Chuyện học ở rẻo cao biên giới Việt - Lào

GD&TĐ - Là thôn nằm tách biệt giữa rừng sâu heo hút, đường sá đi lại khó khăn và nguy hiểm, nhưng con em học sinh thôn A Riêu (xã Tr’Hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) luôn nỗ lực đến trường. 

Chuyện học ở rẻo cao biên giới Việt - Lào

Tinh thần hiếu học của con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây như được tiếp thêm niềm tin khi những người giáo viên cắm bản ngày ngày “kề vai, sát cánh” động viên, giúp đỡ.

Sống biệt lập giữa rừng

Từ trung tâm xã Tr’Hy đến thôn A Riêu chỉ có con đường “độc đạo” dọc theo triền núi. Vượt qua đoạn đường dốc đứng cheo leo, trơn trượt, có đoạn đầy đá lởm chởm, vực sâu hun hút. Bởi vậy phải mất gần 4 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới đến được điểm trường thôn A Riêu.

Thầy Trần Trực - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tr’Hy - người đã có thời gian gắn bó hơn 32 năm với giáo dục huyện biên giới Tây Giang, cho hay: Ở nơi rẻo cao này chỉ một cơn mưa nhẹ đổ xuống là đường rất trơn trượt. Còn khi thời tiết bất lợi, thôn A Riêu hầu như bị cô lập hoàn toàn. Người giáo viên phụ trách điểm trường phải ở lại có khi cả tháng trời. Cuộc sống, ăn ở chỉ nhờ vào sự trợ giúp, hỗ trợ, cưu mang của người dân.

Nói về tình hình cuộc sống của bà con dân bản, Trưởng thôn A Lưng cho biết: Làng A Riêu có 50 hộ dân. Địa bàn thôn nằm giữa rừng già, không đường, không điện, không trạm y tế. Tuy vậy, điều khó khăn nhất của làng A Riêu hiện nay là không có đường giao thông từ trung tâm xã vào làng, vì vậy, việc đi lại học hành của con em, sự giao lưu, mua bán các sản phẩm từ ruộng rẫy, con gà, con heo từ chăn nuôi của bà con rất khó khăn.

Mỗi khi trong làng có người đau ốm, phụ nữ sinh khó phải khiêng theo đường rừng hàng mấy giờ đồng hồ mới ra tới trạm y tế xã. Khổ nhất là các em nhỏ, phải đi bộ cả ngày đường để đến trường trung tâm xã, trường nội trú, cả tuần mới được về với cha mẹ một lần. Có lẽ vì sự khó khăn ấy mà bao năm nay, làng A Riêu chưa có em học sinh nào học tới đại học, cao đẳng. Mong muốn, ước ao lớn nhất của người dân nơi đây là có được một con đường vào làng, vào bản. Có đường là người dân có tất cả…!

Hiện tại thôn A Riêu có một điểm trường tiểu học nhưng dành học chung cho cả trẻ mầm non. Năm học 2016 -2017, điểm trường do cô giáo A Lăng Thị Lai - giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Tr’Hy phụ trách. Cô quê xã A Nông, lấy chồng ở xã A Xan nhưng lại về dạy học ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tr’Hy, phải xa gia đình, con nhỏ.

Vào dạy học ở thôn A Riêu, có khi 2 đến ba tuần mới được trở về nhà thăm con. Vợ chồng cũng ít khi được gặp nhau vì cũng đi làm ăn xa. Công việc dạy học hằng ngày của một người giáo viên vốn đã gian khổ, nay càng vất vả hơn khi phải phụ trách luôn các cháu mẫu giáo.

Hiện điểm trường thôn A Riêu có 9 học sinh tiểu học, trong đó có 6 học sinh lớp 2 và 3 học sinh lớp 1. Ngoài phụ trách lớp ghép tiểu học, thì còn có 4 cháu lớp mẫu giáo 5 tuổi. Theo thầy Trần Trực, theo chỉ đạo của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, do không có giáo viên mầm non nên phân công giáo viên tiểu học giảng dạy luôn các cháu mầm non 5 tuổi.

