Chuyện “Gap year” cho sinh viên và cả người đi làm

Dừng lại hay tiếp tục học tập, công việc luôn là một quyết định cần dũng cảm - chúng ta đều biết, đặc biệt là các bạn đã đi làm hay vẫn đang đi học. Câu chuyện chung, nhưng mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình. 

Huỳnh Quyên (phải) – tác giả bài viết tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM với nhiều trải nghiệm “gap year” như tham gia thì tình nguyện WWOOF ở Hàn Quốc, Đài Loan hay làm việc tại trường Anh ngữ ở Philippines…
Huỳnh Quyên (phải) – tác giả bài viết tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM với nhiều trải nghiệm “gap year” như tham gia thì tình nguyện WWOOF ở Hàn Quốc, Đài Loan hay làm việc tại trường Anh ngữ ở Philippines…

Bài viết của Huỳnh Quyên dưới đây sẽ mang đến một cách nhìn có kế hoạch, chủ động hơn cho những ai quan tâm đến việc “gap year”.

Gap year (quãng thời gian bảo lưu việc học/làm để thực hiện các hoạt động xã hội, tình nguyện, trải nghiệm…) hiện đã không còn là khái niệm quá xa lạ với người trẻ Việt Nam.

"Hồi xưa lúc còn sinh viên hoặc mới ra trường mà nếu có ai cho mình lời khuyên về gap year thì tốt biết mấy. Vì vậy, giờ mình thấy nên chia sẻ cho những bạn sinh viên và cả người đi làm hiểu về gap year và những cơ hội gap year mà không tốn nhiều tiền.

Mình nghỉ việc sau 4 năm đi làm ngành Ngân hàng với thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến rộng mở để gap year. Công việc đó đối với mình khá tốt nhưng vì bản thân có quá nhiều thứ muốn trải nghiệm nên dù thế nào vẫn muốn ra đi. Và đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời mình.

Sinh viên có nên Gap year? Nếu bạn còn đang là sinh viên thì có thể dành vài tháng hè để trải nghiệm. Mình có quen vài bạn là sinh viên vẫn quyết định bảo lưu để đi đây đi đó, hoặc bạn mình dù đang học Ngoại thương vẫn quyết định nghỉ ngang và đi tìm con đường mới.

Nếu các bạn vừa mới ra trường và không có định hướng cụ thể về công việc thì cũng có thể gap year. Các bạn đừng nghĩ phải có nhiều tiền mới gap year được. Ôi, nếu lúc mới ra trường có ai bảo mình điều này thì tốt biết mấy.

Người đi làm thì sao? Nói tới người đi làm thì ôi thôi đủ thứ vấn đề như tôi già rồi, tôi phải lấy chồng sinh con, công việc này tôi không thích nhưng ổn định, gap year rồi về làm gì... Nhưng thực sự, nếu muốn thì người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do.

Nên Gap year khi nào? Theo mình thì càng sớm càng tốt. Vì khi đến một độ tuổi nhất định không ít bạn sẽ bị tâm lý muốn ổn định. Vả lại sau khi gap year bạn sẽ học được nhiều thứ, có khi lại tìm ra ý nghĩa cuộc đời và tìm thấy công việc mơ ước của mình. Đừng đợi đến khi đủ tiền mới gap year vì mình nói rồi "nếu muốn thì người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do".

Chuyện Gap year cho sinh viên và cả người đi làm - 2

Quyên cùng các bạn học viên và giáo viên trường Anh ngữ ở Philippines.

Mặt khác, chúng ta cũng nên ngưng ảo tưởng về gap year … Gap year nhiều lúc không phải màu hồng vì bạn có thể gặp nguy hiểm, có thể từ bỏ sự thoải mái bạn đang có, có thể bạn sẽ nhận ra sao thế giới này phức tạp, nguy hiểm quá. Bạn phải trang bị cho mình những kỹ năng cân thiết để bước ra thế giới. Nhưng lợi ích đem lại cũng rất nhiều nhé.

Những cơ hội Gap year không tốn nhiều tiền?

Phần đáng mong chờ nhất đây (Mình liệt kê theo mức độ khó đến dễ).

