Chụp X - quang: Chỉ định dễ dãi, quy trình lỏng lẻo

Chụp X - quang: Chỉ định dễ dãi, quy trình lỏng lẻo

(GD&TĐ) - Chụp X - quang đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiện nay. Tuy nhiên, do sử dụng tia X nên việc chỉ định hay quy trình chụp X - quang, nhất là với những đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ mang thai, cần kiểm soát chặt chẽ. Những bức xúc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xung quanh câu chuyện chụp X-quang cho thấy đã đến lúc cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về vấn đề này. 

Chất lượng phim chụp X - quang kém: Hậu quả khôn lường!

Đến bây giờ, chị Hà Minh (phố Liên Trì – Hà Nội) vẫn ân hận vì ngay từ đầu đã không cho con đến khám “đúng địa chỉ”, mà lại lựa chọn phòng khám tư nhân cho nhanh, cho tiện, để đến nỗi con chị bị bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu. Đợt đó, con chị Minh bị ho, sổ mũi dài ngày, kèm theo nôn trớ nhiều, chị Minh cho con đi khám ở một phòng khám tư trên phố Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bác sĩ chỉ định cho con chị chụp X-quang vì nghi ngờ cháu bị viêm phế quản phổi, nhưng hình ảnh phim chụp cho thấy phổi của cháu hoàn toàn bình thường. Do vậy, bác sĩ kết luận con chị Minh bị viêm mũi, viêm họng cấp. 

Chụp X - quang: Chỉ định dễ dãi, quy trình lỏng lẻo ảnh 1
Chụp X - quang cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn 

Nhưng uống hết đợt kháng sinh bác sĩ kê, con chị Minh vẫn không hết bệnh, các biểu hiện cũng không đỡ. Chị Minh tiếp tục cho con đi khám lại ở phòng khám tư nói trên. Bác sĩ lại chỉ định cho con chị chụp X - quang một lần nữa, kết quả vẫn là “phổi của cháu không có vấn đề gì”. Hai hôm sau, khi con chị bị sốt cao, đêm ngủ nôn nhiều, ho nặng tiếng, có biểu hiện khó thở, chị Minh vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc này, con chị đã bị viêm phổi nặng, phải nhập viện cấp cứu ngay. 

Điều đáng nói là khi chụp phim X - quang tại bệnh viện, kết quả cho thấy phổi của con chị Minh bị tổn thương rất rõ. Chị Minh đã cẩn thận mang theo phim chụp của những lần trước cho bác sĩ xem thì được giải thích: Đúng là căn cứ vào những tấm phim này thì phổi của con chị không có vấn đề gì. Nhưng tình trạng bệnh thực tế cho thấy cháu đã bị viêm phổi khá lâu. Do đó, có khả năng phim chụp X - quang của phòng khám tư mà chị Minh cho con đến khám là không chính xác. Trong thực tế, có không ít trường hợp phải chụp lại phim X - quang do phim cũ bị hỏng, hoặc chất lượng hình ảnh không phản ánh đúng thực tế, dẫn đến những sai lệch trong chẩn đoán. Chính vì vậy, khi chẩn đoán bệnh, các bác sĩ luôn phải dựa vào nhiều phương pháp khác nhau như lâm sàng, cận lâm sàng...

Theo tài liệu về chẩn đoán hình ảnh của Đại học Y Hà Nội, chất lượng hình ảnh y học nói chung, của phim chụp X - quang nói riêng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp ghi hình, đặc điểm của thiết bị, người vận hành kỹ thuật... Do đó, chỉ cần một trong những yếu tố trên không đảm bảo, chất lượng phim chụp X - quang sẽ bị ảnh hưởng.

Chỉ định dễ dãi, quy trình lỏng lẻo

Ông Đặng Thanh Lương – Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học & Công nghệ - cho biết, mỗi người không nên chụp X-quang quá 3 - 5 lần một năm; chụp X-quang cần có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. 

Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình chụp X - quang cho trẻ nhỏ
Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình chụp X - quang cho trẻ nhỏ

Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, nhất là các phòng khám tư nhân hiện nay, nhiều bác sĩ đang có chỉ định chụp X - quang khá dễ dãi đối với bệnh nhân. Thậm chí, bệnh nhân đau đầu, đau bụng cũng chỉ định chụp X - quang...

Mặt khác, theo quy định về an toàn trong chụp X - quang, không được để những người không phận sự ở trong phòng chụp X - quang. Trong trường hợp trẻ em cần có người lớn đi kèm để giúp đỡ thì người giúp bệnh nhân không nên ở lâu trong phòng, tránh việc phải chịu tia phóng xạ không cần thiết... Thế nhưng, theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Nhưng (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội), ngay tại hai bệnh viện tuyến Trung ương mà chị đã từng đến khám hoặc đưa người nhà đi khám, vẫn có hiện tượng kỹ thuật viên cùng một lúc gọi mấy bệnh nhân vào phòng chụp phim X - quang. Vì thế, trong khi chờ đến lượt mình chụp, không chỉ bệnh nhân chụp sau mà cả người nhà của họ đều phải chịu một liều lượng phóng xạ không cần thiết ảnh hưởng lên cơ thể.

Đặc biệt, những phụ nữ mang thai cần tránh tiếp xúc tối đa với tia X khi không thực sự cần thiết. Nhưng không ít trường hợp, bác sĩ, kỹ thuật viên chụp X - quang phớt lờ thông báo của thai phụ, như trong trường hợp chị K.N (phố Vọng – Hà Nội) khi đưa con đi khám tại một phòng khám tư nhân trên đường Giải Phóng. Khi bác sĩ chỉ định con chị phải chụp X - quang, chị K.N đã hỏi bác sĩ là chị đang mang thai, nếu vào phòng chụp cùng con thì có ảnh hưởng gì không, nhưng cả bác sĩ và kỹ thuật viên chụp X-quang đều không có một lời cảnh báo, cũng như không hề có ý định giúp đỡ chị giữ cháu bé trong quá trình chụp X - quang, để chị K.N không phải vào phòng chụp. Sau khi chụp X - quang cho con xong, cảm thấy không yên tâm, chị K.N lên mạng tìm kiếm thông tin thì mới biết rằng dù chỉ vào phòng chụp X - quang, chị vẫn có thể bị nhiễm một lượng tia phóng xạ nhất định, có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi...

Chụp X - quang cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn 

Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình chụp X - quang cho trẻ nhỏ

Nguy cơ ảnh hưởng của tia X với từng giai đoạn thai nghén:

- 2 tuần đầu, bào thai rất ít bị ảnh hưởng gây dị tật bởi tia X. Tuy nhiên tia X có thể gây sảy thai nhưng phải với liều cao hơn nhiều liều 50 millisievert (500 lần chụp tim phổi).

- Từ tuần thứ 2 đến 8, tia X với liều chụp chẩn đoán không gây ra dị tật, sảy thai hoặc làm chậm phát triển thai, trừ khi bị “ăn liều” trên 200 millisievert (2000 lần chụp tim phổi).

- Từ tuần thứ 8 đến 15, hệ thần kinh trung ương của bào thai có thể nhạy cảm với ảnh hưởng tia X nhưng phải với liều trên 300 millisievert (3000 lần chụp tim phổi).

- Từ sau tuần 20, các cơ quan của thai nhi đã phát triển hoàn toàn. Sức chịu đựng của thai nhi với tia X tốt hơn, gần như tương đương của người mẹ.

Nếu việc chụp X - quang là không tránh được theo yêu cầu chuyên môn thì thai phụ cần được bảo vệ bằng áo chì để hạn chế tối đa tia X tiếp xúc với thai nhi.

(Theo bác sĩ Trần Hải Đăng - Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Hà Nội)

Vân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