Chuyện ít biết về "sếp nữ" vùng khó

Chuyện ít biết về "sếp nữ" vùng khó

(GD&TĐ) - Là nữ cán bộ quản lý giáo dục đã khó, làm công tác này ở các huyện miền núi lại càng khó khăn gấp bội. Các chị đã vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, thu xếp công việc gia đình, kiên trì bám lớp, bám trường, giữ vững phẩm chất cao đẹp của nhà giáo, nêu gương sáng cho học sinh noi theo.

Cán bộ nữ hiếm người Hà Nhì 

Cô Lý Mỹ Ly
Cô Lý Mỹ Ly
 

Tại huyện Mường Tè (Lai Châu), cô Lý Mỹ Ly – dân tộc Hà Nhì là cán bộ quản lý giáo dục người dân tộc hiếm hoi. Vốn người dân tộc, lại từng nhiều thời gian trực tiếp đứng lớp, nên cô Ly thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả của những thầy cô giáo vùng cao.

Cô Ly tâm sự: Việc thiếu giáo viên là vấn đề muôn thuở của các huyện miền núi, trong đó có Mường Tè. Tại khu vực xa trung tâm, các thầy cô giáo phải kiêm vô số nhiệm vụ, trong đó có khi kiêm cả nhân viên trực, bảo vệ trường. Giáo viên thấy vất vả quá, họ bỏ việc không phải là ít. Thế là lãnh đạo Phòng, trong đó có cô Ly lại đôn đáo xuống tận từng trường để thuyết phục các giáo viên ở lại.

Rồi chuyện đưa con chữ đến với con em người dân tộc cũng là việc cực kì gian nan. Nhớ lại những ngày từng là giáo viên cắm bản, không thể yêu cầu các em đúng giờ giấc quy định nên việc thầy cô giáo lên lớp đợi các em đã trở thành quen thuộc. Nhiều hôm lịch học là 7h nhưng phải đến 8h30 các em ở xa mới đến được lớp nên những buổi như vậy, thầy và trò lại phải học thêm giờ để theo kịp được chương trình học.

Để vận động các em học sinh đến trường, cô Ly và các giáo viên khác, nhất là các giáo viên trẻ đã xung phong đến cắm tại những bản xa, bản khó khăn. Mỗi thầy cô giáo đều nêu cao tinh thần yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Ngoài việc dạy chữ, nhiều giáo viên còn làm nhiệm vụ của cán bộ nông, lâm nghiệp khi hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Rồi, tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện cam kết giữa xã với các hộ gia đình, trong đó có gắn quyền lợi hỗ trợ của nhà nước để các gia đình động viên con em đến lớp.

Ở huyện Mường Tè xa xôi, người dân nơi đây đã quá quen với một cô giáo Ly miệt mài vừa đến trường, vừa đến từng nhà dân vận động học sinh đi học trở lại. Trên cương vị là Phó Trưởng phòng Giáo dục, trách nhiệm của cô Ly sẽ còn nặng nề hơn nữa để đưa được con chữ đến với đồng bào.

Mong Đà Bắc trở thành điểm sáng 

Cô Đoàn Thị Hải
Cô Đoàn Thị Hải
 

Không thể quên gương mặt rạng rỡ của nữ Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc (Hòa Bình) - cô Đoàn Thị Hải - mỗi khi nói đến chuyện dạy, học. Bởi, nhiều năm cống hiến, cô và những đồng nghiệp của mình đã đưa giáo dục Đà Bắc - một huyện miền núi còn nghèo xơ xác khởi sắc trong công tác trồng người. Cô tự hào kể về những học sinh người dân tộc của mình trình độ thì không hề kém học sinh miền xuôi. Đến nay trong huyện đã không còn phòng học tạm, nhà ở tạm với đội ngũ cán bộ nhà giáo không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Với cô Hải, “thầy giỏi mới có trò giỏi”, nên công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số rất được chú trọng. Các giáo viên ở đây đều được đi học các lớp tập huấn để có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận với phương pháp, kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cô cũng rất trăn trở với việc xây dựng và tổ chức tốt mô hình nội trú dân nuôi ở các trường vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập; bởi để học sinh dân tộc đến lớp là rất gian khó nhưng giữ các em ở lại lớp lại khó khăn gấp bội phần. 

Dạy học cho học sinh người dân tộc cũng đòi hỏi giáo viên phải có những sáng tạo không có trong sách vở; cô Hải luôn động viên và không ngại truyền những bí kíp của mình cho những giáo viên trẻ. Những cách làm này đã có tác động lớn đến sự nghiệp phát triển GD&ĐT ở huyện Đà Bắc. Nhờ thế mà nơi vùng cao này, ngành GD&ĐT đã có 2 nhà giáo ưu tú, 3 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, nhiều em là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

 Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.