Tạm quên đi số tiền khổng lồ chi phí cho ca ghép, cô vẫn đợi phép màu sẽ đến khi quyết định hiến tặng 59% lá gan của mình để chồng cô được “tái sinh”...
Nghĩa phu thê...
Đến với nghề như một lẽ tự nhiên khi hầu hết các anh chị em của cô Nguyễn Thị Nam Thanh (SN 1978, người dân tộc Cao Lan) đều theo nghề giáo.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (Khoa Sinh học), cô Thanh được phân công giảng dạy tại Trường THPT Tân Lạc (Hòa Bình). Đến nay, cô đã có 19 năm gắn bó với nghề gieo chữ ở mảnh đất này. Ngần ấy năm cống hiến, cô luôn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, nhiều năm liền có học sinh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia và đạt nhiều giải cao.
Mảnh đất Tân Lạc cũng là nơi cô Thanh nên duyên với người chồng hiện tại là anh Đồng Tiến Thảo (SN 1978, Thanh Hóa). Nhớ về mối lương duyên ngày nào, cô Thanh cho biết: “Ngày đó tôi là giáo viên trẻ mới ra trường. Trong một dịp tình cờ giao lưu với một đơn vị bộ đội, được gặp gỡ và giao lưu với anh”.
Sau những lần trò chuyện tâm đầu ý hợp, được anh Thảo tận tình quan tâm đã khiến cô giáo trẻ động lòng cảm mến. “Là con gái nhiều lần khóc vì xa nhà, tôi thường được anh động viên. Lời cầu hôn của anh khi đó giản dị lắm. Anh nói “Hay là mình lấy nhau nhé, để anh chăm sóc em”, cô Thanh bộc bạch.
Vẻ ngoài hiền lành chất phác, cùng cách nói chuyện từ tốn của anh Thảo đã khiến cô giáo trẻ đặt niềm tin. Tình yêu bình dị và chân thành của họ thêm bền chặt bằng hôn lễ vào đúng ngày Tết Dương lịch của 15 năm trước.
Sau hôn lễ, cặp vợ chồng trẻ ở trong khu tập thể giáo viên của Trường, căn phòng tạm được hai vợ chồng gia cố vừa đủ để họ vừa tiện sinh hoạt và chăm con nhỏ. “Đến với nhau chỉ hai bàn tay trắng, thứ chúng tôi có duy nhất là tình cảm dành cho nhau”, cô Thanh bộc bạch. Cho đến khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, gia đình cô Thanh được cấp một mảnh đất rồi họ tích cóp theo năm tháng để có được căn nhà cấp 4 vừa đủ cho gia đình vợ chồng và hai đứa con. Con gái đầu của cô năm nay đã bước sang tuổi 15, còn cháu thứ 2 cũng vừa tròn 12 tuổi.
Cuộc sống cứ bình yên trôi qua. Anh Thảo vẫn luôn tranh thủ về thăm nhà, chăm sóc vợ con sau những đợt công tác dài ngày. Phần lớn thời gian, anh đi vắng nên một tay cô Thanh gánh vác việc nhà, từ chăm sóc cho đến dạy con học bài. Gia đình đôi bên nội ngoại đều ở xa, nên cô Thanh cũng chẳng biết trông cậy vào ai. Bỗng một ngày, cả gia đình phát hiện anh Thảo mắc bệnh nặng. Mọi sự bình yên của gia đình bỗng chốc đảo lộn hoàn toàn.
Cơn bạo bệnh ập đến bất ngờ
Trong một lần anh Thảo về thăm nhà, bỗng thấy sắc mặt của chồng khác lạ, cùng biểu hiện kém ăn, mệt mỏi nên cô Thanh viên chồng khăn gói lên Bệnh viện 103 khám xét tổng thể.
