Giờ học của học sinh Trường TH Kon Pne |
Ký ức người thầy!
Chiếc u oát gầm rú sau mỗi lần vượt dốc, con đường vào “ốc đảo” Kon Pne ngoằn ngoèo như sợi dây rừng bám vào vách núi. Sau gần 3 giờ vất vả với những đoạn đường đất lầy lội, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với trung tâm xã… Ngày cuối tuần nên Kon Pne trở nên nhộn nhịp hơn, những đứa trẻ nô đùa duới chân nhà sàn, thấy những người khách lạ chúng rụt rè nấp sau những gốc cây nhìn lén. Những công dân tí hon của Kon Pne bây giờ đã khác xưa nhiều, vì với các em ngày cuối tuần là khoảng thời gian vui vẻ sau một tuần bộn bề với chuyện đèn sách…
Gần 10 năm công tác tại xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai với thầy Nguyễn Văn Phong- Hiệu trưởng trường Tiểu học Kon Pne, Kbang, Gia Lai đó là ký ức không thể nào quên: “Tôi đến đây công tác từ năm 2002, ngày đầu tiên bước chân vào đây, tôi không thể tưởng tượng được còn có nơi nào nghèo hơn thế này.
Những ngôi làng nằm vắt vẻo sau ngọn đồi, không điện, không đường, cuộc sống nơi đây là khoảng lặng buồn vô kể…” thầy Phong tâm sự. Ngày đó, để vào được xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai thầy phải mất hơn 7 giờ đi bộ, vượt qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao, nhưng với tấm lòng của người thầy, chưa bao giờ thầy bỏ trường, bỏ lớp.
Giờ ngoại khóa của học sinh Trường TH Kon Pne |
Kon Pne không như những xã nghèo khác của tỉnh Gia Lai, ở đây 100 % là người đồng bào Bah Nar, tập quán sản xuất còn lạc hậu, lại bị chia cắt như “ốc đảo” giữa đại ngàn. Cùng với suy nghĩ, đẻ càng nhiều, sau này để có người phát nhiều nương rẫy, nên cái nghèo vẫn luôn quấn lấy họ như số phận đã an bài. Không có cái ăn, thì làm gì nghĩ đến chuyện học, dù đã bao lần các thầy cô giáo đến từng làng, vận động từng nhà cho các em đến lớp. Nhưng rồi, chỉ được vài ngày mọi chuyện đâu lại vào đấy, các em lại theo cha mẹ lên nương, lên rẫy để lao vào cuộc mưu sinh.
Không hề nản chí, các thầy cô nơi đây quyết định phải bám làng để thường xuyên gần gũi, vận động phụ huynh cho các em đến trường: “Trong khu tập thể đơn sơ, 5 giáo viên chúng tôi đã quyết định “đóng chốt”, phải hai ba tháng, chúng tôi mới về thị trấn một lần. Những ngày mưa gió, không thể đi được, phải mua từng lon gạo của dân. Ở đây, người dân trồng lúa, nhưng mỗi khi đi xay xát lại không có tiền trả, họ bỏ lại vài lon gạo như để trả công. Chúng tôi lại ra đấy mua về, rau không trồng đã có rau rừng, còn chuyện thịt cá thì quả là món ăn… xa xỉ. Những giáo viên trẻ như chúng tôi mang nhiều nỗi niềm tâm sự. Cũng phải lo cho suộc sống sau này, rồi chuyện gia đình, con cái. Đang tuổi thanh xuân, chẳng lẽ chôn mình trong sự buồn chán của xã nghèo này. Nghĩ thì nghĩ thế thôi, nhưng cũng không ai đành lòng ra đi… ” - thầy Phong nhớ lại.
Có lẽ, nếu không vì lòng yêu nghề, yêu thương học trò, thì không ai dám hi sinh tuổi trẻ của mình nơi vùng quê heo hút như các thầy cô giáo nơi đây. Chiến thuật “nước chảy, đá mòn” của các thầy cô cắm làng dần dần cũng được bà con ghi nhận. Học sinh đến trường ngày một đông hơn, dù vẫn còn nhiều em phải bỏ học giữa chừng để lập gia đình, hay theo cha mẹ lên nương rẫy, nhưng chừng đó cũng là thành công lớn với các thầy cô giáo ở đây …
Vui ngày hội trường |
Nơi con chữ đang… “nảy mầm”
Năm 2004, con đường vào xã Kon Pne, Kbang, Gia Lai đã được khai thông, năm 2005 ánh điện về đến xã như thổi luồng sinh khí mới để tiếp sức cho xã nghèo này. Cuộc sống của người dân Kon Pne đã khác xưa nhiều, không còn cảnh tự cung, tự cấp, cũng không còn cảnh phải lặn lội vất vả cả ngày trời để mua từng hạt muối, tấm chăn. Việc giao lưu buôn bán, áp dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất… đã bắt đầu trở thành thói quen trong nếp nghĩ của họ. Cuộc sống vơi bớt những nhọc nhằn, nên chuyện học của con em mình cũng bắt đầu thay đổi.
Ông Đinh Puýt-xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, bây giờ gia đình tôi đã biết làm lúa nước, biết chăn nuôi nên cuộc sống đã thay đổi nhiều, không còn thiếu ăn. Nhà tôi cũng có 2 cháu đi học, tôi sẽ cho con học để biết chữ, biết làm kinh tế giỏi, sau này không còn vất vả nữa…”
Hiện nay, tại trường Tiểu học Kon Pne có 22 lớp (5 lớp mầm non, 12 lớp TH, 5 lớp THCS), với 562 học sinh, hàng năm nơi đây đảm bảo duy trì sĩ số học sinh luôn đạt 99%, tỉ lệ đưa trẻ đến trường đạt 100%. Cuối năm 2009, xã Kon Pne được công nhận hoàn thành phổ cập THCS, tỉ lệ giáo viên 98% đạt chuẩn và trên chuẩn. Để có được thành công này, ngoài sự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao cuộc sống cho người dân còn có sự nỗ lực không mệt mỏi của những thầy cô giáo nơi đây. Cô Vương Thị Hội-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Từ ngày xã Kon Pne có đường, có điện, cuộc sống và nhận thức của người dân thay đổi rất nhiều. Sự khởi sắc của Kon Pne đã kéo theo sự phát triển của giáo dục, nhiều em sau khi học xong THCS đã tiếp tục theo học THPT. Hiện nay, giáo dục Kon Pne đã vươn lên trở thành một điểm sáng của huyện…”.
Dù cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, học sinh nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, nhưng nhờ sự tận tình chỉ bảo và thương yêu của những thầy cô giáo, nên các em không bỏ trường, bỏ lớp. Phía trước vẫn còn những khó khăn, nhưng khi chuyện học con chữ đang dần ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, chắc chắn trong tương lai không xa, giáo dục Kon Pne sẽ vươn mình mạnh mẽ.
Lê Anh