Chuyện lạ tại Bắc Giang: Có bố vẫn không được đăng ký khai sinh

Chuyện lạ tại Bắc Giang: Có bố vẫn không được đăng ký khai sinh

(GD&TĐ) - Chưa hết nỗi buồn bị trục xuất về nước, bị "tẩy chay" tại một số thị trường lao động "truyền thống" như Hàn Quốc, Đài Loan, người lao động quê Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang) lại phải đối mặt với khổ nạn khai sinh cho những đứa trẻ được sinh ra nơi xứ người…

Gian nan quyền được có tên

Con trai chị Thêu đã 4 tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh
Con trai chị Thêu đã 4 tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh
 

Theo thống kê, hiện có khoảng 1.500 lao động quê ở Tam Dị đang làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Malaixia. Trung bình mỗi tháng, lượng ngoại hối LĐXK chuyển về cho thân nhân không dưới 10 tỷ đồng.

Nhờ nguồn tiền này, Tam Dị gần như đổi đời. Thế nhưng, cũng chính vì kiếm tiền, người lao động đã bất chấp tất cả, họ phá hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động để ra ngoài; đăng ký kết hôn với người Hàn để kiếm "thẻ xanh" nhằm ở lại đất Hàn lâu dài... Nhiều trường hợp nữ lao động sau khi sang được Hàn Quốc đã chung sống với người đàn ông khác và có con. Một số có giấy tờ hợp lệ được cơ quan thẩm quyền nước sở tại hoặc Đại sứ quán Việt Nam cấp giấy khai sinh. Số còn lại đưa con về nước chưa thể làm giấy khai sinh. Kéo theo đó là hàng loạt chế độ, chính sách của nhà nước dành cho các cháu cũng không thể thực hiện.

Ông Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dị cho biết: Tính đến nay, có 13 trường hợp LĐXK trong xã sinh con tại Hàn Quốc, trong đó có trường hợp đã hoàn thiện thủ tục và được cơ quan quản lý của Việt Nam ở nước sở tại cấp giấy khai sinh. Có 7 trường hợp đưa con về sống tại địa phương nhưng chưa được khai sinh. Cháu lớn nhất đã gần năm tuổi, các cháu khác nhỏ hơn một chút đều được nhập học mầm non theo diện "ký gửi". Về cơ bản, các cháu được đối xử bình đẳng so với các trẻ cùng độ tuổi trong xã, chỉ có chế độ bảo hiểm là không có do liên quan trách nhiệm của cơ quan cấp trên. Ông Quảng cũng cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cán bộ sở Tư pháp, lãnh đạo huyện cũng đã về kiểm tra thực tế nhưng suốt mấy năm qua chưa giải quyết được.

Ông Trần Đình Hương, trưởng thôn Đình Đông lo ngại: Thôn có hơn 30 trường hợp đã kết hôn đang lao động ở Hàn Quốc. Các trường hợp này không thể khai sinh cho con được nếu không giải quyết được thủ tục ly hôn ở nước ngoài và đăng ký kết hôn với bố của đứa trẻ. 

Ba đường bảy mối thủ tục giấy tờ

Những ngôi nhà khang trang mọc lên ở Tam Dị nhờ nguồn tiền từ người XKLĐ, nhưng đằng sau nó lại lắm chuyện buồn...
Những ngôi nhà khang trang mọc lên ở Tam Dị nhờ nguồn tiền từ người XKLĐ, nhưng đằng sau nó lại lắm chuyện buồn...
 

Theo chỉ dẫn của ông Hương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Đình Nguyệt có cháu nội gần bốn tuổi chưa được khai sinh. Chị Thêu, con dâu ông Nguyệt kể: Chồng em là người cùng xã cùng đi XKLĐ tại Hàn. Em có cháu được nửa năm thì đưa về nhờ ông bà chăm sóc rồi ở lại làm việc tiếp. Vừa rồi bên đó, họ làm căng quá, em về hẳn, chỉ còn chồng em ở lại thôi. Cũng may là anh ấy ở lại nên lo chạy được thủ tục, sắp tới gửi về thì em mới đi làm khai sinh được cho cháu.

Thêu nói thêm: Em biết có nhiều trường hợp giống như vợ chồng em nhưng hiện giờ hoặc đã về nước, hoặc không thể tìm được người đứng tên trong đăng ký kết hôn để làm thủ tục ly hôn. Theo như hướng dẫn của cán bộ sở Tư pháp thì những trường hợp như vậy không đủ điều kiện làm giấy khai sinh. Sắp tới các cháu đi học không biết sẽ làm sao nữa.

Cũng phải nói thêm về những trường hợp đăng ký kết hôn với một người nhưng lại có con với người khác như tình trạng đang xảy ra ở Tam Dị. Sau một năm, "người chồng hờ" tại Hàn Quốc trong đăng ký phải xác nhận tình trạng hôn nhân và cơ quan quản lý sở tại sẽ quyết định cấp tiếp thời gian tạm trú hay cho về nước. Không loại trừ có những người đã chung sống hạnh phúc với người "chồng" đăng ký nhưng không ít lao động nữ chỉ cần sang được xứ người là đường ai nấy đi. Một số sống chung với lao động nam người Việt và những đứa trẻ ngoài  giá  thú được sinh ra trong hoàn cảnh đó.

“Tìm phương án” đến bao giờ?

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Lê Đình Vĩ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết, Tam Dị hiện có khoảng 120 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài (hầu hết Hàn Quốc), trong đó chỉ có 12 trường hợp là đăng ký tại Việt Nam. Tám trường hợp trong số 120 người này có con và chưa làm được giấy khai sinh cho trẻ.

Số liệu vênh tương đối cao so với số liệu do ông Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Tam Dị cung cấp cho chúng tôi: Tổng số 160 trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài, trong đó 67 người tại Hàn Quốc, số trẻ được sinh là 13, sáu cháu đã được khai sinh bởi cơ quan quản lý thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, bảy cháu chưa được khai sinh?.

Cũng theo ông Vĩ, tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong khoảng từ năm 2008 - 2010, đến nay cơ bản không còn. Những trường hợp đăng ký kết hôn với người Hàn, về cơ bản họ đều chung sống hạnh phúc, chỉ có số ít là lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh lao động. Những dạng "hợp đồng hôn nhân" này chỉ có giá trị trong vòng một năm, sau đó nữ lao động Việt Nam phải đóng tiền cho người "chồng" để anh ta xác nhận tình trạng hôn nhân nếu muốn tiếp tục ở lại làm việc. Một số người do mất liên lạc không tìm được "chồng" để xác nhận nên chính quyền Hàn Quốc trục xuất về nước; số khác có con như nói ở trên.

Hai phương án như sở Tư pháp (Bắc Giang) đưa ra để có thể làm khai sinh cho trẻ, một là người nữ (người mẹ) ly hôn với người đứng tên trong đăng ký kết hôn; hai là người nam (người bố) có thể yêu cầu toà án công nhận quyền làm cha (có kết luận khoa học chứng minh, ví dụ giám định ADN...).

"Đích thân tôi cũng đã cùng cán bộ của sở về địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất hướng giải quyết với cơ quan chức năng. Về cơ bản, mấu chốt vấn đề phụ thuộc ở chính những đối tượng trong diện này, nếu họ hoàn thiện thủ tục như hướng dẫn thì việc còn lại rất đơn giản", ông Lê Đình Vĩ khẳng định.

Trần Thường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