Thế hệ sampo: Hàn Quốc không muốn sinh con

GD&TĐ - Ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều phụ nữ quyết định không lấy chồng, không sinh con, và nói chung không quan hệ gần gũi với đàn ông. Thậm chí hiện tượng này có tên gọi đặc biệt - “thế hệ sampo”. Từ “sampo” có nghĩa là ba không: Không tình dục, không hôn nhân và không con cái.

Những người cao tuổi gọi những phụ nữ từ chối sinh con là ích kỷ
Những người cao tuổi gọi những phụ nữ từ chối sinh con là ích kỷ

Mức sinh ở Hàn Quốc hiện nay thuộc vào loại thấp nhất thế giới, và nếu tình hình không thay đổi, thì dân tộc này có thể có nguy cơ bị biến mất. Theo dự báo, đến năm 2065, dân số Hàn Quốc (hiện nay hơn 50 triệu người) có thể giảm khoảng 10 triệu.

“Tôi không có ý định sinh con hiện nay lẫn trong tương lai” - Chan Yong-hwa 24 tuổi nói – “Tôi không muốn chịu nỗi đau sinh nở, hơn nữa, nó có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi”.

Yong-hwa là họa sĩ, chị vẽ truyện tranh cho các tờ báo mạng khác nhau. Ở Hàn Quốc, thị trường lao động cạnh tranh rất gay gắt, và giống như nhiều chuyên gia trẻ, cô gái đã rất nỗ lực để đạt được vị thế hiện nay. Vì vậy, chị không thể cho phép bất cứ điều gì hủy hoại thành quả của mình.

“Tôi không muốn là một phần của gia đình, tôi muốn tự do, sống tự lập và thực hiện ước mơ của mình” - chị nói.

Và Yong-hwa không phải là người duy nhất cho rằng sự nghiệp và gia đình là những cái loại trừ nhau. Nhiều người trẻ Hàn Quốc cũng nghĩ như vậy.

Hàn Quốc có những luật lao động cấm phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn nói rằng các luật này không được thực thi.

Chan Yong-hwa cho rằng trong xã hội Hàn Quốc phụ nữ bị đối xử như nô lệ

Chan Yong-hwa cho rằng trong xã hội Hàn Quốc phụ nữ bị đối xử như nô lệ

Câu chuyện của Tsoi Mun-Chon, một cư dân ở ngoại ô Seoul thêm lần nữa khẳng định điều đó. Chị bị sốc trước phản ứng của sếp khi nghe tin chị mang thai.

Ông ấy nói: Khi con chị ra đời, nó sẽ là điều chủ yếu trong cuộc sống của chị, còn công ty trở thành thứ yếu. Vậy chị có thể tiếp tục làm việc được nữa không? Ông ta nhắc đi nhắc lại câu hỏi đó nhiều lần.

Lúc bấy giờ chị làm kế toán thuế. Vào thời điểm phải quyết toán căng thẳng trong năm, lãnh đạo giao cho chị rất nhiều việc. Chị phàn nàn, còn lãnh đạo trách chị thiếu tinh thần trách nhiệm. Dần dần không khí tại cơ quan trở nên hết sức căng thẳng.

“Ông ấy quát mắng tôi. Một lần tại cơ quan, do căng thẳng quá tôi bắt đầu bị co giật và không thể mở mắt nổi. Một đồng nghiệp của tôi gọi xe cấp cứu đưa tôi tới bệnh viện” - chị kể.

Đức tính cần cù lao động, tinh thần sẵn sàng làm việc ngoài giờ, sự trung thành với chủ lao động là những phẩm chất đã góp phần tạo ra sự đột phá kinh tế của Hàn Quốc. Trong 50 năm gần đây, Hàn Quốc từ một nước đang phát triển đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế ổn định nhất thế giới.

Tuy nhiên, Yong-hwa cho rằng vai trò của phụ nữ thường bị coi nhẹ trong sự biến đổi ấy.

Thành công kinh tế của Hàn Quốc phần nhiều nhờ trả công lao động thấp cho công nhân nhà máy, mà đa phần đó là phụ nữ.

Ngoài ra, ở Hàn Quốc, tất cả việc nhà đều nằm trên vai phụ nữ, điều đó cho phép nam giới đi làm và không phải nghĩ gì ngoài công việc.