Working Holiday tại Úc và New Zealand: Đây là dạng du lịch kết hợp với làm việc ở nước ngoài - siêu khó và còn may mắn nữa vì rất ít suất. Mình ứng tuyển mấy năm rồi không đậu.

"Working Holiday" cho phép một người đến thăm một đất nước trong thời gian dài hơn so với du lịch trung bình, điều kiện đi kèm là khả năng đảm nhận công việc ngắn hạn để hỗ trợ cho chuyến đi. 

Hiện nay, Úc tăng lên 1500 suất rồi. Nếu đậu thì bạn sẽ có tối thiểu 1 năm đi làm, du lịch và có thể đi học các khóa học ngắn hạn bên đó. Mỗi năm chỉ có 1 đợt đăng kí thôi nhé. Nếu cần thông tin thì bạn tìm kiếm trên mạng. Cái này giờ nổi tiếng rồi nên chắc ai cũng biết.

Đi tình nguyện theo các chương trình của các tổ chức phi chính phủ tại Châu Âu: Cái này tương đối khó vì liên quan đến việc xin visa và khả năng tiếng Anh tốt.

Chuyện Gap year cho sinh viên và cả người đi làm - 3

Huỳnh Quyên (thứ 2, từ phải sang trái) đến ở nhà người bản xứ trong ngày lễ Food Festival ở thành phố Tanjay, Philippines.

Làm việc tại châu Âu trong nửa năm có lương: Hằng năm Ủy ban Châu Âu cần khoảng 2000 thực tập sinh làm việc tại văn phòng của họ ở Bỉ hoặc Luxembourg, công việc chủ yếu là làm việc giấy tờ, chuẩn bị cho các cuộc họp,... lương khoảng 30 triệu đồng. Cái này yêu cầu IELTS 6,5.

Đi Au pair ở Châu Âu:

Au Pair là tên một hình thức giao lưu văn hóa quốc tế mà ở đó các bạn trẻ sẽ được ra nước ngoài và sinh sống trong gia đình người bản xứ trong thời gian một năm mà không hề mất bất cứ sinh hoạt phí nào. Đây là một chương trình đã rất phổ biến trên toàn thế giới, mỗi năm đều có hàng trăm nghìn các bạn trẻ từ khắp năm châu tham gia chương trình Au Pair tại khắp các nước.

Cái này nói văn hoa thì là trao đổi văn hóa, nói huỵch toẹt ra thì là đi trông trẻ. Các bạn sẽ được ở nhà người bản xứ, được cho tiền đi học tiếng của nước đó, được cho tiền tiêu vặt, được đi du lịch châu Âu cùng chủ nhà bản xứ, nhưng bù lại bạn phải giúp họ trông trẻ. Nhưng trước khi đi bạn phải có học tiếng nước đó một thời gian để lấy được cái bằng để qua đó còn giao tiếp cơ bản nữa. Đi cái này khó thì không khó lắm đâu.

Mình có đứa bạn đang đi Au pair ở Áo, theo như nó nói thì mức độ cực khổ và thời gian nghỉ phép còn tùy thuộc vào từng gia đình. Trước khi đi bạn cần tìm hiểu kỹ về gia đình đó, mà cũng hên xui. Đi Au pair nhiều lúc không phải màu hồng như người ta tưởng nên bạn cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi tham gia nhé.

Đi làm ở một số nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines: Các công ty ở đây hay tuyển các bạn Việt Nam để hỗ trợ cho khách hàng người Việt. Các công việc này đòi hỏi có chút tiếng Anh và kinh nghiệm. Các công ty Philippines thì hay tuyển chăm sóc khác hàng, bên Malaysia thì hay tuyển về marketing còn Thái thì hay tuyển bên mảng du lịch, vì khách du lịch Việt Nam qua Thái khá nhiều.

Các bạn chịu khó kiếm trên internet sẽ có rất nhiều nhưng lưu ý là chọn công ty uy tín họ làm giấy phép. Vừa rồi có vụ 500 nhân viên làm ở một công ty ở Philippines bị bắt vì không có giấy phép làm việc.

Làm việc tại các trường Anh ngữ tại Philippines: Công việc này mình đã làm cách đây nửa năm tại 1 trường ở Cebu. Công việc này bao ăn ở được học Tiếng Anh miễn phí và có trường còn trả lương nữa.

