Chuyện của cựu tù binh 3 lần chuyển ngục và những đòn tra tấn dã man của kẻ thù

Câu chuyện của cựu binh Hoàng Văn Cờ như một lát cắt nhỏ về sự hy sinh của thế hệ đi trước trong cuộc chiến đẫm máu với kẻ thù xâm lược.

Chuyện của cựu tù binh 3 lần chuyển ngục và những đòn tra tấn dã man của kẻ thù

Đi bộ đội sau 3 ngày cưới vợ

Ở huyện vùng cao Quang Bình (Hà Giang) ít người biết vẫn còn có những nhân chứng sống trong cuộc kháng chiến  chống Mỹ. Trong số đó, ở cả tỉnh này cũng chỉ có 3 người từng chịu cảnh tù đày.

Ông Hoàng Văn Cờ (Sinh năm 1944), trú tại thôn Nghè (xã Hương Sơn) là một người lính từng chịu cảnh cơ cực, đến mức bị kẻ thù xẻo thịt, đóng đinh trên cơ thể. Ông Cờ kiên cường trong chiến đấu, chịu khó chăm lo sản xuất trong thời bình.

Chuyen cua cuu tu binh 3 lan chuyen nguc va nhung don tra tan da man cua ke thu - Anh 1

Ông Hoàng Văn Cờ nói về những năm tháng mình bị tra tấn dã man. Ảnh: Phàn Giào Họ

Hôm PV tìm gặp, ông Cờ đang cùng người bạn đời làm rẫy cỏ lạc, bước đi chệnh choạng nhưng sinh lực ông vẫn tràn đầy. Ông bảo, sau cuộc chiến, thân thể ông đau đớn vào những ngày trái gió, trở trời.

Kể về ngày lên đường nhập ngũ ông Cờ bảo, hồi đó ông mới lấy vợ được 3 ngày, nhưng cuộc chiến khốc liệt. Ông xung phong lên đường nhập ngũ khi còn chưa kịp bắt chuyện với người vợ mới cưới.

“Nói thực ra, hồi đó có yêu nhau đâu, thời chiến mà. Bố mẹ hỏi vợ về khi mình còn chưa kịp bắt chuyện, vì ai cũng ngại. Thế mà chiến tranh, tôi phải tức tốc lên đơn vị C10, tỉnh đội Hà Giang nhập ngũ” - Ông Cờ nói.

Theo lời kể của ông Cờ, ngày rời gia đình lên đường, có hàng trăm học sinh xếp hàng đưa tiễn. Những người trong gia đình ông nói lời chia tay trong nước mắt, đặc biệt ông Cờ nhớ rằng bố mẹ mình nói Cờ đi chắc chắn phải lành lặn trở về, để sau này về già ông bà sẽ ở với Cờ đến khi họ về với đất.

Cựu binh Hoàng Văn Cờ cho biết, từ năm 1963-1965 ông đóng quân tại trung đoàn 246, đơn vị đóng tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Năm 1966, ông Cờ tiếp tục được tuyển vào binh chủng đặc công, đơn vị đóng quân tại tỉnh Hưng Yên.

Giữa lúc chiến tranh chống Mỹ ngày một leo thang, Hoàng Văn Cờ được điều vào chiến trường Thừa Thiên – Huế, nằm trong đơn vị C thông tin, trung đoàn 5.

Bị treo lên xẻo thịt, đóng đinh

Chuyen cua cuu tu binh 3 lan chuyen nguc va nhung don tra tan da man cua ke thu - Anh 2

Anh Hoàng Văn Dưỡng (SN 1980, con trai cả ông Cờ) bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Ảnh: Phàn Giào Họ

Theo những ký ức đứt đoạn của mình, ông Cờ vẫn nhớ rõ nhất năm chiến đấu khốc liệt nhất của quân ta là 1968, hay gọi nôm na là cuộc chiến tết Mậu Thân.

