Chuyên gia phân tích về các nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa làm mạng xã hội “sùng sục” khi cho rằng: “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do thực phẩm bẩn”. Nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, thực phẩm bẩn chỉ là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Chuyên gia phân tích về các nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư

PGS.TS Nguyễn Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K T.Ư - có nhiều năm nghiên cứu về ung thư, từng khẳng định, khoa học chứng minh có trên 80% nguyên nhân gây ra ung thư là do môi trường bên ngoài, mà tác hại to lớn nhất là thuốc lá.

Theo PGS Thuấn, có đến 30% các ca ung thư có liên quan đến thuốc lá. Còn nếu tính riêng ung thư phổi thì 90% liên quan đến thuốc lá. Ngoài ra có thể kể đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý nhiều thịt, ít rau xanh, đặc biệt là dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm dùng các hóa chất bảo quản không được phép hoặc vượt ngưỡng cho phép. Các thói quen sinh hoạt hoặc chủ quan của người dân như ăn nhiều cà, dưa muối (có thể gây ung thư lưỡi, vòm họng), ăn gạo, bánh mốc (ung thư dạ dày)… cũng có làm tăng nguy cơ ung thư.

Chuyen gia phan tich ve cac nguyen nhan hang dau gay benh ung thu - Anh 1

Đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Trong ảnh: Chờ khám bệnh ở Bệnh viện K T.Ư. Ảnh: D.L

Hiện nay, tình trạng gia tăng các bệnh nhiễm trùng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể, người nhiễm virus viêm gan B, nhiễm virus HPV cổ tử cung, nhiễm vi khuẩn HB dạ dày đều có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày cao hơn người khỏe mạnh. Và chỉ một tỷ lệ nhỏ các ca ung thư liên quan đến yếu tố di truyền.

Theo PGS Thuấn, những lao động làm việc liên quan đến môi trường độc hại, tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, môi trường có tia phóng xạ… đều làm tăng nguy cơ ung thư.

GS.TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh ung thư.

Theo GS Khoa, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ung thư mà nguyên nhân có sự tác động của rượu, đặc biệt là những bộ phận cơ thể rượu “đi qua” như vòm họng, thực quản, gan, dạ dày, trực tràng rồi đến các nội tạng khác, kể cả xương.

GS Khoa phân tích, rượu có nguy cơ gây ung thư tới các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với rượu là do, rượu gây bỏng thực quản, dạ dày… tạo thành các vết loét. Các vết loét này lâu ngày không khỏi (vì bệnh nhân uống rượu triền miên) và càng ngày càng sâu. Khi đó, các tế bào viêm nhiễm lâu ngày sẽ chuyển thành tế bào ác tính, thành bệnh ung thư. Ngoài ra, có thể nhìn thấy rõ nhất là các độc tố trong rượu bắt gan phải làm việc cật lực để khử độc. Khi bị làm việc quá sức, gan mệt mỏi và dẫn đến xơ gan, sau đó rất nhanh chóng tiến triển thành ung thư gan.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh nhân ung thư là do tuổi thọ của người dân Việt Nam ngày càng cao. Người già cơ thể cũng sẽ bị lão hóa, nhiều bệnh mãn tính, nhiễm trùng nên nguy cơ ung thư cao hơn. Đơn cử, nam giới càng cao tuổi thì càng dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Theo nhiều nghiên cứu, độ tuổi 60-69 khoảng 30% nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt, từ 70-79 tuổi là 40%, còn từ 80-89 là gần 70%... Còn ở phụ nữ, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và ung thư vú càng lớn, đặc biệt ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

“Trước đây chúng ta ít thấy ung thư vì chúng ta sống không đủ lâu để ung thư phát tác. Nếu 30-40 tuổi ung thư thì đáng ngại, nhưng trên 60 tuổi ung thư là chuyện bình thường” - một bác sĩ cho biết.

Theo GS Khoa, đa số hết các nguyên nhân gây ung thư đều do lối sống của chủ quan của người dân. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ gây ung thư cho mình và các thành viên trong gia đình thì mỗi người đều cần tự dựng barie để bảo vệ mình như: Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không ăn quá mặn, ăn nhiều rau ít thịt, luyện tập thể thao, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc… Đồng thời, người dân phải thường xuyên đi khám để tầm soát ung thư, phát hiện bệnh từ sớm để kịp thời chữa trị.

“Hầu hết các bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi đó, chi phí chữa bệnh cũng thấp. Nếu để đến khi đau đớn, sụt cân mới đi khám thì ung thư đã ở giai đoạn muộn, có khi mất tiền tỷ mà vẫn không cứu được” - GS Khoa cho biết.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổ biến nhất có thể phòng tránh được lần lượt là: Hút thuốc lá, uống rượu bia, thừa cân béo phì và thiếu hoạt động thể lực, nhiễm virus HPV lây truyền qua đường tình dục, các tác nhân ung thư nghề nghiệp. Ngoài ra còn các yếu tố quan trọng khác làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như nhiễm virus viêm gan B, C (gây ung thư gan), ô nhiễm môi trường, thực phẩm, chất phóng xạ…

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.