(GD&TĐ) - Ngày 21/5, Tổng thống Thein Sein đã trở thành nguyên thủ đầu tiên của Myanmar được tiếp kiến tại Nhà Trắng sau gần 50 năm qua. Chuyến công du Washington của Thein Sein được giới phân tích ghi nhận là chuyến công du lịch sử, bởi nó sẽ mở ra một bước ngoặt lớn đối với Myanmar.
Cái tên Thein Sein vừa được xoá khỏi “danh sách đen” cấm đến Mỹ từ tháng 9 năm ngoái. Vậy mà giờ đây, con người ấy đã được nghênh tiếp trọng vọng tại Nhà Trắng. Không ít các chính trị gia bảo thủ ở Mỹ phản đối cái mà họ gọi là “hành động vội vã” của Tổng thống Barack Obama khi đón tiếp Thein Sein vào thời điểm này. Tuy nhiên, nếu cổ xuý cho xu hướng đổi mới - xu hướng cải cách chính trị ở Myanmar trong 2 năm qua thì đây là quyết định đúng đắn.
Không phải ngẫu nhiên mà 6 tháng trước Barack Obama đã chọn Myanmar là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ở nhiệm kỳ 2. Giới phân tích cũng gọi chuyến thăm Myanmar của Barack Obama là chuyến đi lịch sử. Trong bài diễn văn của mình tại thủ đô Yangon, Barack Obama khẳng định: “Hôm nay tôi đến đây để giữ lời hứa và chìa bàn tay hữu nghị. Tuy nhiên, cuộc hành trình đáng nhớ này chỉ mới là khởi đầu và đoạn đường phải đi hãy còn xa...”. Đúng là như vậy, để thay đổi một thể chế chính trị của một quốc gia nhất là ở Myanmar không phải là chuyện một sớm một chiều. Có một điều chắc chắn rằng Myanmar sẽ là hình mẫu, là điểm nhấn trong chiến lược trở lại châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ do Barack Obama khởi xướng.
Cái bắt tay đầy tình hữu nghị của Barack Obama và Thein Sein tại Nhà Trắng |
Về hình thức, sau chuyến công du Myanmar của Barack Obama, Mỹ và EU đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp cấm vận đối với nước này. Món quà đầu tiên cùng với “bàn tay hữu nghị” mà Barack Obama chìa ra là 170 triệu USD viện trợ cho Myanmar. Sau đó là hàng loạt các cuộc giao dịch tài chính, thương mại được hai bên xúc tiến. Tuy nhiên, về bản chất, Mỹ muốn kéo Myanmar vào quỹ đạo của mình. Với vị thế địa chính trị quan trọng nằm giữa hai gã khổng lồ của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, việc Mỹ chọn Myanmar là điểm nhấn trong chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương là giải pháp tối ưu.
Trong cuộc hội đàm cấp cao tại Nhà Trắng, Tổng thống Thein Sein cho rằng Myanmar đang ở giai đoạn đầu của cuộc cải cách dân chủ. Chính vì vậy, nước ông có nhiều điều cần phải học hỏi, cần phải có quyết tâm tiến về phía trước và cần tới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Tổng thống Barack Obama khẳng định, có được sự thay đổi trong quan hệ giữa hai nước thời gian gần đây là nhờ có sự lãnh đạo của ông Thein Sein trong cải cách chính trị, kinh tế. Tổng thống Barack Obama hối thúc nhà lãnh đạo Myanmar phải hành động mạnh mẽ hơn để chặn đứng những vụ bạo động nhằm vào người Hồi giáo ở miền Tây Myanmar.
Tổng thống Myanmar Thein Sein kết thúc chuyến công du nước Mỹ bằng một hiệp định thương mại với Chính phủ Mỹ.
Điều quan trọng là Thein Sein muốn Mỹ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt còn lại đối với sản phẩm của họ và kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tích cực đầu tư vào nước này.
Chuyến công du nước Mỹ đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Myanmar đã ghi nhận những đổi thay nhanh chóng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Gần 50 năm qua, những chính sách cấm vận hà khắc của Mỹ và phương Tây đã đẩy Myanmar lại gần với Trung Quốc. Vào thời điểm hiện tại, trong số 42 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar có tới 1/3 là từ Trung Quốc. Trong số đó phải kể đến đường ống dẫn dầu từ vịnh Bengal về tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là con đường ngắn nhất vận chuyển dầu từ Trung Đông về Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền Myanmar thực sự lo ngại nạn di dân từ Trung Quốc sang. Theo con số thống kê, vào thời điểm hiện tại có khoảng 2 triệu người Trung Quốc đang định cư ở Myanmar. Tại thành phố Mandalay có cả một khu người Hoa đông đúc. Tuy nhiên, giới quân sự cầm quyền ở Myanmar đã nhanh chóng hiểu ra rằng, một đất nước giàu tài nguyên như Myanmar vẫn phải sống trong đói nghèo vì những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Quan hệ với Bắc Kinh không giúp họ rộng đường phát triển. Cải cách chính trị, cải cách kinh tế không chỉ là khẩu hiệu mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim” của người Myanmar.
Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Thein Sein đến Mỹ được coi là biểu tượng. Giờ là lúc các quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước sẽ lên ngôi. Theo nhận định của bà Aida Simonya, Viện nghiên cứu phương Đông, Viện HLKH Nga thì cứ đà này, Myanmar sẽ trở thành “con rồng của châu Á” và nơi đây sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Duy Long (TH)