(GD&TĐ) - Qua hơn 80km với núi non tiếp nối mây trời và những bản làng chênh vênh lưng núi, Chúng tôi đến vùng sâu của huyện Bát Xát (Lào Cai) vào một buổi sáng bồng bềnh mây phủ, cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Ở đây, mùa này trời trong xanh, gió hun hút đưa những đám mây như tấm thảm bông mềm mại lên cao và khiến cho không gian se se lạnh ngay cả dưới ánh nắng hè. Bên những nếp nhà hiện lên trong nắng vàng, vài đứa trẻ người Mông đang nô đùa bên hiên. Cảnh đẹp là vậy, thanh bình là vậy, nhưng để đưa được con chữ đến với trẻ em người dân tộc nơi đây thật GIAN NAN. Bởi đưa được cái chữ lên vùng cao đã khó, mong các em đi học đều và đủ lại càng khó hơn. Làm thế nào để các em vui đến lớp, đến trường? Một câu hỏi luôn làm đau đầu những thầy cô giáo nơi đây.
Rèn chữ cho trò |
Gian nan sự học
Đường vào xã Ý Tý của huyện Bát Xát luôn là một thử thách với những tay lái, cho dù là mùa nắng hay mùa mưa. Con đường cấp phối trải đá xóc nẩy, khiến người ngồi trên ô tô cũng nhấp nhổm không yên mà kẻ đi xe máy càng vất vả trăm bề. Sau những cơn mưa đầu mùa hè, những con đường gập ghềnh lại càng thêm khó đi vì đất bùn dính chặt lấy bánh xe, khiến cả xe và người cứ trượt dài về phía trước.
Nằm ngay thung lũng là lớp học của các em nhỏ độ tuổi mẫu giáo. Những cô bé, cậu bé dân tộc đa phần là người dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao, độ tuổi từ 1 đến 5. Mặt mũi vẫn còn nhem nhuốc, mũi xanh thò lò và không biết nói tiếng Kinh. Từ khắp các bản xa trong xã, mỗi buổi sáng, các em nhỏ vượt qua con đường đất đá đến với lớp học. Tuềnh toàng với vài chiếc ghế, những bức tranh vẽ hình chữ O chữ A, giường chiếu đơn sơ. Nhưng đó vẫn là ngôi trường có cơ sở vật chất khá nhất trong các ngôi trường mà chúng tôi đi qua trên toàn huyện vùng cao này. Thấy có người lạ, các em ngơ ngác nhìn, một vài em nép vào vai bạn. Khi chúng tôi chia kẹo, nhiều em không dám nhận, phải có sự dỗ dành của cô giáo mới bẽn lẽn cầm. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đỗ Thị Nga, phụ trách lớp cho biết : “Lớp có 30 cháu, chủ yếu là con em các dân tộc trong xã, phụ trách điểm trường này chỉ có 2 cô vừa lo dỗ dành, vừa lo dạy hát múa cho các cháu. Có cháu nhà cách trường cả chục cây số, bố mẹ phải dậy sớm đưa đi. Hôm nào thời tiết xấu thì lớp vắng hẳn chỉ có vài cháu đến lớp”. Nhìn những đôi chân không dép, những bàn tay đen đúa, có em còn đang khóc đòi về mới thấy hết được những khó khăn của các cô giáo mầm non nơi đây.
Tạm biệt các em trường mầm non, chúng tôi tiếp tục đi bộ thêm 10km mới vào được đến bản sâu nhất của huyện - xã Hồng Ngài - thăm điểm trường tiểu học Hồng Ngài.
Có người ví von mỗi thầy cô nơi đây là mỗi bông hoa đang tỏa hương giữa những bản nhỏ xen kẽ các cánh rừng nguyên sinh để khắp các cánh rừng đều trổ biếc. Ngày ngày, họ cần mẫn gieo con chữ những mong sẽ mang ánh sáng văn hóa đến với người dân làm thay đổi cuộc sống của họ. Những ước mơ cao đẳng, đại học được chắp cánh, để rồi các em sớm trở thành những kỹ sư, bác sĩ trở về giúp đồng bào làm cho thóc đầy bồ, gia súc đầy chuồng, thảo quả trải đầy nương rẫy.
