Những câu chuyện thú vị về cải tử hoàn sinh

GD&TĐ - Những chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết là một câu hỏi đã ám ảnh từ nhiều thế kỷ. Đã có những người thử tìm cách hồi sinh những kẻ đã chết. Qua những cuộc thí nghiệm, phải thừa nhận rằng họ đã đạt được những thành quả nhất định.

Nhà khoa học Aleksei Kuliabko làm thí nghiệm
Nhà khoa học Aleksei Kuliabko làm thí nghiệm

Alexsei Kuliabko

Alexsei Kuliabko là một nhà khoa học người Nga làm việc tại Phòng thí nghiệm Sinh lý học thuộc Viện Khoa học Hoàng gia ở St. Petersburg đầu thế kỷ 20. Năm 1902, ông hình dung ra cách khởi động lại trái tim của các động vật đã được lấy ra khỏi cơ thể chúng từ năm ngày trước. Đến năm 1903, ông xúc tiến khởi động lại những trái tim của người. Đối tượng đầu tiên của Kuliabko là một em bé ba tháng tuổi đã qua đời do những nguyên nhân tự nhiên. Hai ngày sau cái chết của đứa nhỏ, ông đã làm cho trái tim của em bé đập lại lần nữa.

Đó là một bước tiến lớn trong việc làm sống lại hoàn toàn một con người. Những bài tường thuật về thành công của người Nga cũng như các nỗ lực làm người chết sống lại của họ đã được đăng trên báo chí quốc tế. Lằn ranh giữa tiểu thuyết khoa học và thực tế khoa học đang trở nên lu mờ. Ông Kuliabko trở thành một khuôn mặt của khoa học tiến bộ.

Theo các câu chuyện, ông Kuliabko sử dụng một xác người đã chết được một ngày (người này chết trong lúc giải phẫu), và với sự trợ giúp của một dược sĩ kiêm nhà hóa học Fyodor Andreyev, nhà khoa học Nga cho vào các mạch máu của thi thể một hỗn hợp gồm calcium chloride, potassium chloride, sodium chloride, sodium bicarbonate và dextrose (một phát minh của nhà khoa học người Anh dùng để duy trì trái tim tiếp tục bơm) và adrenaline. Trái tim của người đàn ông bắt đầu đập trở lại, vẫn còn nằm trên bàn, theo tường thuật, ông ta đã thở khò khè nghe như tiếng nấc của người hấp hối, khiến cho các trợ lý hoảng sợ chạy ra khỏi căn phòng. Sau khi giữ cho trái tim đập được 20 phút, ông Kuliabko rút phích cắm điện ra.

Lazzaro Spallanzani và Anton Van Leeuwenhoek

Nhà sinh vật học người Ý thế kỷ 18, Lazzaro Spallanzani có lẽ là người nổi tiếng nhất với học thuyết “Tự sinh sản”. Ông cũng bị mê hoặc với ý tưởng rằng, một số sinh vật, chẳng hạn như những con sâu, cóc và kỳ nhông, có thể phục hồi lại các bộ phận cơ thể. Ông cũng từng làm sống lại thành công những động vật nhỏ bé đã chết.

Từ lớp bùn trong rãnh nước mưa đặt vào kính hiển vi, Spallanzani đặt tên cho những sinh vật của ông là il Tardigrado, nghĩa là “những vật bước chậm”, và ông đã phát hiện thấy rằng mỗi khi cho thêm nước vào môi trường của chúng, sẽ làm cho chúng sống trở lại.

Trước đó, năm 1702, nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek đã khám phá ra điều tương tự với những sinh vật nhỏ bé khác. Cái mà chúng ta hiện nay biết như những rotifers (luân trùng: loại thức ăn không thể thiếu trong giai đoạn đầu phát triển của ấu trùng các loài tôm, cá), chỉ cần cho thêm nước vào thì chúng sẽ sống lại ngay. Điều này có thể thật ấn tượng, nhưng những luân trùng chỉ có thể tồn tại ở dạng khô trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Do thiếu nước, chúng rút lại các đầu và chân, làm chậm lại các quá trình hoạt động của chúng chỉ còn khoảng 01% so với chức năng bình thường. Người ta cũng nghĩ rằng chúng đã sản xuất ra một số hóa chất bảo vệ khi chúng bắt đầu bước vào trạng thái khô, nhưng chúng đã sống lại như thế nào thì vẫn không ai biết rõ được.

