Tận thấy Giáng hương
Không những ăn uống kham khổ, cán bộ nhân viên lâm trường còn phải ngủ nhờ lán để giữ rừng. Ảnh: Minh Triều |
Gần 1 giờ đồng hồ đường rừng, chúng tôi lần đầu tiên được tận mắt thấy những cây gỗ giáng hương cổ thụ. Theo anh Vinh cho biết thì giáng hương có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, là một loài cây họ đậu, một loài cây bản địa của vùng Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia.
Ở Việt Nam, chúng được phân bố ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cây Giáng hương quả to có chiều cao trung bình từ 10 mét đến 30 mét, đường kính thân cây có thể lên đến 1,7 mét.
Ngoài tên gọi là giáng hương ra, chúng còn được gọi là: giáng hương quả to, giáng hương căm-pôt, giáng hương chân, song lã. Gỗ giáng hương quả to được xếp vào nhóm I vì khá đẹp, có mùi thơm nhẹ, cứng, vân hoa đẹp, ít nứt nẻ, không bị mối mọt.
Trước kia, rừng Kbang có rất nhiều loại gỗ quý, đầu tiên phải kể đến Huỳnh đàn hay còn gọi là gỗ Sưa, tiếp đến là gỗ trắc. Nhưng hiện tại đã không còn tồn tại hai loại gỗ nói trên, nếu còn chỉ là những cây chưa đủ để khai thác.
Giờ đến lượt cây gỗ giáng hương, do lợi nhuận cao mà lâm tặc trong và ngoài tỉnh luôn tìm mọi cách lén lút xâm nhập hoặc xúi giục thanh niên địa phương khai thác và vận chuyển trái phép ra khỏi địa bàn.
Có thời điểm nóng, lâm tặc đã triệt hạ, chặt phá cùng lúc 27 cây gỗ giáng hương cổ thụ. Chính vì vậy gỗ giáng hương hiện chỉ còn phân bố lốm đốm theo kiểu da báo trên 30 khoảnh của 7 tiểu khu thuộc địa bàn các xã Krong, Đak Krong, Sơn Lang.
Trên suốt chặng đường đi sâu vào rừng, anh Vinh cứ nằng nặc đưa chúng tôi đến thăm lán, xem nơi ăn chốn ở của các anh em ở đây như thế nào nhưng thật ra anh muốn chia sẻ một niềm vui khác với chúng tôi, đó là việc anh em trực giữ rừng sắp có nhà để ở.
Dù đó chỉ mới là một mảnh đất trống và vài miếng gỗ được tập kết ở đây, nhưng ai nấy đều vui như thể ngôi nhà ấy đã hoàn thành từ bao giờ.
Tiếp lời đồng nghiệp, anh Lô Đình Hồ - Cán bộ lâm trường phụ trách khu vực “trọng điểm” này - chia sẻ thêm: Hiện tại anh cùng 1 đồng nghiệp khác canh giữ giáng hương ở đây chưa có chỗ để ở, một số các anh phải ngủ nhờ lán của người dân tộc thiểu số dựng lên để canh rẫy.
Ngoài công việc giữ rừng các anh còn kiêm luôn cả việc “giữ rẫy” bất đắc dĩ, tuy vậy được cái là có chỗ chui ra chui vào và nghỉ ngơi sau mỗi lần đi kiểm tra, nếu không chỉ còn cách ngủ võng. Với phương châm giữ rừng tận gốc nên anh em phải thế.
Gian nan giữ giáng hương
Một phần nu hương đã bị lâm tặc tiện mất. Ảnh: Minh Triều |
Do mỗi khi đốn hạ cây thường gây ra tiếng động lớn do cây gãy đổ phát ra, nên lâm tặc đã “phát minh” ra cách xẻ từng hộp gỗ trên thân cây mà cây không ngã, cứ thế “róc thịt” dần những cây gỗ hương.
Với từng mảng gỗ vuông vức được xẻ ra trên cây thẳng đứng, chúng dễ dàng gùi hay di chuyển bằng xe máy độ chế... Để đối phó với việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ rừng, bọn lâm tặc còn sáng chế ra một kiểu “giảm thanh” cho tiếng nổ của cưa máy.
Đó là một ống nhựa được nối dài thêm vào nơi phát ra tiếng động của cưa máy (pô) rồi cắm đầu ống kia xuống nước hoặc đào lỗ sâu dưới đất rồi cho đầu ống này xuống, càng sâu càng tốt.
Do vậy, cán bộ lâm trường phải đến rất gần mới có thể phát hiện ra được. Chỉ vào gốc hương có đường kính hơn 1,6 mét đã mất đi 2 mảng gỗ lớn, anh Vinh cho biết: Chỉ cần chúng tôi đến muộn hơn 10 phút là cây hương cổ thụ lớn nhất khu rừng này đã không còn.
Những cây gỗ hương cổ thụ như thế này luôn là mục tiêu mà bọn lâm tặc rình rập, tìm cách xẻ thịt. Ảnh: Minh Thi |
Đưa tay gỡ chiếc mũ cối đang đội trên đầu, anh Vinh còn chỉ cho chúng tôi xem vết thương hãy còn rất mới. Đó là hậu quả của một lần anh đối mặt với lâm tặc.
Anh Vinh kể: Sau khi xịt hơi cay và khống chế được một tên trong nhóm lâm tặc thì tên này xin được rửa mặt cho bớt cay mắt. Thế nhưng chính vì lòng thương người mà anh bị tên này dùng đá ném trúng đầu, phải cấp cứu với vết may 8 mũi trên đầu.
Còn anh Lô Đình Hồ thì khác, anh không nhớ nổi số lần bị chúng vây hãm hăm dọa, chỉ nhớ đến lần gần đây nhất là anh bị tẩn một trận đến mức phải nhập viện.
Vậy nhưng số cây gỗ hương cổ thụ bị mất lại tỷ lệ nghịch với việc ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm, số vụ lâm tặc bị bắt, bị khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi “khi lực lượng ứng phó đến nơi thì chúng đã kịp thời cao bay xa chạy...”- Anh Vinh bức xúc.
Một cán bộ lâm trường cũng không ngần ngại chia sẻ, nếu giá gỗ hương bằng giá gỗ sưa, chắc chắn những cây gỗ hương này không còn tồn tại ở đây.
Chiều dần xuống mà những cây chuyện vẫn còn rất dài. Nhìn làn khói bay lên giữa khu rừng vắng trong chiều nhạt nắng, nồi cơm được bắc trên mấy hòn đá chông chênh, tạm bợ, con cá khô ươm giòn trong ánh lửa cạnh những nụ cười bỗng thấy các anh như các chiến sĩ trong những trận đánh năm xưa.
Chỉ khác một điều đây chỉ là một cuộc chiến giữ rừng, nhưng mức độ khốc liệt, nguy hiểm cũng chẳng hề thua kém. Một câu nói của một chàng tân binh vừa mới gia nhập vào đội quân giữ rừng cứ ám ảnh chúng tôi trong suốt chuyến đi này: “Chắc hết tuần này em xin nghỉ, công việc như vầy em không kham nổi".