Làng “Đức - Nhật” - nơi thử bom napalm của Mỹ

GD&TĐ - Theo các chuyên gia quân sự, loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất từng được phát minh, ngoài bom nguyên tử, là bom napalm, chất gây cháy được sử dụng rộng rãi trong những cuộc oanh kích

Boong-ke quan sát kết quả thử nghiệm hiện vẫn còn ở nơi từng là “ngôi làng Đức”.
Boong-ke quan sát kết quả thử nghiệm hiện vẫn còn ở nơi từng là “ngôi làng Đức”.

Theo các chuyên gia quân sự, loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp nhất từng được phát minh, ngoài bom nguyên tử, là bom napalm, chất gây cháy được sử dụng rộng rãi trong những cuộc oanh kích xuống các thành phố của Đức và Nhật Bản vào Thế chiến thứ Hai. Trước khi được đưa vào chiến trường, loại bom này đã được thử nghiệm chặt chẽ trên các mục tiêu mô hình đặc biệt.

Vũ khí kinh hoàng

Napalm là một loại gel đặc, dính vào bất cứ thứ gì mà nó tiếp xúc sẽ bùng cháy dữ dội và có sức tàn phá khủng khiếp. Mặc dù dễ cháy, bom napalm bền một cách đáng ngạc nhiên ở nhiệt độ cao, dễ dàng xử lý và vận chuyển. Được sử dụng lần đầu trong Thế chiến thứ Hai, bom napalm và các loại gel gây cháy khác nhanh chóng trở thành vũ khí số một trong các cuộc xung đột lớn trên thế giới.

Napalm được phát minh bởi một nhóm các nhà hóa học tại ĐH Harvard, do Louis Fieser đứng đầu để thay thế cho hỗn hợp xăng thạch (jellied gasoline) được lực lượng Đồng minh sử dụng vào lúc đó.

Những loại vũ khí gây cháy này ban đầu sử dụng mủ cao su, nhưng sau khi người Nhật chiếm được các đồn điền cao su ở Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, cao su tự nhiên trở nên khan hiếm, khiến các công ty của Mỹ phải tìm kiếm giải pháp thay thế.

Năm 1942, Louis Fieser và nhóm của ông trở thành những người đầu tiên phát triển được một hợp chất dạng bột tổng hợp, khi trộn với xăng sẽ biến thành một chất có độ dính rất cao và dễ cháy. Họ đặt tên cho nó là bom napalm, từ các từ “naphthenic acid” và “palmitic acid”, hai thành phần chính của chất này.

Napalm lần đầu tiên được thử nghiệm trên một sân bóng đá gần Trường Kinh doanh Harvard. Các thử nghiệm sau đó được thực hiện tại Jefferson Proving Ground, trên các ngôi nhà ở những nông trại vô chủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải thử nghiệm rộng rãi hơn để xác định hiệu quả của vũ khí này đối với các thành phố của Đức và Nhật Bản.

Những mục tiêu mô hình

Một ngôi nhà trong “ngôi làng Nhật” bị tấn công bằng bom napalm trong cuộc thử nghiệm.
Một ngôi nhà trong “ngôi làng Nhật” bị tấn công bằng bom napalm trong cuộc thử nghiệm.

Vào mùa xuân năm 1943, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu dựng mô hình, phỏng theo chi tiết các ngôi nhà điển hình của Đức và Nhật tại Dugway Proving Ground ở sa mạc Great Salt Lake, bang Utah.

Các tòa nhà Đức được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Do Thái, Eric Mendelson và Konrad Wachsmann. Mendelsohn đã thiết kế nhiều tòa nhà nổi tiếng ở Berlin, nhưng bị loại khỏi Học viện Nghệ thuật Phổ vào năm 1933, sau đó ông di cư đến London, rồi đến Hoa Kỳ vào năm 1941.

Còn Wachsmann trốn sang Pháp và trước khi nước này bị chiếm đóng, ông sang Mỹ với sự giúp đỡ của Albert Einstein. Tại đây, ông đã cùng làm việc với Walter Gropius phát triển hệ thống tiền chế.

Ở “ngôi làng Đức”, hai kiểu tòa nhà khác nhau đã được xây dựng - một kiểu giống hệt ở Rhineland, với đá phiến trên mái che, và kiểu kia lợp ngói, đặc trưng của miền Trung và miền Bắc nước Đức.

