Chuyện lão ngư hơn 30 năm bám biển, cứu người

GD&TĐ - Ở tuổi 53, ông Lê Văn Chiến (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vẫn chắc tay lái, hướng mũi thuyền vượt sóng ra ngư trường truyền thống của cha ông. Hơn 30 năm vươn khơi, biển cả đã tôi luyện ông trở thành một thuyền trưởng bản lĩnh, can trường và không khuất phục trước khó khăn.

Ông Chiến kiểm tra lại bộ đàm, đảm bảo nguồn thông tin liên lạc trước mỗi chuyến ra khơi.
Ông Chiến kiểm tra lại bộ đàm, đảm bảo nguồn thông tin liên lạc trước mỗi chuyến ra khơi.

“Còn sức thì còn vươn khơi bám biển”

Chúng tôi gặp ông Chiến vào một ngày cuối tháng 10/2019, khi con tàu mang số hiệu Dna - 90351 của ông đang neo đậu trên sông Hàn, tất bật chuẩn bị cho một chuyến ra khơi sắp tới. Tiếng đe, tiếng búa gõ trên các con thuyền, hôm nay ông Chiến cùng bạn thuyền kiểm tra lại máy móc, sửa chữa một vài chỗ sau chuyến đi vừa rồi.

Tiếp chuyện chúng tôi trước mũi tàu với hai bàn tay đầy dầu mỡ, ông Chiến mở đầu bằng ánh nhìn hướng về phía lá cờ Tổ quốc đã bạc màu sóng gió của biển, “không muộn nữa đâu, lá cờ sẽ được thay mới, trước mỗi chuyến đi chúng tôi đều phải thay cờ, thiêng liêng lắm!”.

Lớn lên ở Đà Nẵng, năm 13 tuổi, ông Chiến đã rong ruổi theo cha học nghề biển, học đan lưới với ước mơ một ngày được cầm lái vượt biển ra khơi. Năm 21 tuổi, ông Chiến lần đầu làm thuyền trưởng, năm 2006, ông mạnh dạn vay vốn, tự đóng con tàu vươn ra ngư trường truyền thống của cha ông.

Hơn 30 năm thăng trầm với nghề biển, 13 năm với con tàu Dna - 90351, chừng ấy năm đã làm cho ông vững vàng tay lái hơn bao giờ hết, kinh nghiệm dày dặn qua làn da rám nắng, đôi tay thoăn thoắt và đôi mắt đăm chiêu mỗi lần nhìn về phía biển.

Ông cho biết, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 20 đến 30 ngày, mỗi năm có khoảng 6 đến 7 chuyến. Cứ hết một chuyến lại vào bờ sửa lại máy móc, tiếp dầu, mua lương thực… rồi lại ra khơi. Ông Chiến biết thời điểm nào thì thích hợp rời bến, ngư trường vùng nào sẽ có nhiều cá và làm sao để tránh trú bão an toàn…

Khoảng đầu tháng 1/2019, con tàu Dna – 90351 của ông sẽ lại vươn khơi, và trở về để kịp đón tết. Theo ông, đây là chuyến đi nhiều hy vọng nhất trong năm. Hy vọng nếu trúng mẻ cá lớn, có nghĩa là không chỉ riêng ông, mà hơn 10 bạn thuyền trên con tàu Dna - 90351 sẽ có một cái tết ấm áp bên gia đình. Vợ, con… sẽ có một cái tết đoàn viên, có thêm một khoản tiền mua sắm tết. “Còn sức thì còn vươn khơi bám biển, phải giữ ngư trường bao đời của cha ông” - ông Chiến nói.

Chỗ dựa mỗi lần ngư dân gặp nạn trên biển!

Hơn 30 năm bám biển cũng là ngần ấy năm ông Chiến luôn trong tâm thế sẵn sàng bẻ lái mỗi khi nhận tin ngư dân cần cứu hộ. Không ít lần chứng kiến nhiều sự cố gặp nạn của tàu cá bạn, cảm thương những số phận ngư dân và cũng ngần ấy lần ông sẵn sàng cứu giúp.

“Bao nhiêu năm gắn bó với nghề biển, tôi không thể nhớ được số lần đã cứu giúp các tàu bị nạn và cũng không muốn nhớ, bởi đó là những việc cần làm của người đi biển” - ông Chiến chia sẻ.

Biển đã tôi luyện con người ông trở thành một người thuyền trưởng bản lĩnh, can trường và không chịu khuất phục trước khó khăn. Còn nhớ vào khoảng năm 2008, nhận được tin cầu cứu, ông Chiến nhanh chóng điều khiển tàu kịp thời trục vớt, cứu giúp 17 thuyền viên bị cháy do nổ bình gas, đưa các thuyền viên đến nơi an toàn.

Có những chuyến biển vừa rời bến được vài hôm, nhận tin có tàu gặp nạn, ông Chiến lại động viên anh em bạn thuyền, bẻ lái cứu giúp, lai dắt tàu cá chết máy ở ngoài khơi. Không nề hà chuyện tốn kém, ông Chiến cứ thấy tin cứu hộ là sẵn sàng giúp đỡ. Những lần bão bất ngờ, qua bộ đàm, ông Chiến lại kêu gọi các tàu cùng tập trung tránh trú bão.

Theo ông Chiến, thực chất việc này chủ yếu là để lấy tinh thần đoàn kết làm sức mạnh khi gặp hiểm nguy. Ở giữa đại dương bốn bề đều là nước, một chiếc thuyền mang quốc kỳ Việt Nam giữa biển khơi cũng là một chỗ dựa tương thân tương ái, ấm áp nghĩa tình.

Nhờ dày dặn kinh nghiệm đi biển, ông luôn bình tĩnh trong việc xử lý những khó khăn, bất trắc, nhiều lần giúp đỡ nhiều tàu, ngư dân gặp nạn, tham gia phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Ông Chiến cũng là chỗ dựa tinh thần không chỉ trên biển, mà còn trên đất liền với nhiều ngư dân quận Thanh Khê. Ông đang là Chi hội trưởng Đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ quận Thanh Khê với khoảng hơn 20 tàu, các thành viên trong chi hội thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau vươn khơi bám biển.

Được biết, ông Chiến cũng là người đã giúp đỡ nhiều lao động không có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều ngư dân khác với mức thu nhập ổn định. Có những chuyến biển trúng lớn, những bạn thuyền của ông Chiến cũng được thêm phần hỗ trợ, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Ông cũng là người giàu lòng nhân ái, hàng năm đều góp sức làm từ thiện tại địa phương, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với những thành tích và cống hiến của mình, trong nhiều năm liền ông Lê Văn Chiến được các cấp chính quyền tặng giấy khen, bằng khen tiêu biểu, trong đó đặc biệt vinh dự khi đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Sẽ không lâu nữa, con thuyền mang số hiệu Dna - 90351 lại rẽ sóng ra khơi, mang theo những hy vọng của những ngư dân về một chuyến biển bội thu đầy tôm cá. Những ngư dân như ông Chiến, lại hào hứng cho một chuyến biển mới, với khát khao vươn đến tận cùng hải phận của Tổ quốc thiêng liêng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