(GD&TĐ) - Miệt Cà Mau, Bạc Liêu có cách bắt hết cá dưới đìa mà không cần phải tát cạn nước, gọi là chụp đìa. Tháng giáp Tết vùng đất Nam Bộ cũng bước vào mùa khô, lúc này là thời điểm lý tưởng để chụp đìa, vừa có cá để bán, vừa có cá dành cho mấy ngày Tết, còn lại ít cá đem làm khô để có mồi nhấm cho mấy ông…
Cảnh người dân Cà Mau đang chụp đìa |
Cách bắt cá độc đáo
Ở ĐBSCL người dân có nhiều cách bắt cá, theo đó cũng có hàng trăm thứ dụng cụ ứng với những cách bắt cá mà người dân sáng tạo ra. Tuy nhiên vùng Cà Mau, Bạc Liêu có cách bắt cá “độc nhất vô nhị” gọi là chụp đìa. Nghe cái tên cách bắt cá này nhiều người không thể hình dung ra như thế nào nhưng khi được chứng kiến rồi mới thấy sự độc đáo của nó. Chỉ cần vài người trai tráng khỏe mạnh trong xóm là có thể chụp đìa, bắt hết tôm cá mà không tốn sức tát cạn nước đìa, vừa không phải lội sình mò cá. Theo cách gọi của người dân Nam Bộ, đìa là một cái ao được đào để lấy đất đắp lên vườn tược hay đắp các bờ bao quanh khu đất của mình. Độ sâu của đìa từ 2 đến 3 mét, tùy thuộc vào diện tích đất lớn hay nhỏ có đìa dài, rộng hơn 50 mét. Vùng Cà Mau nổi tiếng từ xưa vì nhiều cá tôm, nhất là bước vào thời điểm mùa khô, ruộng đồng cạn hết nước nên tôm cá gom xuống các đìa. Trước kia mùa khô người dân dùng cách tát hết nước để bắt cá hoặc kéo lưới, mò cá… vừa tốn thời gian vừa tốn công nên sáng chế ra cách chụp đìa rất hiệu quả.
Chụp đìa rất đơn giản, sau khi dọn sạch cỏ mặt nước trong đìa rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó nhấn cho lưới chìm xuống, dùng ghim bằng cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa, cho mặt lưới ngập dưới mặt nước khoảng 0,5m. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Do đặc tính loài cá sống dưới nước nhưng mấy phút phải ngoi lên lấy không khí, khi bị lưới chụp lên mặt nước, cá thấy ngộp và sẽ men vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên lấy oxy. Thời gian này người dân ngồi trên bờ hút thuốc, uống trà, trò chuyện, chừng hơn 1 giờ sau cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt để xúc cá lên.
Phơi khô cá sặc rằng để dành ăn Tết |
Chụp đìa bắt được toàn cá sống, nhiều đìa mỗi lần chụp có hàng tấn cá nên người dân phải neo cá lại trong lưới để chờ thương lái đến thu mua hoặc thuê bà con trong xóm làm cá. Số cá đem bán, số làm khô, số làm mắm để dành cho Tết và bán dần. Giờ đây giá cá đồng lên khá cao nên bà con chỉ để lại một số làm khô và làm mắm, còn lại bán hết cho thương lái để đem về các chợ và nhà hàng, quán ăn.
Cá đồng thịt thơm ngon, cá lóc to hơn 1kg đem xẻ khô thì ngon đáo để, đặc biệt vùng Cà Mau có cá bổi (cá sặc rằng, cá lò tho) to bằng bàn tay đem phơi khô để dành mấy ngày Tết làm mồi nhấm là tuyệt vời. Đặc biệt bà con miệt Cà Mau có một cách bảo quản cá khô rất độc đáo là đem khô trải đều trên bồ lúa, sau đó đổ lúa lên khỏa bằng. Hai tháng sau đem khô ra nướng nhậu với rượu đế là tuyệt vời. Thứ khô này chỉ có khách quý mới mang ra đãi.
