Không biết từ bao giờ, ở xứ Quảng, người dân đã quen với sự ra đời và hoạt động tấp nập của một khu chợ đặc biệt. Tại khu chợ này, người mua kẻ bán chỉ xoay quanh một món hàng duy nhất: Những chú heo con. Chợ đặc biệt nên xung quanh nó, tất yếu nảy sinh ra thứ nghề mưu sinh đặc biệt chẳng nơi nào có được, ấy là “nghề bồng (bế) heo”.
Một góc chợ Bà Rén
Nghề độc nhất vô nhị ở khu chợ đặc biệt
Chỉ cách đây mấy tháng về trước, khi đường tránh cầu Bà Rén chưa hoàn thành, mọi chuyến xe đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam đều phải ngang qua khu chợ có cái tên đặc biệt, chợ heo Bà Rén này. Theo nhiều người dân sống quanh chợ cho biết, thì chợ heo này được hình thành từ cuối những năm 1960 của thế kỷ trước.
Kể về phát tích tên gọi của chợ, bà Phan Thị Liễu (62 tuổi, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), người có thâm niên xấp xỉ 30 năm buôn bán ở chợ này lý giải: “Tên chợ vốn được đặt theo tên một người đàn bà chèo đò dọc khúc sông này.
Ngày trước khi chưa có cầu, bên cạnh chợ heo này là một cái chợ bán đủ thứ khác, nên ai đến chợ cũng phải gọi bà đưa qua sông, lâu dần thành cái tên chợ Bà Rén. Sau đó, vì người buôn bán heo trong chợ gây mùi khó chịu, lại để heo xổng chuồng, đuổi bắt rất lộn xộn nên những người buôn heo mới ra mảnh đất bên cạnh chợ, lập nên một cái chợ heo riêng biệt. T
hế là từ chợ Bà Rén, người ta gọi luôn nơi đây là chợ heo Bà Rén”. Nhờ nằm cạnh sông Thu Bồn, rất tiện lợi cho việc vận chuyển theo đường thủy, chợ này ngày càng phát triển.
Từ sáng sớm tinh mơ, kẻ mua người bán đã quy tụ về đây, nhộn nhịp giao thương. Những chiếc rọ chứa đầy heo cứ thế rải từ chân cầu Bà Rén cho đến khu chợ trung tâm. Nhiều người khẳng định, đây là khu chợ heo lớn nhất miền Trung, có thể là đặc biệt nhất cả nước.
Điều đặc biệt khiến chợ này nổi tiếng, ngoài địa thế đặc biệt khi nằm bên cạnh Quốc lộ tấp nập người xe qua lại, là bởi vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc “chạy” theo “nghề bồng heo” thuê để mưu sinh. Thực tế, các tiểu thương đưa heo về chợ giao dịch thường rất ngại khi phải bồng bế những món hàng “tươi sống” này bởi nhiều chất thải xú uế chưa kịp dọn sạch.
Mỗi lần cân đong hay cần vận chuyển heo từ chợ ra xe, họ lại phải nhờ đến đội ngũ những người tình nguyện làm công việc nhọc nhằn này để kiếm chút tiền. Có cung ắt có cầu, nghề “bồng heo thuê” ra đời và phát triển ngày càng nhanh theo quy mô của chợ heo Bà Rèn. Cho đến giờ, đội ngũ bồng heo thuê tại đây lúc cao điểm có khi lên đến vài chục người.
Hôm biết phóng viên đến tìm hiểu về nghề “độc, dị, lạ” của mình, những người bồng heo thuê tại chợ Bà Rén hóm hỉnh bảo: “Ở đây, chúng tôi gọi đây là nghề “ôm Trư Bát Giới”. Được biết, những người khai sinh ra nghề đặc biệt này là gia đình của ông Lưu Quơn (85 tuổi) sống bên cạnh chợ Bà Rén này sinh ra.
Cách đây hơn 20 năm, vì kinh tế khó khăn, gia cảnh lại thuộc dạng đặc biệt khi cả 8 thành viên đều cao không quá 1,2m, không có việc làm, ông đành dắt díu vợ con ra chợ heo này để làm công việc vệ sinh.
Lâu dần, thấy có nhiều người cần bồng heo để cân đong, vận chuyển nên gia đình ông chuyển qua làm nghề này sống qua ngày. Một điều lạ là những chú heo qua tay gia đình ông đều hay ăn chóng lớn nên cứ mỗi lần heo về, các tiểu thương lại ưu tiên cho người nhà ông Quơn vào bồng trước tiên.
Khoảng chục năm trở lại đây, chợ heo được xây dựng mới, khuôn viên rộng hơn và nhiều thương lái tìm về nên gia đình ông Lưu Quơn làm không hết việc. Dần dà, những người khác thấy nghề này có thể mưu sinh được nên cũng tham gia, lập thành một đội quân bồng heo. Đa phần, đội quân “bồng heo” này là những người phụ nữ đã bước sang tuổi trung niên. Thế nhưng, khi khách gọi, các chị vẫn có thể ôm con heo nặng 25-30kg chạy băng băng.