Bởi vậy, công việc giảng dạy, chăm sóc trẻ hằng ngày của giáo viên cắm bản thôn A Riêu là hết sức vất vả. Trường lớp thì còn tạm bợ, điều kiện dạy học thì hết sức sơ sài. Giáo viên cắm bản phải tự túc nấu ăn, còn nhà ở thì ở nhờ trong nhà người dân. Điều kiện sống hết sức chật vật.

Nỗ lực đến trường học chữ

Thầy Trần Trực cho hay: Học trò thôn A Riêu sau khi hoàn thành chương trình lớp 2 tại điểm trường của thôn, các em sẽ tiếp tục theo học tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tr’Hy. Sau khi kết thúc bậc tiểu học, những em đạt kết quả xuất sắc thì được tuyển chọn xuống trường phổ thông nội trú huyện Tây Giang học. Còn những em khác sẽ ngược lên xã biên giới A Xan theo học ở Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng.

Dù là thôn xa nhất trong xã, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng học trò thôn A Riêu có tinh thần ham học rất cao. Sĩ số chuyển cấp của học sinh thôn A Riêu luôn đảm bảo. Ngay cả nhiều năm trước, chưa có chế độ hỗ trợ tiền ăn, nhưng phụ huynh thôn luôn chủ động chuẩn bị xoong, nồi, gạo cho con em đến trường.

Gia đình anh Zơ Râm Bình dù có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng vẫn cho 3 người con ăn học đầy đủ. Trong đó, Zơ Râm Bang học lớp 9 và Zơ Râm Thị Bới học lớp 8 ở Trường PTDT Bán trú THCS Lý Tự Trọng, còn Zơ Râm Khang đang học lớp 2 tại điểm trường thôn.

Nói về chuyện học của mình, Zơ Râm Bang hồn nhiên: “Nhà con cách trường hơn 20km. Mỗi lần đến trường, con đi bộ xa lắm, nhưng đến trường có bạn rất vui. Được ăn ở tại trường con thấy rất thuận lợi. Ban ngày con học trên lớp, còn ban đêm con tự học bài cùng với các bạn dưới sự kèm cặp của các thầy, các cô. Năm học nào con cũng được thầy cô phát thưởng”.

Cũng như gia đình vợ chồng anh Zơ Râm Bình, ở nơi rẻo cao, cuộc sống còn lắm khó khăn, thiếu thốn, nhà nào có điều kiện thì chuẩn bị cho con bữa cơm trưa đến trường với chút cá kho mặn và rau luộc. Còn lại, đa phần các em chỉ ăn cơm trắng với muối mè. Sau giờ học buổi sáng, các em tự lấy cơm ra ăn và ngủ trưa để chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.

Ấy vậy mà dù mùa nắng oi ả hay mùa mưa thối đất, học sinh thôn A Riêu vẫn chăm chỉ đến trường. Sĩ số lớp học luôn được duy trì đầy đủ. Hiếm có khi nào học sinh nghỉ học, chỉ trừ những hôm đau ốm. Từ nhiều năm nay, giáo viên “cắm bản” không cần phải đến từng nhà vận động học sinh đến trường.

Nhận thức được ý nghĩa việc học của con em, nên khi nghe đoàn công tác do đích thân Bí thư Huyện ủy Tây Giang Briu Liếc vào khảo sát mở đường, xây dựng mặt bằng dân cư, xây trường, xây lớp, người dân trong thôn, ai cũng vui mừng. Nghe vậy, những người giáo viên nơi đây cũng mừng vui khôn tả. Bởi đó không chỉ là niềm vui của dân làng, mà còn là niềm động lực để những thầy cô giáo cắm bản nơi rẻo cao này càng thêm gắn bó với trường, với lớp, chăm lo sự học cho con em dân bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.