Chuột ăn thịt bò cạp và tru miệng hú dưới ánh trăng

Chuột ăn thịt bò cạp và tru miệng hú dưới ánh trăng
Chuột Onychomys torridus tru miệng hú dưới ánh trăng - (Ảnh: Michael and Patricia Fogden/Minden/NGS)
Chuột Onychomys torridus tru miệng hú dưới ánh trăng - Ảnh: Michael and Patricia Fogden/Minden/NGS
Đây là chuyện kỳ thú nổi bật nhất về động vật được phát hiện trong năm 2013 do tạp chí Newscientist (Anh) bình chọn.
Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được loài chuột hoang dã Onychomys torridus sống ở sa mạc Sonoran (Mỹ) có khả năng “kháng” được nọc độc của loài bò cạp Centruroides sp.
Con chuột không hề sợ hãi con bò cạp có nọc độc mà liều lĩnh sử dụng chân giẫm bò cạp xuống đất đến chết. Sau khi ăn thịt bò cạp xong, chuột đứng giơ hai chi trước lên và tru miệng hú hướng lên ánh trăng. Ngoài bò cạp, dế và nhện cũng là con mồi ưa thích của loài chuột này.
Để khám phá bí mật “kháng” nọc độc của bò cạp, nhà khoa học Ashlee Rowe và các đồng nghiệp làm việc tại ĐH Sam Houston State (Mỹ) tiêm một lượng nhỏ nọc độc của bò cạp vào chân của chuột Onychomys torridus. Con chuột liếm chân của nó, tỏ vẻ không đau đớn gì.
Thông thường, sau khi tiêm nọc độc bò cạp vào cơ thể chuột thì trong quá trình tủy sống dẫn truyền chất độc lên não sẽ kích hoạt một loại protein trong màng tế bào được gọi là Nav1.7 làm cho não bắt được các tín hiệu đau nhức. Nhưng ở loài chuột Onychomys torridus, họ đã tìm thấy sự đột biến protein, gọi là Nav1.8, giúp ngăn chặn các tín hiệu đau nhức lên não. 
Cóc ria mép Leptobrachium boringii - (Ảnh: China FotoPress/Getty)
Cóc ria mép Leptobrachium boringii - (Ảnh: China FotoPress/Getty)
Cơ chế “kháng” nọc độc bò cạp ở loài chuột Onychomys torridus mở ra bước tiến mới giúp giới y khoa bào chế loại thuốc giảm đau chữa trị bệnh erythromelalgia - đỏ và đau đầu chi ở con người.
Một số câu chuyện kỳ thú động vật khác nổi bật trong năm 2013 là cá sấu sử dụng công cụ - cành cây ngậm trên miệng để “bẫy” và xơi tái những con chim tìm nhành cây làm tổ; loài kỳ nhông đốm Ambystoma maculatum là động vật có xương sống đầu tiên biết “quang hợp”; hay cóc Leptobrachium boringii ở các dòng suối thuộc núi Nga Mi (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) phát triển các “gai nhọn” trên mép của những con đực để chiến đấu với đối thủ trong mùa giao phối và sau đó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ổ trứng.
Theo Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