Liên quan đến sự việc 2 người tử vong nghi do sốc phản vệ tại BV Đa khoa Trí Đức vào sáng 25/12, như báo Người Đưa Tin đã thông tin, đến thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi lên Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội.
Theo báo cáo, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế đã có mặt tại bệnh viện để cùng phối hợp giải quyết. Kết quả ban đầu cho thấy, cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn hai.
Sự cố y khoa xảy ra ở BV đa khoa Trí Đức đặt ra nhiều dấu hỏi. (Ảnh Dân Việt)
Sau sự cố trên, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc vì sao 2 bệnh nhân cùng bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong? Mô xẻ về nguyên nhân, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - nguyên Giảng viên đại học Y dược TP.HCM nhận định, có 3 nguyên nhân khiến bệnh nhân bị gặp tai biến khi gây mê.
Thứ nhất là do thuốc, nó tác động lên hệ thần kinh, các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bản thân loại thuốc gây mê có thể gây ra tai biến. Có những người có thể dung nạp (chịu được thuốc - PV) nhưng có trường hợp không dẫn đến tai biến, nặng là sốc phản vệ.
Vì thế, theo quan điểm của PGS. Đức, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống bị tai biến sau khi gây tê, gây mê. Có những người đi làm những phẫu thuật đơn giản cũng có thể gặp tai biến, thậm chí 2 người cùng sốc phản vệ do môt loại thuốc.
“Tôi đã từng chứng kiến trường hợp tử vong sau khi chích thuốc gây mê, gây tê. Một trong những nguyên nhân gây tử vong là tác dụng phụ của thuốc gây mê”, PGS. Đức nhấn mạnh.
Thứ hai là do cơ địa, thể trạng của người được gây mê. Đặc biệt, với những trường hợp như: trẻ sơ sinh, người lớn tuổi do hệ miễn dịch suy yếu; người mắc bệnh nặng, có nguy cơ cao như: bệnh tim (van tim, mạch vành), tiểu đường, bệnh về máu, hen suyễn, bệnh phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… cũng dễ gặp tai biến khi gây mê. Thế nên, sự lựa chọn thuốc gây mê trên những bệnh nhân này cũng bị giới hạn.
Thứ ba là trình độ của người gây mê cũng như kỹ thuật gây mê cũng có thể xảy ra tai biến. Nếu bác sĩ gây mê không cho thuốc mê đủ liều lượng, nồng độ cũng khiến bệnh nhân “thức giấc giữa chừng” và tâm sinh lý bị xáo trộn. Ngược lại, nếu bác sĩ cho thuốc quá liều sẽ khiến tình trạng hôn mê sau mổ không hồi tỉnh, tử vong. Vì cơ chế của thuốc gây mê sâu là nhằm ức chế tim mạch, tuần hoàn cơ thể, mạch máu; do đó, nếu ức chế quá lâu thì tim mạch sẽ ngừng đập… Điều đáng bàn, khi bị tai biến, người gây mê phải biết kỹ thuật xử lý.
Liên quan đến 2 trường hợp tử vong tại bệnh viện Đa khoa Trí Đức, theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, đây là sự cố đáng tiếc và việc làm rõ nguyên nhân cần phải có sự vào cuộc, điều tra từ cơ quan chức năng cũng như tiến hành pháp y để xác định rõ yếu tố nào gây sốc phản vệ.
Các chuyên gia cho rằng, tai biến trong y khoa là chuyện bất khả kháng, có thể xảy ra. Trong quá trình phẫu thuật, hai phương pháp vô cảm được quan tâm nhiều nhất là phương pháp gây tê và gây mê. Sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến ngừng thở, trụy tim mạch, nên cũng rất nguy hiểm.