Có thể chuyện đó còn lâu mới xảy ra, nhưng sẽ thế nào nếu như Android chỉ còn độc quyền bởi Google.
Smartphone Pixel, Nexus và tham vọng của Google
Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, điều này cho phép các nhà sản xuất có thể phát triển phần mềm theo những hướng riêng. Trong giai đoạn 2010 – 2015, rất nhiều cuộc chạy đua về tính năng cho điện thoại, và hãng nào cũng muốn tạo điểm nhấn riêng cho sản phẩm của mình.
Như smartphone của Samsung với tính năng tự trả lời cuộc gọi khi đưa điện thoại lên tai, hỗ trợ đa nhiệm nhiều cửa sổ, hay LG nhấp đúp màn hình để khóa/mở khóa máy, chụp ảnh bằng cử chỉ…
Với Google, họ cũng từng đặt dấu ấn lên các dòng Nexus bằng cách tối ưu bản ROM Android gốc, đưa vào các tính năng độc quyền như phần mềm riêng để xử lý ảnh HDR+ , và thường xuyên cập nhật phiên bản mới. Dù các hãng smartphone Android khác cũng làm điều này, nhưng cách làm của họ hạn chế hơn.
Đối với Pixel, Google đã tự nâng quyền kiểm soát của mình lên mức mới khi không còn giao toàn bộ các công đoạn phần cứng cho đối tác nữa. Theo Slashgear, tuy vẫn nhờ HTC phát triển, nhưng dấu ấn trên Pixel và Pixel XL rõ nét hơn, can thiệp sâu hơn vào quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, gã khổng lồ tìm kiếm cũng bổ sung những tính năng riêng như Pixel Launcher, Pixel Camera, Google Assistant, hỗ trợ chuyển dữ liệu từ máy khác… So với Nexus, Pixel còn được quảng bá với tần suất cao, không thua kém iPhone 7 hay Galaxy Note 7 (đã bị "khai tử") và hỗ trợ 24/24 giờ.
Với động thái đó, Google đang cho thấy họ tập trung hơn vào smartphone, tiến tới loại bỏ dần các đối thủ tiềm năng. Rất có thể, hãng muốn Android là đặc trưng riêng của Pixel, như iOS là đặc trưng của iPhone vậy.
Các hãng sản xuất smartphone Android khác sẽ ra sao?
Samsung hiện dẫn đầu thế giới về số lượng điện thoại bán ra. Trong quý II/2016, hãng chiếm 22,4% lượng smartphone toàn cầu, phần lớn trong số đó chạy hệ điều hành Android. Nhưng điều đó không có nghĩa là hãng điện tử Hàn Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Google "nghỉ chơi", bởi họ còn nền tảng di động khác: Tizen.
Từ lâu, Samsung đã giảm bớt phụ thuộc Android bằng hệ điều hành này. Bắt đầu từ việc thử nghiệm cho Smart TV, smartwatch, hiện Tizen đã xuất hiện trên một số điện thoại, như Z1, Z3 cho thị trường Ấn Độ và tiến tới tích hợp cho các dòng điện thoại chủ chốt khác.
Để có thể phát triển, Samsung đã xây dựng một cộng đồng lập trình viên lớn, vững chắc dành cho Tizen và có thể chuyển sang sử dụng nền tảng này trong tương lai bất chấp Google còn hợp tác hay không.
Tương tự Samsung, LG cũng đã có hệ điều hành di động riêng, là webOS (mua từ Palm). Dù nền tảng này vẫn chỉ chạy trên Smart TV, nhưng nó hoàn toàn có thể được mang lên smartphone. Trên thực tế, sản phẩm ban đầu được Palm phát triển cho điện thoại nhưng đã bị "hụt hơi" trước các đối thủ khác do những sai lầm chiến lược.
Trong khi đó, Sony có thể ngừng hẳn việc sản xuất smartphone Android để hướng đến các sản phẩm chiến lược khác, như cảm biến ảnh, máy ảnh số, game… Giữa 2016, hãng điện tử Nhật Bản từng úp mở rằng sẽ "khai tử" mảng di động do kinh doanh thua lỗ. Do đó, nếu Google không còn hợp tác, Sony lại càng có thêm "động lực" để từ bỏ việc sản xuất điện thoại.
Với HTC, dù thường xuyên cho ra mắt những mẫu sản phẩm chạy Android với thiết kế đẹp, cấu hình mạnh nhưng có vẻ như hãng không còn đặt trọng tâm vào thiết bị di động nữa. Thay vào đó, thực tế ảo là hướng đi mới, và công ty cũng đã có những thành công nhất định với HTC Vive. Ngoài ra, sản xuất smartphone cho các hãng khác (như Google) có thể mang lại nhiều doanh thu hơn là tự kinh doanh.
Với các hãng smartphone khác, có rất nhiều hướng để họ có thể đi theo: tự phát triển hệ điều hành mới, sớm tìm cho mình một nền tảng nguồn mở khác, hoặc hợp tác với những công ty như Samsung, LG... vốn cần mở rộng tầm ảnh hưởng của hệ điều hành của mình.
Google được gì, mất gì?
Trên Android, Google tích hợp sẵn các ứng dụng của mình như Gmail, Google Search, Google Maps… và nếu khép kín nền tảng, hãng sẽ mất khoản doanh thu rất lớn từ quảng cáo. Theo số liệu trích từ vụ kiện của Google và Oracle, số tiền quảng cáo thu được từ Android từ khi hệ điều hành này được thương mại hóa (2008) là 31 tỷ USD, trong đó lợi nhuận là 22 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh với doanh thu hiện tại của Google, con số trên không quá lớn. Trong quý II/2016, Alphabet (công ty mẹ của Google) thu về tới 21,5 tỷ USD. Nhấn mạnh rằng, đây là số tiền của một quý (3 tháng), và nếu so với doanh thu quảng cáo từ Android (8 năm), Google hoàn toàn có thể bỏ qua các dịch vụ trên để chạy theo mô hình như Apple, vốn mang lại doanh thu lớn hơn.
Ngoài ra, những dịch vụ trên đã quá nổi tiếng và Google cũng không quá lo lắng, bởi các nhà phát triển cũng sẽ tìm cách đưa chúng lên nền tảng khác, như những gì họ từng làm cho Windows Phone.
Tuy vậy, sẽ rất khó để Google "đóng" nền tảng của mình bởi sức ảnh hưởng của Android đã quá rộng. Nhưng nếu điều đó xảy ra, sự phát triển của smartphone nói riêng và ngành di động nói chung có thể sẽ bước sang trang mới.