Ông Putin gặp gỡ không chỉ nhà lãnh đạo tối cao Iran mà còn cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Cuộc gặp này hẳn gây nhiều lo ngại cho phương Tây, nhất là mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và Iran, hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc hàng đầu thế giới.
Chuyến đi của ông Putin diễn ra ngay sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước, trong đó vấn đề Iran và chương trình hạt nhân của họ là một trong những chủ đề thảo luận chính.
Điều đó như nhằm khẳng định rằng, trong khi Mỹ muốn củng cố các mối quan hệ đồng minh của họ thì Iran và Nga - cả hai vốn đang bị phương Tây trừng phạt, thì thật ra họ đều không bị cô lập.
Phát biểu trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thể hiện sự ủng hộ với ông Putin về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và chỉ trích NATO: “Chiến tranh là một vấn đề khắc nghiệt và khó khăn và Iran không hài lòng chút nào khi người dân bình thường phải chịu đựng nó” - ông nói. “Nhưng trong trường hợp của Ukraine nếu bạn không chủ động, phía bên kia sẽ gây ra chiến tranh với lý do của mình”.
Nhà lãnh đạo cho rằng, “nếu NATO không bị ngăn chặn ở Ukraine, họ sẽ bắt đầu cuộc chiến tương tự sau đó với cái cớ là Crimea”.
Ông Khamenei nói thêm rằng, Tehran và Moscow cần phải cảnh giác trước “sự lừa dối của phương Tây”, đồng thời kêu gọi sự hợp tác lâu dài giữa Iran và Nga. Ông nói: “Hợp tác lâu dài của Iran và Nga mang lại lợi ích to lớn, sâu sắc cho cả hai nước”.
Iran và Điện Kremlin ngày càng tìm thấy điểm chung, với việc các quan chức hai nước liên tục tuyên bố sẵn sàng mở rộng hợp tác thương mại và chính trị.
Tuần trước, Nhà Trắng cho biết, Tehran đang chuẩn bị bán máy bay không người lái có vũ trang cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Iran cho biết hợp tác công nghệ với Nga có từ trước cuộc chiến, mà không xác nhận hay bác bỏ tuyên bố của Mỹ.
Trong bối cảnh sự cô lập về mặt ngoại giao từ phương Tây ngày càng gia tăng, việc thúc đẩy thương mại với Nga có thể tạo ra sự giải tỏa cho nền kinh tế Iran, vốn đã chịu tác động nặng nề các lệnh trừng phạt ngân hàng và dầu mỏ của Mỹ trong nhiều năm. Mặt khác, Nga coi Iran là một nhà cung cấp vũ khí tiềm năng, cung cấp một tuyến đường thương mại và chuyên môn trong việc né tránh các lệnh trừng phạt và xuất khẩu dầu.
Về phía Iran, các nhà lãnh đạo Iran luôn tìm cách phát triển mối quan hệ của đất nước họ với Nga nhưng cuộc chiến ở Ukraine giờ đây đã khiến Iran trở thành nhân tố trung tâm hơn trong chính sách ngoại giao của ông Putin.
Trong vài tháng qua, thương mại giữa hai nước đã mở rộng. Trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Raisi bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Turkmenistan vào tháng trước, ông Putin lưu ý rằng thương mại giữa hai nước đã tăng 81% trong năm ngoái.
Hợp tác năng lượng là một lĩnh vực quan trọng. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Nga và Iran trên thực tế là những đối thủ thương mại, đặc biệt là trên thị trường năng lượng, khi mà Nga ngày càng làm giảm thị phần của Iran trong nỗ lực tìm kiếm người mua dầu mới.
Thế nhưng ngay trong ngày ông Putin thăm Iran, Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận hợp tác trị giá khoảng 40 tỷ USD với Công ty Dầu khí quốc gia Iran để giúp Iran phát triển các mỏ khí đốt và mỏ dầu, hỗ trợ Iran hoàn thành các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng và xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt.
Mặc dù, không phải đồng minh, nhưng theo giới quan sát, Iran là đối tác trong cuộc đối đầu của Nga với phương Tây.
Thay vì hỗ trợ Nga ở Ukraine, Iran có những động cơ khác để xích lại gần Moscow. Với các cuộc đàm phán hạt nhân hiện đang bế tắc, Iran có thể chỉ muốn cho phương Tây thấy rằng họ có một giải pháp thay thế, rằng họ có thể có ảnh hưởng vượt ra ngoài Trung Đông.
Mặt khác, các nhà quan sát cũng cho rằng, mối quan hệ của Iran với Nga bắt nguồn từ thế giới quan chung và đã tiếp tục sâu sắc hơn trong những thập kỷ qua. Cả hai nước đều có lập trường chống lại sự chi phối của Hoa Kỳ trong các mối quan hệ quốc tế và cả hai đều có chung tham vọng chống lại điều đó.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Iran, Nga với các nước phương Tây đã liên tục gia tăng trong hàng chục năm qua. Và như vậy, cả hai nước cần phải tìm những đối tác khác, tất cả đều là những cường quốc gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, báo hiệu một thế giới đa cực đang hình thành.