Lúc đó, ông được chuyển vào địa điểm chiến đấu ác liệt nhất và 3 ngày sau ông được điều cùng đơn vị mình lên rừng để tiện nắm bắt thông tin.

Kể về ngày mình bị giặc bắt, đôi mắt ông Cờ đỏ hoe: “Lúc đó là ngày 23/3/1969, khoảng 19 giờ cùng ngày, quân địch tấn công đơn vị của chúng tôi.

Tôi chỉ nhớ lúc đó địch đông gấp nhiều lần, nã đạn, pháo tới tấp, khi tỉnh dậy tôi đã thấy tay mình bị treo lên. Tên lính ngụy nói: “Đây là bệnh viện của quân Việt cộng, anh bị nghi ngờ là quân Ngụy”. Tôi biết thừa tên lính ngụy định lừa mình, nên tôi chẳng khai gì cho gã” - Ông Cờ kể.

Thời điểm đó, ông bịa rằng quê mình ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (tức tỉnh Thái Nguyên bây giờ), nhưng chúng lọc lõi hỏi cụ thể thì ông Cờ khai mình ở Làng Mè.

Trong thời gian hơn 3 năm tù đày, ông Cờ bị kẻ thù liên tiếp chuyển qua 3 nhà tù: 1 năm ở nhà tù Pleiku (tỉnh Gia Lai), năm rưỡi ở nhà tù Biên Hòa ( tỉnh Đồng Nai) và một năm ở trại giam Phú Quốc.

Ông Cờ tường thuật: “Mỗi nhà tù lại có những đòn tra tấn khác nhau, dã man và ám ảnh cả cuộc đời. Trong số đó, ông Cờ ấn tượng hơn hết khu nhà tù ở Phú Quốc.

Tại đây, những tên ngụy tra khảo, thậm chí dùng đinh 12 phân đóng xuyên đầu gối, dùng dao xẻo từng thớ thịt trên cơ thể ông. Cựu tù binh cách mạng Hoàng Văn Cờ bảo, những năm tháng sống lầm lũi trong tù với ông không khác gì “địa ngục trần gian”.

Và đúng như dự đoán, cuối cùng cuộc kháng chiến của ta cũng dành được thắng lợi. Để rồi đúng ngày 23/3/1973, trên một chuyến trực thăng tiến về bờ sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) ông được trao trả tù binh.

10 năm đằng đẵng nơi chiến trường, bị bắt giam hành hạ, cũng là chừng ấy thời gian mà người vợ ở quê nhà chờ đợi trong khi tuổi xuân chẳng đợi chờ. Ban đầu trở về, ông Cờ vẫn ngờ ngợ vợ mới cưới năm đó đã đi lấy một người khác, nhưng thực tế thì không.

Bà Hoàng Thị Cận (SN 1945, vợ ông Cờ) cho hay, trong khi chồng bà chiến đấu ở chiến trường bà cũng tìm cho mình một công việc để phụng sự tổ quốc, phần cũng là để đợi chờ người chồng.

Đó là công việc chữa trị cho người bệnh, chữa trị cho những chiến sĩ bị thương được đưa về từ nơi chiến trận.

Hiện tại, mặc dù chiến tranh chống quân xâm lược đã lùi về quá khứ, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau như cứa vào da thịt của vợ chồng ông Cờ - bà Cận. Đó là chuyện con trai cả của họ vô sinh, con trai thứ 3 một tay bị teo không thể cử động, tất cả là do chất độc mang tên Màu Da Cam.

Ông Dương Văn Tâm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hương Sơn - cho biết: “Ông Cờ là một cựu chiến binh tham chiến trong thời điểm ác liệt nhất. Nhưng hiện tại, một số chế độ mà ông Cờ vẫn chưa được hưởng, đặc biệt là chế độ tù đày, thủ tục quá phức tạp”.

Theo Pháp Luật Plus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