Chuyện buồn ở bản “bốn không, một có”

GD&TĐ - Nhiều người gọi Nậm Nó 2 (xã Trung Chải, Nậm Nhùn, Lai Châu) là bản “bốn không, một có” bởi ở đây lợn, gà, trâu bò, ngựa dê dường như không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết. Duy chỉ có con người ngày qua ngày cứ nảy nở, sinh sôi như đàn gà “siêu trứng”. Tập tục sinh con trai để nối dõi đã “vắt” kiệt sức của người phụ nữ dân tộc Mảng nơi đây khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi...

Lâu lắm rồi trong bản không có tiếng hát mừng nhà mới. Ảnh: T.G
Lâu lắm rồi trong bản không có tiếng hát mừng nhà mới. Ảnh: T.G

Khổ vì hủ tục

Bản Nậm Nó 2 nằm cách trung tâm xã Trung Chải 40 km, là 1 trong 69 bản, thuộc 17 xã nghèo nằm trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc đặc thù (Cống, Mảng, La Hủ và Cờ Lao) của Chính phủ. Đến bản Nậm Nó 2, ai nấy đều có chung cảm nhận, đó là sự heo hút, tiêu điều đến lạ thường. Đi khắp bản chẳng thấy gà, không thấy vịt, cũng chẳng có trâu, bò, ngựa dê như bản vùng cao khác.

Trời nhá nhem tối, Nậm Nó 2 hiện ra trước mắt là những ngôi nhà vách nứa lụp xụp. Ở đây tĩnh mịch đến lạ thường. Không có tiếng “lóc cóc” của mõ trâu xuống núi lúc chiều hôm. Hiếm hoi lắm mới thấy bước chân vội vã với gánh củi trên vai trở về nhà của một vài thanh niên trong bản.

Trong ánh điện lập lòe, bà Lý Thị Nương và các con gái của mình đang chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Bà Nương lấy chồng năm 14 tuổi, trải qua 11 lần vượt cạn, vợ chồng bà có 9 người con, 6 trai, 3 gái, hai người con xấu số không ở lại. Bà Nương không thể nhớ hết mình có bao nhiêu đứa cháu, bởi những người con cũng nối tiếp truyền thống sinh nhiều con của dân tộc mình.

“Ngày đấy đói, khổ lắm nhưng vì phong tục nên vẫn cố đẻ”, bà Lý Thị Nương tâm sự. Vì phong tục tập quán nên những đứa trẻ cứ thế ra đời san sát nhau, tranh nhau vòng tay, hơi ấm và bầu sữa mẹ. Còn những người mẹ trẻ cứ lầm lũi hoàn thành sứ mệnh của mình và cùng đàn con nếm trải những khó khăn, vất vả trong từng bữa ăn, giấc ngủ.

Phụ nữ dân tộc Mảng quanh quẩn ở nhà với đàn con. Ảnh: T.G
Phụ nữ dân tộc Mảng quanh quẩn ở nhà với đàn con. Ảnh: T.G 

Nhọc nhằn đè vai phụ nữ

Bình minh nơi núi rừng phủ kín, không tiếng gà gáy sáng, không vội vã chuẩn bị đi làm nương rẫy, thay vào đó là người già, trẻ nhỏ quẩn quanh ở nhà.

Ở bản Nậm Nó 2, người ta chỉ nhìn thấy sự sinh sôi của con người. Đó là hình ảnh người mẹ chưa đủ tuổi thành niên, sức khỏe yếu ớt, bệnh tật vì phải sinh nở quá nhiều và liên tiếp.

Chị Tào Mê Lêm có dáng người nhỏ nhắn, nước da xanh xao, tiều tụy. Chị Lêm không biết tuổi của mình, cũng chẳng nhớ lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, chỉ biết đã làm mẹ của 7 đứa trẻ. Đứa lớn 14 tuổi và đứa út vừa tròn 4 tháng tuổi. Trong căn nhà xập xệ, ngoài những đứa trẻ lớn bé lít nhít không có thứ gì đáng giá.