Công việc nhìn chung không đòi hỏi bằng cấp nhiều, cần có chút tiếng Anh để giao tiếp và 1 số kỹ năng về photoshop, edit video, viết bài fanpage, website. Việc chủ yếu là hỗ trợ học sinh Việt Nam trong quá trình học. Làm ở đây thì được kết bạn với nhiều bạn từ Nhật, Hàn, Đài, Trung Quốc,... rất thú vị nhé.

Đi tình nguyện WWOOF, Workaway

WWOOF (World Wide Opportunities on Organic Farms) liên kết hàng ngàn trang trại hữu cơ ở hơn 100 quốc gia, đồng thời kết nối tình nguyện viên trên khắp thế giới với các trang trại này để chia sẻ một cách sống bền vững và giao lưu văn hóa. 

Nếu được nhận và làm việc thật tốt, bạn còn có thể nhận được giới thiệu từ các chủ trang trại cho những lần xin tiếp theo, ở các quốc gia và các trang trại khác. Với WWOOF, bạn sẽ học làm nông dân, với đủ các công việc từ gieo hạt, làm vườn, chăm sóc cây cối, thu hoạch và đóng gói nông sản, đến vắt sữa, cho gia súc ăn, làm rượu nho, bánh mì...

Đây là hình thức gap year vừa tình nguyện vừa du lịch. Hồi trước mình có tham gia WWOOF ở Hàn Quốc khoảng gần 1 tháng ở 4 thành phố. Mình có đăng ký WWOOF ở Thái Lan và Đài Loan mà không có thời gian đi, tiếc tiền lắm luôn ý. WWOOF thì tình nguyện ở nông trại, còn Workaway thì đủ các công việc luôn: từ dọn phòng trong nhà khách tới lễ tân tới dạy học cho các bạn nhỏ, làm nông trại. Chủ nhà sẽ bao ăn ở cho bạn nhé, thời gian rảnh bạn thích làm gì làm.

Bạn chỉ cần trả phí thường niên và vé máy bay thôi. Mình khuyên là bạn nên tham gia Workaway vì chỉ cần trả phí một lần là đi được tất cả các nước luôn. Mấy chương trình này các bạn Tây đi nhiều lắm ấy. Đợt mình qua Hàn toàn kết bạn với Tây thôi.

Đi du lịch tiết kiệm tiền nhờ vào Couchsurfing (dạng chia sẻ nhà cho khách du lịch miễn phí): Cái này thì chắc nhiều bạn biết, nhưng có thể hơi nguy hiểm cho các bạn gái. Nói chung các bạn xem hồ sơ người ta ổn, được nhiều người nhận xét tốt là được.

Hồi mình qua Đài Loan chơi cũng ở couchsurfing (cộng đồng cho du khách ở tại nhà riêng) của một anh Đài Loan nhưng vì nó là bạn mình nên mình tin tưởng thôi, với lại đọc nhận xét ai cũng khen nó hết.

Nhà anh có 1 phòng ngủ thôi anh nhường cho mình còn hắn ra ngủ phòng khách. Ở với người bản xứ được cái họ dẫn mình đi nhiều chỗ hay ho mới lạ mà khách du lịch không bao giờ biết đâu.

Chuyện Gap year cho sinh viên và cả người đi làm - 4
Quyên (giữa) cùng 2 bạn đồng nghiệp người Hàn Quốc và Nhật Bản khi làm việc ở Philippines.

Gap year ở Việt Nam: Mình chưa bao giờ nghe ai chia sẻ đi Gap year ở Việt Nam hết nhưng mà có đó các bạn ơi. Một số trang trại và khu nghỉ dưỡng ở Tây Nguyên,

Đà Lạt họ hay tuyển tình nguyện viên để làm nông trại. Công việc chân tay có hơi vất vả nhưng các bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, có khi được làm chung với người nước ngoài vì một số nông trại đó cũng tham gia vào WOOFF và Workaway để tuyển tình nguyện viên quốc tế. Hoặc các bạn có thể đi tình nguyện ở các tỉnh miền núi phía bắc, thường sẽ được bao ăn ở hết.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chúc các bạn mạnh dạn và có những trải nghiệm gap year thú vị, ý nghĩa!

Theo dantri.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