HS trường TH Hồng Ngài |
Bám bản gieo chữ
Khi chúng tôi đến vào cuối năm học nên các thầy cô vào huyện họp tổng kết từ chiều hôm trước. Mãi quá trưa mới có người về, tiếp chúng tôi là thầy giáo Trần Văn Chiến. Thầy Chiến cho biết, cùng là giáo viên cắm bản với thầy còn có vợ chồng thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng- Nguyễn Thị Phượng, tất cả đều gắn bó với trường Hồng Ngài cả chục năm nay. Ba giáo viên cắm ở điểm trường Hồng Ngài đều là người miền xuôi lên, cuộc sống của họ nơi rẻo cao gặp nhiều khó khăn vất vả. Vào mùa đông, mỗi lần xuống trung tâm xã, họ phải đối diện với cái lạnh thốc vào mặt, cứa vào da thịt, cộng thêm cung đường khúc khuỷu, thăm thẳm dốc và hun hút gió. Vì đường bê tông chưa có nên việc đi lại ở đây rất khó khăn, các thầy, cô chủ yếu đi bộ. Đã vào bản thì cuối tuần mới ra được, có khi vì điều kiện thời tiết các thầy, cô ở lại bản hằng tháng mới ra. Có thầy còn chọn cách ở trong bản để được gần dân, học tiếng và tìm hiểu về đời sống của dân bản giao tiếp với đồng bào bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ.
Bản Hồng Ngài không có điện, không chợ búa, người dân phải ra chợ tận Ý Tý mua hàng về tích trữ dần. Đêm tối, thay vì ánh sáng từ các bóng đèn neon là những đĩa đèn cháy bằng mỡ lợn. Cuộc sống của người dân và các thầy cô nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, mùa hè còn đỡ, mùa đông có những hôm nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, cả thầy cả trò phải đốt lửa sưởi ấm. Lớp học với những bức tường đất đỏ, trong lớp có hai chiếc bảng ở hai đầu, hai lớp học khác nhau nằm trong cùng một phòng học. Vì ít học sinh, trình độ lại không đồng đều nên hầu như các em phải học ghép. Nghĩa là cả hai hoặc ba lớp với trình độ khác nhau phải ngồi chung phòng và có những giáo viên dạy riêng. Nhưng cũng có phòng hai lớp, lại chỉ có một người đứng dạy. Cũng theo lời thầy Chiến thì các thầy cô không chỉ dạy chữ cho các em mà có nhiều lúc phải đóng vai trò là các nhà tâm lý luôn dỗ dành, nhẹ nhàng dạy bảo, nếu không các em chán bỏ học. Có nhiều lúc, thầy phải đến tận nhà “săn” những học trò trốn học đem về lớp. Lại phải làm công tác tư tưởng cho cha mẹ các em để họ hiểu ra, tạo điều kiện cho con đi học. Các thầy phải động viên để cha mẹ các em hiểu rằng, cái chữ cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày.
Các cháu mẫu giáo |
Không chỉ Hồng Ngài mà các điểm trường chúng tôi đến như Lao Chải 1, Lao Chải 2, Lao Chải 3, Phan Cán Sử, Chung Chải, Sim San, cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trường lớp thì tạm bợ, học sinh thì nhiều em còn ở xa xôi, ngại đến lớp. Nhiều em là nạn nhân của trận mưa lũ lớn vào tháng 8.2008 vẫn chưa hết bàng hoàng. Hơn 70% học sinh chịu thiệt hại, khi người thân, nhà cửa, trâu bò, ruộng nương bị lũ cuốn trôi. Có những em bị mất người thân không còn muốn đi học nữa. Nhà nước và nhiều tổ chức đã hỗ trợ vùng chịu thiệt hại do lũ gây ra nhưng những người ổn định tinh thần và giúp đỡ, động viên các em học sinh đến trường vẫn là các thầy giáo, cô giáo và các chiến sĩ đồn biên phòng. Bởi họ sống bên các em, làm bạn và dạy cho các em.
Trong căn phòng làm bằng tre nứa, thầy giáo Trần Văn Chiến tâm sự rất thật với chúng tôi rằng: “Đưa được cái chữ lên vùng cao đã khó, mong các em đi học đều và đủ lại càng khó. Các giáo viên lên dạy cái chữ phải chịu nhiều khó khăn, phải cố gắng nhiều, vượt qua những thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Học sinh không học được, chán cái chữ, chán cái trường, bỏ học về làm ruộng, kiếm củi, tìm thảo quả rất nhiều. Những cuộc vận động đi học của các em vùng cao, các thầy cô trèo đèo lội suối đến tận nơi mời trẻ xuống trường. Nhưng thường các em chỉ học đến lớp 5 là nghỉ không tiếp tục học nữa”.
Mặc dù học trong những điều kiện khó khăn, những lớp học đơn sơ, giọng đọc bài còn ngô nghê, câu chữ còn chưa tròn vành rõ tiếng, nhưng đâu đâu cũng thấy những đôi mắt sáng niềm vui được tới lớp của các em.
Nguyễn An – Lam Linh