“Thời điểm tôi đưa chồng đi khám, chỉ mang theo một bộ quần áo vì nghĩ rằng anh điều trị vài hôm sẽ về. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu anh nhập viện gấp. Lúc đó tôi có chút lo lắng nhưng vẫn trấn an chồng vì anh vốn sợ viện, trạm. Sau đó mới hộc tốc chạy về thu dọn đồ dùng cá nhân cho chồng, động viên, dặn dò bọn nhỏ ở nhà chăm nhau”, cô Thanh chia sẻ.
Sau 3 ngày trở lại bệnh viện, xung quanh giường bệnh anh Thảo nằm, máy móc xếp ngổn ngang để hỗ trợ điều trị. Khắp cơ thể anh, dây dợ bố trí chằng chịt. Cô Thanh hoảng hốt, nghĩ đến chuyện chẳng lành. Nghe bác sĩ truyền đạt lại thì chồng cô bị suy gan nặng, phải lọc máu khẩn cấp. Cô suy sụp hoàn toàn. Dù được điều trị tích cực, song anh Thảo không đáp ứng được liệu trình điều trị khiến thể trạng suy nhược. Có lúc còn rơi vào tình trạng mê sảng. Quá lo lắng cho chồng, cô giáo với cân nặng chỉ vỏn vẹn hơn 30kg này lại gầy yếu đi nhiều.
Cô Thanh vẫn nhớ như in lời bác sĩ truyền lại hôm đó. Nó như tiếng sét đánh ngang tai: “Hiện tình trạng của anh nguy kịch. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp điều trị tốt nhất là lọc máu nhưng bệnh nhân không đáp ứng. Lọc máu lâu ngày sẽ đi vào hôn mê sâu và tử vong. Trường hợp này chỉ có phương án ghép gan. Tuy nhiên, chi phí ghép gan rất lớn. Nếu ghép ngoài chi phí 2,2 tỷ đồng. Nếu người nhà có gan tương thích thì chi phí là 1,2 tỷ đồng”, cô Thanh nhớ lại.
“Khi ấy, tôi tuyệt vọng thực sự, không biết làm thế nào bởi lúc đó chỉ có một mình. Tôi như chết đứng. Khi bác sĩ hỏi có quyết tâm chữa không, tôi nói “quyết tâm”. Thế nhưng thực lực khi ấy có hạn, số tiền quá lớn, cả cuộc đời tôi đi làm cũng không đủ”, cô Thanh kể tiếp.
Để duy trì sức khỏe và thực hiện ca ghép gan tốt nhất, anh Thảo được chuyển đến Bệnh viện 108. Xoay sở tiền viện phí, cô Thanh cố giấu nỗi lo để động viên để chồng tích cực điều trị. Trong khi bệnh viện liên tiếp hối thúc, mọi việc phải thực hiện hết sức khẩn trương vì chậm phút nào, tỷ lệ rủi ro lớn thêm chút đó.
“Cả nhà chồng tôi cùng vào cuộc. Ai cũng đến thử nhưng khổ nỗi chẳng tìm được mẫu gan tương thích để hiến tặng. Bế tắc, mọi người khuyên tôi đưa anh về nhà chăm sóc, chờ số phận an bài. Bởi, nếu ca mổ thành công thì sự sống cũng chỉ kéo dài 3 - 5 năm, trong khi gánh nặng kinh tế quá lớn… Tôi đã phải tự đấu tranh với chính mình. Không đành lòng bỏ cuộc nên cứ cố để anh được điều trị thêm một tuần, còn ở bên anh ngày nào là chăm sóc anh ngày đó”, cô Thanh nghẹn ngào.
“Xé” gan, cứu chồng...
Trong phút bất lực ấy, cô Thanh chưa phút nào nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc. Suy nghĩ lúc đó chợt loé lên, nếu gan của vợ tương thích có thể hiến gan cứu chồng. Dù cơ hội này rất mong manh nhưng cô Thanh vẫn quyết tâm xét nghiệm. “Lúc đó tôi quyết định đi kiểm tra trong tâm trạng còn nước còn tát, còn một tia hi vọng tôi cũng không muốn bỏ lỡ”, cô Thanh tâm sự.
