Chuyện cô hiệu trưởng bốc thuốc chữa bệnh vô sinh

Là hiệu trưởng một trường tiểu học, nhưng sau giờ đến trường, cô Huệ lại tranh thủ thời gian khám bệnh, bốc thuốc gia truyền chữa bệnh vô sinh.

Thầy lang Quách Thị Huệ.
Thầy lang Quách Thị Huệ.

Trị hiếm muộn cho người không có tinh trùng?

Đến xã Hải Vân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) hỏi thăm cô Huệ thuốc nam, từ đứa trẻ đến người già đều nhiệt tình chỉ dẫn. Cô Huệ trước là Hiệu trưởng trường tiểu học xã Hải Vân. Từ lúc mới vài tuổi, cô đã theo bà, theo mẹ lên rừng tìm cây thuốc. Năm 1991, khi mẹ đẻ của cô bị tai nạn ốm yếu, cô bắt đầu thay mẹ đảm nhận việc bốc thuốc gia truyền.

Cô nhớ lại: “Lúc đó, người dân nơi đây không biết đến trạm xá, hay bệnh viện lớn, mỗi khi ốm đau đều trông chờ vào những thầy thuốc như tôi. Vì thế, tôi không có thời gian nghỉ ngơi, buổi trưa, chiều đi dạy về là tranh thủ khám bệnh cho mọi người, cuối tuần lại cùng chồng và các con lên rừng tìm cây thuốc”.

Hiện tại, để có đủ số lượng thuốc nam đáp ứng cho bệnh nhân, cô Huệ phải huy động tất cả anh em trong nhà tham gia việc cung cấp thuốc. Ngoài việc tận dụng thuốc có trên rừng tại địa phương, số lượng còn lại sẽ được mua gom từ các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình...

Những bài thuốc của cô chỉ gồm 3 - 10 vị, nhưng hiệu quả thấy rõ, nhất là với bệnh hiếm muộn. Cô Huệ chia sẻ: “Với bệnh vô sinh ở nam giới, tinh trùng yếu 50% - 60% chỉ cần uống thuốc một tháng thì cơ hội đậu thai là rất cao. Nếu tinh trùng còn từ 1% trở lên thì thời gian chữa sẽ lâu hơn. Trường hợp tinh trùng chết hoàn toàn điều trị phức tạp hơn, bệnh nhân phải uống thuốc 5 – 6 tháng”.

Bài thuốc gia truyền của cô Huệ đã giúp nhiều cặp vợ chồng được hưởng niềm vui làm cha, làm mẹ. Kỷ niệm đáng nhớ mà cô vẫn thường nhắc đến là lần điều trị cho một cặp vợ chồng ở thôn Nhật Tân, xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia cách đây tròn 20 năm. Hai vợ chồng lấy nhau được 10 năm, sống và làm việc ở nước Đức, chạy chữa nhiều nơi vẫn chưa có con. Đến khi về nước, chỉ uống mấy thang thuốc do cô Huệ bốc trong 2 tháng, đã sinh được cô con gái đầu lòng đặt tên là Mai Huệ Công.

Đáng chú ý, ở làng Ngọc Bản, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, Thanh Hóa có đến gần chục cặp vợ chồng hiếm muộn đã được hưởng niềm hạnh phúc làm cha, làm mẹ nhờ bài thuốc gia truyền của cô Huệ.

Làm ơn há để trông người trả ơn

Trong quá trình làm việc, cô Huệ phân chia nhóm bệnh để điều trị rất khoa học. Bệnh viêm khớp, thoái hóa xương, bệnh gút chữa cùng một lúc. Nhóm bệnh gan nhiễm mỡ, sỏi thận, sỏi mật, viêm gan, dạ dày, đại tràng, tá tràng sẽ kết hợp điều trị cùng nhau.

Một bệnh nhân của cô Huệ là ông Minh nhà ở khu đô thị Bình Minh, TP.Thanh Hóa bị gút lâu năm, uống đến thang thuốc thứ 4 do cô Huệ bốc thấy đau nhức dữ dội. Lo sợ, ông đi khám tại bệnh viện tỉnh thì nhận được kết quả ngoài mong đợi, bệnh gút của ông đã khỏi hẳn.

Cô Huệ tươi cười cho biết thêm: “Cứ 10 người thì 8 người khi uống thuốc sẽ cảm thấy xương khớp đau nhức, 2 người còn lại bệnh tự mất đi mà không có cảm giác đau đớn”. Những căn bệnh như khớp teo cơ, uống 3 tháng sẽ khỏi, hơn tháng sẽ đi lại được.

Cô còn nhớ bệnh nhân Hà Thị Hoàn - người cùng xã bị bệnh to lách, sau kéo theo viêm phổi, suy tim, xơ gan, nang thận. Chị Hoàn đi viện nhưng bị trả về, gia đình đã chuẩn bị tinh thần lo hậu sự. Khi cô Huệ đến thăm, người bệnh nhân sưng phù chỉ nằm chờ chết, thấy “còn nước còn tát” cô vội đi kiếm một số vị thuốc lá tươi giã cho chị Hoàn uống.

Được vài tiếng, nhiệt độ người bệnh từ 40oC hạ xuống 38,5oC, đến đêm đã đi vệ sinh được. Xem xét bệnh tình có chiều hướng tốt lên, cô Huệ tiếp tục cho uống thuốc với chế độ kiêng cữ nghiêm ngặt trong đúng 3 tháng 10 ngày, tuyệt đối không được ăn muối chỉ được ăn thịt nạc và một số loại rau.

“Từ sau trận ốm thập tử nhất sinh năm ấy, chẳng thấy cô Hoàn ốm đau thêm lần nào. Giờ cô ấy khỏe mạnh lắm, còn chạy chợ được nữa đấy”, cô Huệ vui mừng nói.

Cô thường bảo, tiền lương hưu cũng đủ cho cô tiêu dùng rồi nhưng cô vẫn tiếp tục bốc thuốc với mong muốn được giúp đỡ mọi người. Một thang thuốc của cô bán với giá 20 nghìn đồng, người bệnh có gia cảnh khó khăn cô giúp đỡ không lấy tiền. Chính nhờ những việc làm trên, cô Huệ đã vinh dự được nhận giấy khen là Người dân tộc thiểu số tiêu biểu do huyện nhà tổ chức vào tháng Sáu vừa qua.
Theo Người đưa tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