Chuyển hóa những cảm xúc tích cực

GD&TĐ - Mạnh dạn đăng kí tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do VTV7 và Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện, cô Nguyễn Hiền Lương - giáo viên Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) đã được GS Peck-cho - một chuyên gia giáo dục đến từ Đại học Nữ sinh Sookmyung (Hàn Quốc), chỉ ra rằng: Khi bản thân mỗi giáo viên thay đổi thì học sinh sẽ thay đổi và nền giáo dục mới thay đổi.  

Ánh mắt “hình viên đạn” của cô Lương trước kia luôn khiến học trò lo sợ và căng thẳng. Ảnh: từ Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của VTV
Ánh mắt “hình viên đạn” của cô Lương trước kia luôn khiến học trò lo sợ và căng thẳng. Ảnh: từ Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của VTV

Gọi tên áp lực

Theo cô Nguyễn Hiền Lương, ngành nghề nào cũng có những áp lực của riêng mình và ngành Giáo dục cũng không thể tránh khỏi. Đối với ngành Giáo dục thì áp lực đến từ nhiều phía. Trước hết, chúng ta không thể không nói tới áp lực đến từ nội dung kiến thức, chương trình. Thứ hai là áp lực từ kết quả thi, thành tích trong giáo dục. Thứ ba là áp lực đến từ phụ huynh học sinh, tâm lý giao khoán con cho giáo viên.

Thứ tư là áp lực đến từ xã hội. Dư luận xã hội luôn đặt kì vọng cao cho giáo viên đứng lớp và ngành Giáo dục. Theo quan niệm từ xưa đến nay, giáo viên phải là những người chuẩn mực nhất, vừa có tài vừa có tâm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, với sự phát triển của báo chí, của truyền thông mạng thì các tồn tại của ngành Giáo dục, của giáo viên dù là nhỏ nhất cũng được đưa lên với những tiêu đề giật gân.

Do đó, thời gian qua xã hội đang nhìn vào những tồn tại của ngành Giáo dục, làm hình ảnh của giáo viên dần xấu đi trong mắt mọi người…. Dẫu biết rằng vẫn còn có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh. Các hành động trên đã xảy ra đã để lại nhiều tiếng “xấu” cho ngành Giáo dục, các giáo viên trên đã bị xử lý thích đáng. Nhưng đó cũng chỉ là một chấm đen trên tờ giấy trắng.

Vẫn còn đó rất nhiều giáo viên hết lòng về nghề, luôn phấn đấu vươn lên, vượt mọi khó khăn để mang lại kiến thức, tri thức cho học sinh và nhân loại. Có rất nhiều nhà giáo tâm huyết đã ngã xuống vì nghề, nhiều giáo viên xứng đáng được tôn trọng và tôn vinh. Những tấm gương ấy cần được lan tỏa để xã hội có cái nhìn đúng hơn về nghề giáo – “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Và cuối cùng đó là áp lực đến từ chính bản thân mỗi giáo viên. Cô Lương phân tích, giáo viên luôn muốn làm tròn các vai xã hội của mình. Do đó, chúng ta đã tự đưa chúng ta và học sinh vào những khuôn khổ, những đích do chúng ta tự đặt ra mà đôi khi không phù hợp với trẻ. Giáo viên luôn mong muốn học sinh phải yêu thích bộ môn của mình, phải học đều các môn, phải ngoan ngoãn lễ phép và phải thế này, thế kia...

Giáo viên luôn mong muốn học sinh phải giống như con robot hoàn thành tốt mọi điều mà mình lập trình sẵn. Có như vậy mới là con ngoan, trò giỏi. Và thế là, dồn tất cả mọi áp lực lên vai người giáo viên. Khiến cho chúng ta nhiều lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi, đam mê, nhiệt huyết với nghề giảm sút. Thậm chí có giáo viên còn định bỏ nghề. Rồi giáo viên đã dồn tất cả những áp lực ấy lên đôi vai bé nhỏ của học trò lúc nào không hay.

Hậu quả là giáo viên sẽ thường xuyên cáu giận, quát nạt, thậm chí trừng phạt khi học sinh không làm đúng yêu cầu, quy định của nhà trường. Và thế là… với học sinh mỗi ngày đến trường không còn là mỗi ngày vui; lớp học không còn là lớp học hạnh phúc.