Hội hồi sinh những người chết đuối

Do hai ông William Hawes và Thomas Cogan thành lập năm 1774, Hội hồi sinh những người chết đuối vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay với tên gọi Hội nhân đạo Hoàng gia. Ông Cogan là người đầu tiên đã dịch một bài báo Đức viết về hiệu quả của việc cứu tỉnh lại những nạn nhân đuối nước bằng cách ép không khí vào trong các buồng phổi của họ. Với hàng chục người chết mỗi năm vì rơi xuống sông Thames, ông Cogan đã đề cập với ông Hawes về ý tưởng này. Họ lập ra hội để quảng bá thông tin mới với cách làm thế nào để đưa những nạn nhân chết đuối trở lại với cuộc sống, nhưng họ đã bị mọi người chế giễu.

Vụ chế giễu chấm dứt khi Vua George III đồng ý hỗ trợ cho hội vào năm 1783. Họ đã tổ chức một mạng lưới các bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật làm việc tại các hộ gia đình và các điểm công cộng dọc theo sông Thames. Họ đã cung cấp trang bị hồi sinh, thậm chí họ còn trao cả giải thưởng cho những người diễn tập cứu hộ, đồng thời cho cả những chủ quán rượu đồng ý cho phép sử dụng ngôi nhà của họ.

Hệ thống tặng thưởng chẳng bao lâu đã khuyến khích những người cứu mạng chơi trò ăn gian. Các nhóm lừa đảo theo hệ thống, với một người giả làm nạn nhân đuối nước và một người khác giả cách làm hồi sinh cho người kia. Mưu đồ bất lương bành trướng nhiều đến mức về sau người ta chỉ cấp các giấy khen chứng nhận thay vì đưa tiền.

John Dee và Edward Kelley

Những câu chuyện về John Dee, nhà thiên văn học và là cố vấn cho Nữ hoàng Elizabeth I, và Edward Kelley tồn tại trong một lãnh vực lạ lùng nằm giữa khoa học và truyền thuyết. Theo ghi nhận về truyền thuyết vùng Lancashire, hai ông Dee và Kelley đã được mời đến sân nhà thờ Thánh Leonard vào một đêm đánh dấu sự kết thúc thế kỷ 16. Một trong những người đàn ông giàu có nhất cộng đồng vừa mới qua đời và ông ta đã mang theo gia tài của ông xuống mồ.

Dee và Kelley đào mồ lên, theo chuyện kể lại, Kelley đã thực hiện một nghi thức trên người chết. Cho dù thi thể đã bắt đầu phân hủy, được biết đôi mắt của người chết đã mở ra và ông ta đã tiết lộ bí mật nơi chôn giấu gia tài của ông ta. Người chết cũng truyền đạt một số kiến thức về một thế giới khác, báo trước cho hai ông biết những biến cố sẽ xảy ra với một số người trong địa phương. Và người chết đã nói đúng.

Thật lạ lùng, vài trăm năm sau đó, những nhà khảo cổ học đã tìm thấy một kho tàng thực sự. Ngôi nhà thờ nơi hai ông Dee và Kelley được nói là đã tổ chức vụ hồi sinh xác chết lúc đêm hôm nằm không xa Preston, nơi có một kho tàng đồ sộ đã được phát hiện vào năm 1840.

Nhóm cải tử hoàn sinh của Tyler Johnson

Nhóm cải tử hoàn sinh của Tyler Johnson

Nhóm cải tử hoàn sinh

Do Tyler Johnson làm thủ lĩnh, Dead Raising Team (Nhóm cải tử hoàn sinh) là một nhóm những người chữa bệnh Thiên Chúa giáo, họ làm việc căn cứ trên đoạn sách Phúc Âm của Thánh Matthew: “Chữa lành bệnh tật, cải tử hoàn sinh, chữa những người mắc bệnh phong cùi, và trừ quỷ.” Chúa Jesus đã nói với các tông đồ như vậy, nhưng nhóm này tuyên bố rằng thật ra Chúa đã nói với mọi người. Năm 2014, nhóm cho biết đã giúp cho 11 người sống lại bằng quyền lực của niềm tin và sự cầu nguyện.

Johnson tuyên bố anh nổi tiếng đến mức anh vẫn thường được phép đi qua các chướng ngại vật của cảnh sát để vào cầu nguyện cho những nạn nhân bị tai nạn tại hiện trường. Anh cũng từ chối tiết lộ tên và những câu chuyện về những người mà anh đã giúp làm sống lại từ cõi chết.

Tuy nhiên, Dead Raising Team không phải là nhóm hiện đại duy nhất tuyên bố có thể làm cải tử hoàn sinh bằng lời cầu nguyện. Một nhóm tên Global Awakening (Nhận thức Toàn cầu) hiện đang tìm thêm những thi hài để thực tập quá trình làm cho người chết sống lại của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.