“Nhà có 7 đứa con, gạo không có ăn, cái gì cũng không có. Muốn dừng đẻ nhưng chồng bắt phải đẻ”, chị Tào Mê Lêm buồn tủi tâm sự.

Đã 3 năm nay chị Lêm ốm nằm lay lắt trên giường nhưng không được đến bệnh viện chữa trị, thay vào đó là sự ra đời của những đứa trẻ. Người chị gái thương em cũng chỉ biết ngậm ngùi chua xót, vì số phận của chị và những người phụ nữ trong bản cũng không hơn gì.

Cạnh nhà chị Lêm là hoàn cảnh không kém phần éo le của chị Pàn Thị Lưn. 30 tuổi, chị Lưn trải qua hai đời chồng và 6 người con. Việc liên tiếp sinh nở khiến người phụ nữ ở độ tuổi đẹp nhất kiệt sức, bị thiếu máu và thường xuyên ngất xỉu.

Ngay đến việc trông nom các con cũng khó khăn. Chị Pàn Thị Lưn nói: “Chồng bắt phải đẻ nhiều con trai nên mới đẻ. Nhưng bác sĩ bảo nếu đẻ nữa sẽ chết, nên giờ không đẻ nữa đâu, mình ngồi thế này cũng không vững, trong nhà thì không có cái ăn, khổ lắm”.

Đông con, bệnh tật, cuộc sống gia đình chị Lưn như đi vào ngõ cụt. Nghèo đói, anh Lò A Xiên (chồng Lưn) phải mang cho người anh họ đứa con mới 5 tháng tuổi và gửi bớt những đứa trẻ khác sang nhà ông bà nội. Tất cả những nhọc nhằn đó cũng chỉ suy nghĩ phải sinh nhiều con vì dòng họ.

Nghèo đói... bủa vây

Nậm Nó 2 có 37 hộ, gần 230 nhân khẩu, thì có đến 34/37 hộ nghèo. Cả bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay số trẻ học hết lớp 7, còn lại chỉ học hết lớp 3 hoặc có khi thất học, ở nhà phụ giúp gia đình rồi lấy vợ, lấy chồng. Đời này qua đời khác xoay theo vòng luẩn quẩn. Nghèo, đói, thất học vẫn cứ lơ lửng trên mỗi nóc nhà của người dân.

Anh Lò A Tiến, Trưởng bản Nậm Nó 2 nói: “Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều. Thế nhưng bà con chẳng nghe đâu. Họ cứ thi nhau đẻ cho hết trứng. Thế rồi, cái đói, cái nghèo nó cứ đeo bám mãi”.

“Để giúp bà con thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, ưu tiên nguồn hỗ trợ Nhà nước cho nhân dân phát triển kinh tế. Do hủ tục tồn tại lâu đời của đồng bào, thế nên sẽ phải tuyên truyền thường xuyên để giúp đồng bào thay đổi ý thức”, ông Lý A Nhè, Chủ tịch UBND xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn trao đổi.

Với một xã nghèo mà tình trạng sinh con nhiều như ở bản Nậm Nó 2 chưa có dấu hiệu giảm, cái đói nghèo sẽ còn đeo bám, chất lượng giống nòi suy giảm. Tương lai của những đứa trẻ vẫn là một dấu hỏi lớn khi chúng tiếp tục nối gót thế hệ đi trước. Và chắc chắn rằng, để có thể đổi thay, yếu tố quyết định vẫn là nhận thức, nội lực và quyết tâm muốn vươn lên của chính đồng bào người Mảng.

Rời khỏi Nậm Nó 2, hình ảnh những đứa trẻ chân trần, đen nhẻm, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mò mẫm từng bước đi; những người phụ nữ nằm co ro, ánh mắt thất thần và câu nói đã lâu lắm rồi ở bản  này không được nghe tiếng hát mừng nhà mới, những tiếng reo vui cho mùa thắng lợi, mà chỉ có tiếng kêu rên của bệnh tật, đói nghèo, cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.