Cô Lương chia sẻ, bản thân cô cũng là một giáo viên phải gánh chịu những áp lực. Và rồi cô khao khát được thay đổi. Khao khát được lấy lại niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Khao khát xây dựng được một lớp học hạnh phúc. Khao khát được trở thành một giáo viên khiến học sinh thích mà học chứ không phải sợ mà học như trước kia. Bởi khi giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc.

3 giây kì diệu

“Chúng tôi đã và đang trên con đường đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc cho mình, cho những lứa học sinh của mình và cho tất cả mọi người. Con đường đó không hề đơn giản. Nhưng tôi tin với sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo như bây giờ và khát khao thay đổi tự thân của mỗi giáo viên thì tất cả chúng ta sẽ làm được. Nền giáo dục của chúng ta sẽ là nền giáo dục hạnh phúc, đào tạo ra những con người hạnh phúc”.
 Cô Nguyễn Hiền Lương

Cô Lương cho biết, khi tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô đã được các thành viên trong ban cố vấn chỉ ra những điểm còn tồn tại của mình. Hơn hết cô đã được nhìn vào tận sâu trong những góc khuất của riêng mình và đã biết nguồn cơn của những cơn cáu giận ấy từ đâu…

Qua tham gia chương trình, cô Lương mới nhận thức sâu sắc thế nào là “Cả giận mất khôn”. “Tôi được nhìn thấy tôi xấu thế nào khi quát tháo, lườm học sinh. Tôi biết khi tôi cáu giận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Tôi được nghe lại, nhìn lại thái độ của tôi khi mỉa mai học sinh sẽ khiến học sinh tổn thương ra sao. Tôi biết tôi sai ở đâu và cần phải làm gì để thay đổi. Vậy là từ lúc đó tôi đã biết giảm bớt áp lực cho mình và cho học sinh, hạ thấp yêu cầu đối với học sinh. Tôi tạo nhiều hoạt động để cô trò gần gũi, dành nhiều thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý tính cách của mỗi học sinh, suy xét mọi việc dưới nhiều góc độ. Tôi thấy mình phải cảm ơn học trò, vì chúng đem lại niềm vui cho mình. Tôi cảm ơn học trò vì chúng đã dạy tôi về lòng vị tha. Học trò luôn yêu cô dù cô có những lúc chưa tốt. Và giáo viên cũng nên yêu cả những điểm chưa hoàn thiện ở trò” - cô Lương bộc bạch.

Cũng theo cô Lương, giờ đây cô đã biết chấp nhận sự khác biệt của học trò, không còn bắt “con cá phải leo cây”. Cô chấp nhận con mình không giỏi Toán vì cháu ước mơ làm đầu bếp. Cô đã động viên cậu học sinh nhỏ nhất lớp không học được môn nào cả nhưng lại thích lắp ghép, sửa chữa đồ đạc… Cô không bắt học sinh phải học giỏi toàn diện vì đã nhận ra rằng “nhân vô thập toàn”. Từ đó cô đã giúp học sinh tìm và phát huy thế mạnh của mình.

“Tôi biết kiềm chế những cơn cáu giận bằng cách hít thở sâu khoảng 3 đến 5 giây rồi gọi tên cảm xúc của mình và một vài kĩ thuật khác. Tôi đã thử nghiệm và rất thành công. Đó thực sự là 3 giây kì diệu. Nó khiến cho tâm chúng ta lắng lại, cơn cáu giận được dồn xuống. Và khi chúng ta gọi tên được cảm xúc, chỉ ra nguồn cơn của cơn cáu giận thì tâm trạng của ta cũng thoải mái hơn rất nhiều. Từ đó những giây phút cáu giận đã thưa hơn. Và thế là tiết học của tôi trôi qua rất vui vẻ. Học sinh mạnh dạn trình bày quan điểm của mình mà không sợ sai, nề nếp kỉ luật cứ thế tiến bộ dần lên. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi lan tỏa được niềm hạnh phúc ấy đến nhiều học sinh” - cô Lương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.