(GD&TĐ) - Sau nhiều lần dự định, tôi quyết định đến Lùng Ác- nơi định cư của đồng bào người Mông xã Vĩnh Yên ( Bảo Yên- Lào Cai). Sau hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với gần 20 km đường dốc uốn lượn như đường lên trời, những đám đá nhọn như lưỡi rìu chổng lên như muốn nuốt chửng bánh xe, tôi đến được Lùng Ác.
“ Đặc sản” của Lùng Ác không gì khác là mây mù và vực sâu. Lên đến trung tâm bản, những căn nhà như những tổ chim nằm cheo leo bên vách núi. Đó là nơi định cư của người Mông từ bao đời nay. Câu chuyện học chữ của trẻ em nơi đây còn nhiều lắm những khó khăn, nhọc nhằn.
Điểm trường tiểu học được xây ngay tại bản Lùng Ác |
Xuống núi học chữ
Là bản định cư của đồng bào người Mông, bản Lùng Ác và bản Tổng Kim như tổ chim nằm cheo leo dựa vào vách núi của ngọn núi Lùng Ác cao vời vợi. Hai bản từng là bản nghèo của xã Vĩnh Yên trong nhiều năm dài. Với gần 100 hộ dân, người bản Mông nơi đây quanh năm "đầu tắt mặt tối" nhọc nhằn chuyện mưu sinh. Lời kể của ông Chu đượm buồn vì ông nhắc đến những ngày giáp hạt của bản.
Ông kể rằng: Trong bản chỉ có khoảng 20 hộ là có ruộng nước thôi vì ở đây thiếu nước, muốn làm ruộng nhưng chẳng dẫn được nước về nên đành phải trồng lúa trên nương. Do vậy năng suất chẳng đáng bao nhiêu. Cứ đến tháng 3, cái đói mòn đói mỏi lại đến với người dân bản ông. Tình trạng thiếu ăn diễn ra trong nhiều tháng dài. Lúc đó, ẩm thực Lùng Ác chỉ là mèn nén mà thôi. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cùng sự đổi mới trong tư duy và cách nghĩ của người dân nên cuộc sống có khấm khá hơn, thóc và ngô đầy bồ, trâu, ngựa đông dần, diện mạo của cuộc sống nơi đây đang chuyển biến dần.
Học sinh Lùng Ác cùng ôn bài ở phòng sau giờ học |
Khi còn đói kém, người dân Lùng Ác và Tổng Kim chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no cái bụng, lành cái áo, chứ chưa ai dám nghĩ đến chuyện học hành và cho con cái đến trường học. Chính vì vậy, trẻ em khi đã cầm chắc con dao quăng, cầm chắc cái cuốc là phải lên nương lên rẫy làm việc cốt để làm ra nhiều hạt lúa, bắp ngô cho ấm bụng những tháng năm đói mòn đói mỏi.
Chính vì vậy, trẻ em nơi đây chỉ biết lên rẫy giỏi, lội suối tốt, cưỡi ngựa hay chứ đọc chữ, viết chữ thì chịu. Trong nhiều năm dài, tỷ lệ trẻ em không biết đọc, biết viết chiếm đa số. Cái nghèo đeo đẳng là cho chuyện học hành của con em ở Lùng Ác cũng trở nên khó khăn.
Trưởng bản Chu trăn trở: Nhà xa trường, xuống núi học chữ khó khăn lắm, bọn trẻ thường trốn học, vận động mãi mới chịu nghe. Khi gặp lũ trẻ đang chăn trâu, ngựa bên sườn núi, chúng tôi mới thấu hiểu được cái nghèo như thấm vào cả sự hồn nhiên của bọn trẻ trên đỉnh trời này. Đứa nào tóc cũng vàng hoe, mặt lem luốc mang đầy nắng, gió của vùng cao. Hỏi Sùng A Thìn, em trả lời ấp úng: “ có muốn đi học, năm nay học lớp 4...” còn sơn nữ Lý Thị Vàng thì hồn nhiên nói: “ Bỏ học từ lớp 9 rồi, không đi học nữa”.
Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động và đặc biệt là sự kiên trì của đội ngũ các thầy cô giáo bản, người dân hai bản Tổng Kim và Lùng Ác đã dần thay đổi được tư duy và nhận thức được vai trò của cái chữ trong việc làm thay đổi cuộc sống nơi đây. Những buổi họp bản, chủ đề đưa con em đến trường luôn là chủ đề " nóng" và được dân bản thảo luận sôi nổi hơn hết. Có những gia đình băn khoăn về việc chưa đủ cơm ăn thì làm sao học được chữ? nhà xa trường thì đi học làm sao? hay học xong thì đi làm gì, ở đâu?... Nhưng rồi, dần dần những khó khăn ấy đều được đẩy lùi bằng một ý chí quyết tâm. Phong trào đi học ở đỉnh núi Lùng Ác được bắt đầu từ khi người dân nơi đây có được ý chí ấy.
Đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện học tập cho con em của hai bản Tổng Kim và Lùng Ác, xã Vĩnh Yên đã vận động nhân dân dựng lớp học ngay tại bản Tổng Kim. Vậy là đã có phân hiệu trường tiểu học và mầm non ngay tại bản. Có lớp, có trường không lý gì lại không đi học. 100% trẻ em đến độ tuổi đã được đến trường để học chữ. Thầy Lý Gìn Phù vốn là người con của bản Tổng Kim nay phụ trách lớp học tại bản. Hàng ngày, học sinh từ trên đỉnh Lùng Ác xuôi xuống dốc núi đi học rất miệt mài, không bỏ buổi nào, rồi từ thung lũng Tổng Kim hơn chục em học sinh tiểu học ngược dốc núi để đến trường.
Ông Sùng Seo Chu- Trưởng bản Lùng Ác cho biết: Cả bản Tổng Kim và Lùng Ác có gần 100 em học sinh đến độ tuổi đi học. Không chỉ dừng lại ở bậc tiểu học, các em học sinh nơi đây tiếp tục vượt khó để học lên cao hơn, hết tiểu học lại học tiếp bậc THCS rồi THPT và học đại học. Khi lên bậc THCS, hầu hết các em đều đến trường trọ học. Được nhà trường tạo điều kiện xây dựng nhà bán trú dân nuôi nên các em có điều kiện ăn ở để học hành.
Học cấp 3 để có cơ hội được học đại học
Nhưng không phải gia đình nào ở bản Mông cũng có điều kiện để cho con đi học. Trường cách xa nhà tới hơn chục cây số, điều kiện ăn ở và đi lại còn rất nhiều khó khăn. Vả lại, đã đến độ tuổi này thì phải lên núi làm nương giúp gia đình. Vượt lên những khó khăn ấy, hơn 20 em học sinh của hai bản đã khăn gói đến trường trọ học. Dù đường xa và khó nhọc, dù gia đình nghèo nhưng các em vẫn kiên trì đến trường.
Những ngày cuối tuần, từng tốp học sinh trở về thăm bản rồi sáng thứ hai đầu tuần, người ta lại thấy các em xuôi xuống dốc núi, hăm hở mang theo bao gạo, bó rau cải nương và gánh củi. Tất cả những cái đó là sự gói ghém những ước mơ cho cuộc sống phía trước.
Trong hành trình gian nan tìm đến cái chữ ở Lùng Ác luôn có mặt của những tấm gương hiếu học làm rạng danh cho bản của mình và là nòng cốt cho sự đổi thay cuộc sống nơi đây. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó có 4 anh chị em, cha mẹ đều là nông dân, hai anh em Sùng Minh Thành và Sùng Dùng Bềnh ở bản Lùng Ác đã nhen nhóm ý chí học tập ngay từ khi cắp sách tới trường. Nhà nghèo, thiếu thốn nhưng không làm nao núng ý chí học tập của hai anh em. Được tuyển vào học tại trường dân tộc nội trú tỉnh và THPT số 1 Bảo Yên, xa nhà, hai anh em luôn bảo ban nhau để học hành chăm chỉ, quyết chí dùi mài đèn sách để đỗ vào đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, cả hai anh em đều thi đỗ vào Học viện An ninh và trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Sơn nữ ở Lùng Ác |
Gia đình ông Lý A Pao ở bản Tổng Kim có ba con trai thì cả ba con đều được học hành đầy đủ. Hai con trai của ông đã học đại học, con trai cả trở thành thầy giáo cấp 3 ngay tại Nghĩa Đô, con trai thứ hai đang học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, con trai thứ ba đang chuẩn bị đi học đại học. Ông Pao cho biết, những năm trước đây, trường cấp 3 cách nhà 40 cây số, nhà hoàn cảnh nhưng ông vẫn tạo điều kiện cho các con học hành đầy đủ và trưởng thành.
Ông Ma Minh Toán- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: “ Lùng Ác là bản xa nhất và khó khăn nhất của Vĩnh Yên. Do vậy, để con em đồng bào Mông đi học là cả một sự nỗ lực của chính bản thân các cháu. Xã đã tạo mọi điều kiện ưu tiên để các cháu xuống núi học chữ”.
Chia tay bản Tổng Kim và Lùng Ác trong khi mặt trời đang khuất dần sau ngọn núi Lùng Ác cao vời vợi, ngoảnh mặt lại, chúng tôi nhận thấy những triền núi hình trang sách mở đang tràn ngập ánh nắng chiều. Nhịp sống và điệu khèn Mông phía xa xa như đang ca vang bài ca về sự học nơi đây.
Nguyễn Thế Lượng