Để làm cho công trình trở nên chân thực nhất có thể, gỗ đã được nhập khẩu từ Murmansk, Nga, vì đây là nơi gần nhất họ có thể tìm được loại gỗ mà các nhà xây dựng Đức ưa chuộng. Để mô phỏng khí hậu ẩm ướt của Đức, các bộ tản nhiệt hơi nước đã phun lên gỗ suốt đêm.

Các phòng cũng được trang bị đồ nội thất phù hợp đặc trưng của một gia đình lao động trung bình. Phần lớn công việc này được thực hiện bởi một nhóm các nhà thiết kế từ hãng phim RKO ở Hollywood.

Ở “làng Nhật Bản”, quân đội đã thuê kiến trúc sư người Tiệp Khắc, Antonin Raymond, từng làm việc vài năm tại Nhật Bản. Ngoài ra, chuyên gia Boris Laiming sinh ra ở Nga cũng đã bổ sung thêm những kiến thức quý báu từ sở thích nghiên cứu các đám cháy ở Nhật Bản, đặc biệt là trận hỏa hoạn kinh hoàng sau trận động đất Kantō năm 1923.

Việc tái tạo các công trình kiến trúc kiểu Nhật có phần khó hơn. Nhiều vật liệu như Sugi (tuyết tùng Nhật Bản), gỗ xây dựng chính và thảm Tatami để lát sàn không sẵn có bên ngoài Nhật Bản, vì vậy quân đội Hoa Kỳ đã phải sử dụng các vật liệu thay thế.

Những cây linh sam núi Douglas được sử dụng để mô phỏng một loại gỗ của Nhật Bản được gọi là Hinoki. Mây được sử dụng để thay thế cho tre, đặc trưng trong xây dựng của Nhật Bản. Đối với thảm Tatami, người ta làm các bản sao từ sợi cây thùa (agave).

Tranh luận từ các cuộc thử nghiệm

Khi các cuộc thử nghiệm cháy nổ bắt đầu, các sĩ quan đã quan sát kết quả từ khoảng cách 400 mét trong một boong-ke bằng bê tông cốt thép. Họ ghi lại mọi thứ, từ ngọn lửa bùng cháy dữ dội như thế nào, thời gian diễn ra bao lâu…

Khi quân đội nhận được thông tin họ cần, ngọn lửa được dập tắt và các đội đặc nhiệm sẽ sửa chữa các cấu trúc để chúng có thể bị oanh tạc lần nữa. Khối lượng dữ liệu được tạo ra từ các cuộc thử nghiệm này rất có giá trị trong việc phối hợp các cuộc không kích xuống Dresden và Tokyo.

Điều khiến các cuộc diễn tập này gây tranh luận là việc thiết kế mục tiêu hướng đến hủy hoại đời sống dân sự. Quân đội đã xây dựng những ngôi nhà giả chứ không phải nhà máy, thể hiện rất rõ những vũ khí này nhằm mục đích gì.

Tokyo đã bị thiêu rụi vào đêm ngày 9 và ngày 10/3/1945, trong sự kiện mà các nhà sử học mô tả là vụ ném bom có sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hàng trăm chiếc B29 của Mỹ đã thả 2.000 tấn bom cháy xuống thủ đô Nhật, phá hủy hơn một phần tư thành phố và khiến khoảng 100.000 dân thường thiệt mạng.

Các quả bom chủ yếu là các thiết bị chùm nặng 220kg, khi được thả từ trên không, chúng tung ra thành 38 quả“M69” riêng lẻ. Những quả M69 này xuyên thủng mái nhà và sau khoảng thời gian từ 3 - 5 giây, chúng phóng ra một luồng phản lực rực lửa thiêu rụi mọi thứ. Có tới 67 thành phố của Nhật Bản đã phải hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội như vậy trong suốt cuộc chiến.

Ngày nay, rất ít “ngôi làng Đức - Nhật” còn lại ở vị trí mà chúng được xây dựng, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện chỉ có hai đơn vị nhà ở “ngôi làng Đức”cùng một boong-ke quan sát bằng bê tông tồn tại, làm chứng nhân cho những vụ thử bom kinh khiếp.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