của những dãy trọ công nhân thuộc loại bình dân nhất nhì Hà Nội.

Khu vực này tối tăm và ẩm thấp, "neo" bên rìa thành phố. Từ một trường mẫu giáo tư thục gần đó, đám trẻ bắt đầu túa ra cổng. Nhưng đợi chúng ở phía ngoài thường là ông bà, bởi bố mẹ chúng đều là công nhân, và đây chính là thời khắc họ thường tận dụng để tăng ca.

6 giờ chiều, các dãy nhà trọ vẫn vắng hoe, “cửa đóng then cài” do công nhân làm tăng ca chưa về. Quanh đó, lác đác người già và trẻ nhỏ. Ánh sáng hiếm hoi hắt ra từ một căn phòng phía cuối khu trọ nghèo.

Tại đó, chị Hà Thị Hoàn (SN 1995, Thanh Hóa) đang chăm chút cho đứa con nhỏ 5 tháng tuổi. Chị Hoàn chia sẻ, chị đang trong thời kỳ nghỉ chế độ thai sản 6 tháng và sắp tới chị sẽ lại tiếp tục lên khu công nghiệp làm việc cho một công ty của Nhật Bản, giao hai đứa con cho bà nội chăm sóc.

Căn nhà trọ này được gia đình chị Hoàn thuê với giá 500.000đồng/tháng. Lý do thuê trọ tại đây, chị Hoàn cho biết “ở quê lên thành phố nên tiết kiệm được đến đâu tốt đến đó”.

Chồng chị Hoàn đi làm ăn xa nên mọi công việc gia đình, con cái một mình chị gánh vác. Theo chị Hoàn, những người thuê trọ ở đây là những người công nhân thường xuyên phải tăng ca nên về rất muộn.

“Anh ở đây thêm một lúc nữa sẽ gặp được những người công nhân tăng ca đi làm về. Đa phần họ gửi con về quê nhờ trông nom giúp”, chị Hoàn cho hay.

Chị Hoàn chia sẻ, công việc tại công ty mà chị đang làm khá áp lực nhưng chế độ lương thưởng cũng đủ trang trải cho cuộc sống hiện tại. Chị làm kíp 4 ngày liên tiếp (mỗi ngày 12 tiếng), sau đó sẽ được nghỉ 2 ngày.

Tuy nhiên, 1 trong 2 ngày này chị Hoàn vẫn phải làm thêm 12 tiếng nữa do công ty yêu cầu. Nghĩa là chị chỉ còn 1 ngày nghỉ trước khi guồng quay công việc lại tiếp tục.

“Thật sự rất là mệt, thời gian dành cho con rất ít. Vì mỗi ngày làm 12 tiếng nên trước 7 giờ sáng em đã phải đi làm, 21 giờ đêm mới về tới nhà vì mất cả thời gian đi lại nữa. Con mà ngủ sớm thì mình không thể đánh thức. Con dậy muộn thì không thấy mặt mẹ”, chị Hoàn tâm sự.

Cùng chung nỗi niềm đó, chị Vi Thị Bích Phượng (SN 1994, Phú Thọ) uể oải về tới nhà sau một ngày dài vất vả. Chị Phượng tâm sự, vợ chồng chị có 2 đứa con đều gửi về quê cho bà chăm sóc. “Mình thường xuyên tăng ca và đi làm ca đêm, còn chồng chạy xe gần như cả ngày nên không có người chăm lo, đưa đón con đi học thì buộc phải gửi con về quê”, Chị Phượng cho hay.

Chị Phượng cũng chia sẻ, thu nhập thực chất chỉ vừa đủ sinh hoạt hằng ngày, nếu ốm đau gia đình phải đi vay mượn chữa trị chứ cũng không có tiền ngay để trang trải ngay.

Một tháng vợ chồng chị tằn tiện gửi về cho các con khoảng 3 triệu đồng. “Hai vợ chồng cố gắng dành dụm vài năm rồi sẽ về quê với con, không thể để chúng xa cha mẹ mãi như thế được”, chị Phượng nói.

Cần bảo vệ lao động nữ và trẻ em

Tiến sĩ khoa học (TSKH) Đoàn Hương - Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, từ thực tế về khó khăn mà những người công nhân lao động, đặc biệt là đối tượng nữ giới và trẻ em phải đối mặt, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất đưa giờ làm về 44 giờ/tuần là hợp lý.

TSKH Đoàn Hương dẫn chứng, Công đoàn Việt Nam hiện nay đặt ra giờ lao động của người lao động Việt Nam so với trên thế giới đã vào top cao nhất. Điều này thể hiện người lao động Việt Nam đang được sử dụng sức lao động ở mức tối đa.

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đưa giờ làm về 44 giờ/tuần nhằm mục đích giúp công nhân sau những giờ lao động có thời gian để tái tạo sức lao động, chăm lo bản thân mình và chăm sóc gia đình.

“Những nhà làm luật nên đặc biệt chú ý đến vấn đề phụ nữ và trẻ em. Bởi phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng yếu thế, cần được bảo vệ và đặc biệt ưu tiên trong xã hội”, bà Hương khẳng định.

TSKH Đoàn Hương giải thích về quan điểm của mình: phụ nữ khi xét về thể trạng và tâm sinh lý bao giờ cũng yếu hơn nam giới. Lứa tuổi lao động của họ lại chính là lứa tuổi vàng trong giai đoạn lập gia đình, mang thai và sinh nở.

Những điều này sẽ tạo áp lực và gánh nặng lên người phụ nữ. Để bảo vệ cho các lao động nữ thì cần phải giảm giờ làm cho họ. Từ đó, các đối tượng thiệt thòi này mới có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái.

Tuy nhiên, giảm giờ làm không đồng nghĩa với việc giảm mức thu nhập. Chúng ta phải đặt ra vấn đề giảm giờ làm nhưng tăng thu nhập cho người lao động để bảo đảm đời sống tối thiểu của công nhân.

Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng cần phải quan tâm, vì trẻ em hôm nay sẽ là thế hệ tương lai của ngày mai. Trẻ em cần được giáo dục từ gia đình - nhà trường - xã hội.

Trong đó, gia đình là quan trọng nhất, vì chính gia đình làm nên phẩm chất, tính cách của con người, đồng thời tạo ra con người của tương lai, đầy đủ đời sống tinh thần, vật chất.

“Nếu chúng ta không bồi đắp, quan tâm thì trong tương lai chúng ta sẽ có một thế hệ thiếu hụt những chăm sóc học hành, không được bồi dưỡng về tình cảm và tinh thần, thể trạng vì thường xuyên phải xa cha mẹ, những đứa trẻ này sẽ dễ dàng lạc lối” bà Hương lo ngại.

Theo Laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