Chuyện chụp đìa ở xứ sở Bác Ba Phi
Ngày xưa cá đồng còn nhiều, đến mùa khô hầu như nhà nào cũng chụp đìa nên dần người dân gọi là mùa đìa. Câu chuyện chụp đìa được các cụ cao niên ở vùng U Minh Cà Mau kể lại nhiều chi tiết rất thú vị, tuy nhiên xác định ai là người sáng chế ra vẫn còn chưa rõ. Một số người xác định chụp đìa thời điểm phổ biến nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ. Còn một số nguồn tài liệu nói rằng chụp đìa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và ra đời ngay tại vùng đất của bác Ba Phi.
Tìm hiểu về chuyện này, chúng tôi được một số người từng làm nghề đìa ở Cà Mau, Bạc Liêu kể cho nghe về chuyện chụp đìa và nguồn gốc của nó. Chuyện kể rằng thời bác Ba Phi cũng tát đìa như các nơi khác, lúc đó cá rất nhiều, đìa lại lớn, trai trong xóm ra công tát mất mấy ngày trời nước đìa mới cạn. Mấy năm đầu, bác Ba Phi phải đan lưới vải để lùa đám rùa sang một góc đìa trước khi nước tát gần cạn. Thấy vậy, ông Tư Thoại, hàng xóm của bác Ba Phi nghĩ ra cách dùng lưới chụp đìa vừa đỡ tốn công tát vừa bắt được cá sạch trơn không dính một chút bùn. Từ đó, bà con trong xóm không gọi Tư Thoại nữa mà gọi là Tư Lưới để nhớ về người tạo ra giàn lưới chụp đìa cho xứ sở này. Không bao lâu sau, miệt bán đảo Cà Mau đã dùng lưới chụp đìa để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn chụp các kinh mương, kinh xáng ở giữa rừng U Minh…
Phân loại cá sau khi chụp đìa |
Câu chuyện là như thế, thực tế là cách bắt cá độc đáo này rất phổ biến trong những năm trước đây khi lượng cá đồng còn nhiều. Từ đó có những người chuyên làm nghề này để sống, người dân gọi là “nghề đìa”. Nghề đìa từng một thời giúp nhiều người ở Cà Mau ăn nên làm ra và thoát nghèo. Từ chụp đìa mà xứ Cà Mau cũng xuất hiện những ông “thầy đìa” từng một thời nổi như cồn, họ nổi tiếng vì có khả năng ngồi trên bờ nhìn xuống nước là biết cá nhiều hay ít để ra giá mua đìa. Lão nông Tư On ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Những năm trước cá còn nhiều, nghề đìa làm ăn khá lắm. Làm nghề này có bí quyết gia truyền, họ nhìn cá thở, nhìn tăm cá, nhìn nước là có thể biết được lượng cá trong đìa nhiều hay ít. Làm lâu năm, có kinh nghiệm dần nên gọi là thầy đìa. Mùa giáp Tết là các thầy đìa bận rộn nhất, vừa đi mua đìa, vừa được người ta rước đi xem đìa dùm…”. Nhiều người còn nhớ vùng U Minh trước đây có những thầy đìa cao tay đến nỗi áp tai trên miệng đìa là biết có nhiều cá hay không, có người lội xuống đìa rờ thành đìa cũng biết cá nhiều hay ít. Bà con còn nhớ nhiều câu chuyện về thầy đìa đấu với nhau, giáp Tết họ tranh nhau mua đìa, các thầy đều trổ tài để quy ra giá mua đìa người dân. Có những ông vì “non” tay nghề nên mua lầm đìa và lỗ nặng, có ông bỏ nghề, có ông đấu thua thầy đìa khác nên phải ra đi…
Mỗi năm đến Tết là người dân vùng Cà Mau thấy trong lòng nao nao khi nhớ về những ký ức một thời chụp đìa. Giờ đây nông dân làm lúa vụ 3, phân thuốc quá nhiều cộng với phần con người bắt cá vô tội vạ nên lượng cá đồng ngày càng ít. Nghề đìa giờ đã bị mai một và chụp đìa chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi trong tận vùng sâu của rừng U Minh. Dần dần những từ ngữ như thầy đìa, nghề đìa, chụp đìa… sẽ trôi vào ký ức và quên lãng. Còn đối với những người một thời từng gắn bó với vùng đất và xứ sở này chắc chắn sẽ còn rất nhiều kỷ niệm đẹp về một thời chụp đìa mùa Tết!
Nguyễn Quốc Ngữ