Như ánh sáng ở cuối đường hầm, tế bào gan của cô Thanh tương thích với chồng. Lúc này, cô tiếp tục xoay xở tìm kiếm tất cả những mối quan hệ có thể nhờ cậy cùng anh em người thân, đồng nghiệp vay mượn, lo đủ số tiền cọc 700 triệu đồng để anh Thảo được vào phòng mổ.
Trưa 24/12/2021, cả hai vợ chồng cùng trên chiếc giường bệnh vào phòng mổ. Nửa đêm, cả hai cùng hồi tỉnh qua cơn đại phẫu. Ca cấy ghép gan được các bác sĩ bệnh viện 108 thực hiện thành công.
Nằm trên giường bệnh với ống tiêm và máy móc xung quanh, cô Thanh cho biết đến giờ phút này cô không thể tin được mình vừa trải qua một cuộc đại phẫu khi phải cắt đi lá gan bên phải, tương đương 59% toàn bộ gan để cứu chồng.
Duyên chồng vợ giữa họ không chỉ tính bằng những ngày tháng đau ốm có nhau mà còn là hi sinh cả một phần cơ thể để cùng nhau qua cơn sinh tử. Sau cuộc đại phẫu, cả hai chỉ kịp nhìn nhau, nghẹn ngào rơi lệ mà chưa thể cất lên lời. Họ dường như được động viên vì “nửa kia” đã vượt qua thời khắc cam go nhất.
Chia sẻ tại Bệnh viện 108, chị Nguyễn Hồng Thảo (chị gái cô Thanh) cho biết: “Hiện, sức khỏe của hai vợ chồng đã khá hơn. Thanh sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Chồng Thanh sẽ tiếp tục điều trị tại bệnh viện, dự kiến sẽ xuất viện khi sức khỏe tốt hơn, có thể trong 1 tháng tới”.
“Đến giờ phút này thật sự may mắn, chỉ chậm một chút thôi có thể chồng Thanh không cứu được mạng sống. Theo bác sĩ nói, sức khỏe 2 vợ chồng Thanh phục hồi tốt, nhưng cần rất nhiều chi phí cho hậu phẫu và cả ca ghép vừa rồi. Gia đình đang rất lo lắng về chi phí cho cuộc đại phẫu của hai vợ chồng”, chị Thảo tâm sự.
Cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc nhận định: Cô Thanh là giáo viên cốt cán của Trường. Trong quá trình công tác, cô luôn nỗ lực và nhiệt huyết với công việc. Nhiều năm liên tiếp, cô là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô là tấm gương đi đầu trong đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Ngoài ra, cô còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Trường.
Nhận được tin chồng cô Thanh lâm bệnh nặng, Công đoàn Trường cùng đồng nghiệp đã quyên góp vật chất ủng hộ. Có nhiều người còn đứng ra vay mượn tiền giúp để cô Thanh kịp ứng viện phí. Khi vợ chồng cô Thanh vào phòng mổ thì cũng là lúc giáo viên toàn trường phát động quyên góp đến học sinh. Tất cả được thực hiện với tinh thần “khẩn cấp hỗ trợ”. “Có những học sinh và phụ huynh gom từng nghìn lẻ để quyên tặng cô. Tuy số tiền không lớn, nhưng đó là cả tấm lòng của mọi người, chỉ với mong muốn cho vợ chồng cô Thanh được bình an”, cô Hiền bộc bạch.
Chia sẻ về khoảnh khắc vượt cửa tử, cô Thanh nói: “Với vợ chồng tôi, đó như một phép màu. Tôi không biết cảm ơn mọi người như thế nào cho đủ, vì trong phút giây hoạn nạn ấy, lại được sự động viên, chung tay cả tinh thần lẫn vật chất từ đồng nghiệp, người thân, phụ huynh và đông đảo học sinh”, cô Thanh nghẹn ngào tâm sự.
Sau cuộc đại phẫu lớn, gia đình cô Thanh gần như kiệt quệ về kinh tế. Vợ chồng cô đang tính sẽ bán đi căn nhà nhỏ để trang trải viện phí.