Những đồng tiền thấm mồ hôi
Chị Xí với nghề bồng heo đã nuôi 2 con học đại học
Chợ heo Bà Rén hiện nay có khoảng chục chị em bám víu cái nghề nặng nhọc, vất vả và hiểm nguy này. So với khoảng thời gian trước đây, số lượng đã giảm sút nhưng những người còn lại đều có thâm niên trong nghề trên dưới 10 năm. Họ là những người phụ nữ nghèo của địa phương hoặc đến từ các vùng lân cận.
Nhiều nhất phải kể là huyện Quế Sơn, tiếp đó là huyện Thăng Bình, huyện Duy Xuyên. Cuộc sống đa phần rất khó khăn nên họ phải làm đủ mọi công việc để có thể nuôi sống gia đình mình. Không khó để chúng tôi tìm thấy điểm tập trung của chị em phụ nữ làm trong nghề này, bởi từ 5h sáng, nhiều chị đến chực sẵn làm vệ sinh, chuẩn bị rơm rạ để chờ đón các đoàn heo tới.
Công việc nặng nhọc lại phải chịu dơ bẩn vì ôm heo lên người. Thế nhưng, mỗi lần chuyển giao heo, thù lao các chị nhận được chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/con tùy cân nặng, tùy cả vào “vía” của người bồng và tùy cả vào sự quen thân.
Chị Hoàng Thị Tân (48 tuổi, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Công việc nhìn đơn giản vậy chứ cũng lắm thăng trầm mấy chú ơi. Nhiều khi lỡ tay, heo tuột khỏi người thì khách người ta không ưng ý, mình sẽ mất hết mối.
Tuy nhiên, nếu chăm chỉ làm thì mỗi người cũng kiếm được khoảng 40.000 - 60.000 đồng một ngày. Làm cái nghề này tuy vất vả, giá mỗi con chỉ có 2.000 đồng nhưng còn có đồng vào đồng ra, vẫn tốt hơn là ở nhà không làm gì cả!”. Đang trò chuyện với chúng tôi, thoáng thấy mối quen, chị Tân vội vã xoắn áo, đội nón lên đầu chạy tới chỗ rọ heo của thương lái rồi nhanh gọn “bồng” xốc từng chú heo đến giao cho khách một cách rất dễ dàng.
Chứng kiến cảnh những người bồng heo thuê này, tôi khá ngạc nhiên vì không có một tiếng cãi cọ, không một vụ tranh giành giữa mối hàng. Giữa cái khó khăn, họ nương tựa vào nhau để sống, nhường nhau những lần bồng để tan chợ ai cũng có tiền khi ra về đặng lo cho gia đình có chút thịt cá.
Trò chuyện với người viết, các chị đều chia sẻ những khó khăn của nghề. Heo nặng hay nhẹ không làm các chị thấy khó mà điều khổ nhất là mùi hôi. Trời nắng nóng, mồ hôi của cơ thể cộng với mùi khét heo cứ xộc lên mũi khó chịu đến mức phải nín thở. Mấy hôm trời mưa thì phân heo nhễ nhại, bôi trét khắp người, con heo trên tay cứ la eng éc, giãy giụa như sắp rơi xuống đất.
Làm nghề này, nhiều chị tâm sự gia cảnh khó khăn trăm bề, như chị Phạm Thị Xuyến có chồng không may mắc phải căn bệnh thần kinh quái ác, mất khả năng lao động nhiều năm nay. Từ đó, chị trở thành lao động chính trong gia đình, làm đủ mọi việc để lo chồng nuôi con ăn học.
Hạnh phúc hơn, chị Nguyễn Thị Xí (50 tuổi, trú tại xã Quế Xuân) nuôi được hai con trai thành tài bằng chính những đồng tiền bồng heo cực nhọc kiếm được. Chị Xí kể, ngày mấy đứa con đậu đại học, chị vừa mừng lại vừa lo.
“Các con đỗ đạt trong cảnh gia đình khốn khó trăm bề là sự hãnh diện lớn. Nhưng sắp tới, tôi chưa biết tính sao để lo cho đặng khoản học phí “khổng lồ” và cả chi tiêu nơi đất khách quê người. Nghĩ đến đó, tôi lại phải dậy sớm hơn, ra chợ bồng heo. Chú bảo, ở cái chợ quê này, chị em chúng tôi không ôm heo thì làm gì? Có người ôm heo nuôi cả gia đình, nuôi cả cha mẹ già, con nhỏ đó chú ơi!”, chị Xí trầm giọng.
“Buôn có bạn, bán có phường”
Ông Lê Đình Lai, Trưởng ban quản lý chợ Bà Rén cho biết: “Tại chợ, ngày cao điểm có khi cả ngàn con heo được giao dịch. Từ các huyện lân cận, người ta đổ heo về rồi đưa lên xe phân phối khắp nơi. Các chị em làm nghề bồng heo ở đây nhờ thế cũng trụ được, kiếm đủ tiền mưu sinh. Điều đáng mừng là dù cực khổ, nhưng chị em ít khi xảy ra mâu thuẫn, tranh giành khách. Chính sự hòa thuận, sẻ chia ấy đã giúp mọi người đều có việc làm, có thêm thu nhập, qua đó phần nào cải thiện cuộc sống”.