PGS.TS Lê Kim Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Ấn tượng với các mệnh đề
Chủ trương: Giáo dục là quốc sách hàng đầu như trong Báo cáo do Tổng Bí thư Ngyễn Phú Trọng trình bày tiếp tục khẳng định ý chí, quyết tâm và chỉ đạo kiên quyết của Đảng đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.
Đồng thời khẳng định Nghị quyết số: 29 -NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn khách quan.
Tôi khá ấn tượng với mệnh đề “sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư để phát triển GD-ĐT”. Chỉ sử dụng nguồn lực Nhà nước là không đủ đảm bảo phát triển GD&ĐT mà phải huy động các nguồn lực khác. Chữ “mọi” ở đây mang nhiều ý nghĩa và thể hiện được cách nhìn đổi mới, mạnh hơn từ “xã hội hóa” vẫn đang dùng.
Điểm mới nữa là mệnh đề mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Mục tiêu này có mốc thời gian cụ thể là 2030.
Trong nhiệm kỳ mới, sự năng động được thể hiện rõ, sự quyết tâm đổi mới cũng được tuyên bố và khẳng định. Mong rằng có một Tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được thành công.
Giáo dục đại học sẽ là mục tiêu đến của giáo dục phổ thông nhằm thu hút được học sinh giỏi vào học mà không phải ra nước ngoài học. Do vậy, giáo dục đại học cần cơ chế đầu tư và phát triển hơn là chính sự đầu tư. Đổi thay về quản lý giáo dục nhiều hơn là tăng cường quản lý. Quản lí để phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và mong muốn của người học.
* PGS Vũ Tự Lân: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người
Với tư cách là một nhà giáo và cũng là một người dân, tôi rất vui vì một lần nữa giáo dục nước nhà lại được khẳng định là quốc sách hàng đầu. Đây là cơ sở để giáo dục tiếp tục phát triển và hội nhập.
Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ mới, Đảng tiếp tục quan tâm và có những chủ trương đúng đắn đối với GD-ĐT, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người.
Trước mắt cần đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường học trong cả nước, quan tâm thích đáng đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.