Chương trình SGK mới được xây dựng trên cơ sở đồng thuận và khoa học

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh và Bắc Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 283/BDN ngày 6/7/2018.  

Bộ SGK mới được xây dựng trên cơ sở khoa học
Bộ SGK mới được xây dựng trên cơ sở khoa học

Nội dung kiến nghị như sau: Cử tri cho rằng, công tác cải cách giáo dục trong thi cử, chương trình SGK… hiệu quả chưa cao, gây lãng phí. Đề nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ trước khi cải cách, đổi mới giáo dục, có lộ trình rõ ràng, cần có giải pháp căn cơ chiến lược hơn về nội dung này nhằm đảm bảo sự hài hòa, phát triển sự nghiệp GD với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ GD&ĐT trả lời:

Về đổi mới thi:

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã triển khai đổi mới thi và tuyển sinh theo lộ trình khoa học với các bước đi phù hợp. Trong giai đoạn 2000 - 2014, Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT với 6 môn học; tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo nguyên tắc “Ba chung”. Từ năm 2015, Bộ tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ.

Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cũng như việc triển khai Chương trình, SGK GDPT mới bảo đảm chất lượng, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của ngành. Đây là những giải pháp căn cơ chiến lược nhằm thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đảm bảo sự hài hòa, phát triển sự nghiệp GD với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong 4 năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi cử gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng; khắc phục về cơ bản một số bất cập của giai đoạn trước; giảm áp lực, tốn kém và sử dụng kết quả học tập phổ thông để tuyển sinh ĐH, CĐ. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, “đi thi như đi học” tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất; đồng thời, không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Phương thức thi này sẽ được tiếp tục thực hiện đến khi áp dụng đầy đủ Chương trình GDPT mới.

Về chương trình SGK

Việc đổi mới chương trình GDPT và SGK đang được tiến hành theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD&ĐT đã tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình, SGK hiện hành; tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; huy động các chuyên gia GD, chuyên gia các môn học và mời chuyên gia tư vấn quốc tế tham gia xây dựng chương trình.

Sau khi hoàn thành, Chương trình GDPT tổng thể đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, trong đó có cán bộ QLGD và giáo viên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban soạn thảo đã hoàn thiện Chương trình GDPT tổng thể và ngày 25/7/2017, Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, SGK GDPT của Bộ đã thông qua chương trình này, làm căn cứ biên soạn các chương trình môn học và hoạt động GD.

Chương trình các môn học cũng đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức liên quan và các tầng lớp nhân dân. Quá trình xây dựng chương trình được tiến hành khẩn trương nhưng cẩn trọng, huy động được tối đa sự tham gia của các chuyên gia GD, các nhà khoa học về lĩnh vực khoa học liên quan trên cả nước.

Việc biên soạn SGK sẽ được thực hiện sau khi chương trình được ban hành. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định về tiêu chuẩn SGK, quy trình biên soạn, lấy ý kiến, thực nghiệm và thẩm định SGK để bảo đảm chất lượng của SGK.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