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ làm việc trong những ngành trước đây được coi là của nam giới: Ví dụ, quản lý. Những thay đổi xã hội và kinh tế diễn ra hết sức nhanh chóng, nhưng khuôn mẫu giới của người Hàn Quốc hầu như không thay đổi.

“Ở đất nước này, người ta coi phụ nữ như là cái bóng của đàn ông” - Yong-hwa nói. Theo chị, hiện có một xu hướng khi lấy chồng, người phụ nữ trở thành kẻ phục vụ gia đình chồng. Trong nhiều trường hợp, thậm chí ngay cả khi có việc làm, người phụ nữ cũng hoàn toàn phải chăm lo con cái, ngoài ra còn phải săn sóc bố mẹ chồng, khi họ ốm đau.

Theo thống kê, trung bình một người đàn ông Hàn Quốc dành cho công việc không được trả tiền, trong đó có việc chăm sóc con cái, là 45 phút /ngày. Phụ nữ dành cho các công việc này nhiều gấp 5 lần.

“Tính cách của tôi không thích hợp với việc hy sinh cho người khác. Tôi chỉ quan tâm tới cuộc sống của riêng mình” - Yong-hwa nói.

Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ người phụ nữ trẻ không muốn lấy chồng. Thậm chí chị không muốn gặp ai.

Một trong những nguyên nhân – sợ trở thành nạn nhân của nạn khiêu dâm trả thù, đó là khi vì tức giận bạn trai tung ảnh và video nóng của bạn gái lên mạng. Theo Yong- hwa, đây là một hiện tượng rất phổ biến ở Hàn Quốc. Và vấn đề không chỉ là ở sự trả thù: Nhìn chung đất nước đang bị nạn dịch “ảnh khiêu dâm”, được quay lén bằng camera bí mật.

Thứ hai, Yong-hwa sợ bạo lực gia đình.

Viện Nghiên cứu tội phạm Hàn Quốc vừa công bố kết quả điều tra, trong đó 80% nam giới được hỏi thừa nhận rằng đã thể hiện hành động bạo lực đối với bạn gái và vợ.

Khi được hỏi ở Hàn Quốc đàn ông đối xử với phụ nữ như thế nào, Yong-hwa trả lời dứt khoát: “Như nô lệ”.

Không có gì ngạc nhiên là tỷ lệ sinh trong nước thấp đến thế. Tỷ lệ kết hôn trong nước hiện nay rất thấp: 5,5 vụ kết hơn/1.000 người. Năm 1970, con số này là 9,2 vụ. Rất ít trẻ em ra đời ngoài hôn nhân. Chỉ ba nước có mức sinh (tức là số trẻ em/ một phụ nữ) thấp như Hàn Quốc, đó là Singapore, Hồng Kông và Moldova.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, ở ba nước này chỉ số đó là 1,2, trong khi để cho một dân tộc tồn tại thì chỉ số trung bình phải là 2,1 trẻ em/một phụ nữ.

Còn một yếu tố nữa khiến nhiều phụ nữ không muốn sinh con là giá cả sinh hoạt ở Hàn Quốc. Giáo dục công tuy không mất tiền, nhưng môi trường cạnh tranh trong nhà trường phổ thông bắt buộc bố mẹ trả tiền dạy thêm học thêm cho con mình.

Yong- hwa nói rằng chị vẫn không hoàn toàn thuộc về “thế hệ sampo”, vì dù sao vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ cơ hội một lúc nào đó lấy chồng và sinh con, đơn giản là chị không coi điều đó là mục đích cuộc sống của mình.

Thế hệ những người cao tuổi ở Hàn Quốc nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. Họ rất lo lắng về tỷ lệ sinh thấp, họ gọi những người như Yong-hwa là ích kỷ. Họ cho rằng nhà trường cần giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước và nghĩa vụ đối với đất nước, và tất nhiên, tỷ lệ sinh thấp khiến họ rất lo lắng.

Tuy nhiên, Yong-hwa và nhiều người thuộc thế hệ chị là con đẻ của thời đại toàn cầu hóa, những lý lẽ trên không làm cho họ “tâm phục khẩu phục”.

“Đức tính cần cù lao động, tinh thần sẵn sàng làm việc ngoài giờ, sự trung thành với chủ lao động là những phẩm chất đã góp phần tạo ra sự đột phá kinh tế của Hàn Quốc. Trong 50 năm gần đây, Hàn Quốc từ một nước đang phát triển đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế ổn định nhất thế giới. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ thường bị coi nhẹ trong sự biến đổi ấy”.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.