Chương trình mang tính tương tác cao

Chương trình mang tính tương tác cao

(GD&TĐ) - TS Văn Chí Nam – phụ trách CTTT của Trường ĐH KHTN TP.HCM đã khẳng định như vậy. Là một trong 10 chương trình tiên tiến (CTTT) đầu tiên từ khi triển khai và thực hiện CTTT – ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH KHTN TP.HCM đã đạt được những thành công nhất định. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Văn Chí Nam – phụ trách CTTT của trường xung quanh vấn đề này. 

PV: Ông có thể cho biết những thành quả đạt được khi triển khai Chương trình Tiên tiến (Advanced Program In Computer Science-APCS) tại trường?

TS Văn Chí Nam: Từ khi triển khai đến nay, chương trình tiên tiến của trường đã đạt được nhiều thành quả như:

+ Đã chuẩn bị cho SV học tốt theo một phương pháp giáo dục tiên tiến: giúp cho SV có được những kỹ năng học tập, làm việc, suy nghĩ, xác định tầm nhìn và từng bước hiện thực hóa các ước mơ trong quá trình học tập.

+ Đối với đội ngũ GV, chương trình đã tạo dựng được một đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, những giảng viên giảng dạy trong chương trình đều có trình độ TS. Không những thế còn có nhiều giáo sư ở các trường nổi tiếng nước ngoài đến dạy trong chương trình.

+ Chương trình đã tạo được một mô hình giảng dạy rất phù hợp, giảng viên dạy trên lớp, SV chủ động học tập, có giáo viên trợ giảng hỗ trợ SV trong nhiều mặt. Cứ mỗi 10 – 12 SV có một trợ giảng làm việc trong suốt môn học. SV có thể được giải đáp thắc mắc và làm việc trực tiếp với trợ giảng trong quá trình học.

+ Về cơ sở vật chất, trường đã xây dựng được hệ thống phòng học, hiện đại được thiết kế đặc biệt với hệ thống âm thanh, thiết bị hỗ trợ tiên tiến. Phòng thí nghiệm được trang bị hệ thống máy tính với cấu hình cao, đường truyền Internet tốc độ cao dành riêng cho chương trình. Ngoài ra, chương trình cũng cung cấp hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo phong phú, cơ sở dữ liệu trực tuyến có bản quyền truy cập phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học của GV và SV.

Chính vì thế, chương trình đã thu được những kết quả khả quan từ phía SV như: SV tham gia chương trình ngày một tự tin hơn, ngay từ năm thứ 2, 3 đã tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học (công bố công trình tại các hội nghị khoa học quốc tế), đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia và khu vực như Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, cuộc thi ACM/ICPC,..

Một giờ học với giảng viên nước ngoài của sinh viên ĐH KHTN TP.HCM
Một giờ học với giảng viên nước ngoài của sinh viên ĐH KHTN TP.HCM

PV: Để đạt được những thành quả trên, ngoài những thuận lợi nhà trường đã gặp khó khăn gì khi triển khai thưa ông?

TS Văn Chí Nam: Chương trình có được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của ban giám hiệu, mà trực tiếp là thầy hiệu trưởng cùng sự hỗ trợ của các Phòng ban trong nhà trường nên cũng khá thuận lợi. Về góc độ đào tạo, khoa CNTT của Trường ĐHKHTN TP.HCM là một trong những khoa đào tạo CNTT hàng đầu tại Việt Nam, đã được kiểm định chất lượng quốc tế trong năm 2009 vừa qua. Chính vì lẽ đó những khó khăn khi triển khai chương trình nên chúng tôi gặp phải không nhiều. Có chăng cũng chỉ là những bỡ ngỡ bước đầu và những khó khăn nho nhỏ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Vì đã xác định và xây dựng được chương trình làm việc một cách khoa học nên mối quan hệ giữa các giáo viên trong Khoa, các giáo sư đến từ nước ngoài rất thuận lợi, mặt khác trường còn kêu gọi được sự hỗ trợ từ các giáo sư đầu ngành ở các nước.

Về phía SV, chúng tôi có sự quan tâm rất tốt từ phía phụ huynh. Đầu tuyển sinh viên vào cho chương trình tiên tiến không gặp khó dù chúng tôi yêu cầu rất cao. Chính sự quan tâm của phụ huynh đã tạo thành kênh liên lạc 2 chiều, giúp trường đạt hiệu quả trong việc đào tạo mà không gặp khó khăn gì nhiều.

PV: Ông có thể cho biết đôi nét về chương trình hiện nay?

TS Văn Chí Nam: Tính đến thời điểm này, có khoảng 200 SV đang theo học chương trình. Một số SV của chương trình cũng đã chấp thuận chuyển tiếp học tại trường đối tác. Nếu SV muốn tham gia chương trình thì đầu vào phải đạt từ điểm chuẩn của ngành CNTT trường ĐH KHTN, và trình độ Anh ngữ phải đạt 450 điểm TOEFL PBT (hoặc TOEFL iBT 45, IELTS 5.0) trở lên. Các thông tin của chương trình có thể tham khảo thêm tại www.apcs.hcmus.edu.vn.

PV: Nếu có một đề xuất với Bộ GD- ĐT ông sẽ đề xuất gì? Theo ông để tháo gỡ những khó khăn các trường gặp phải trong quy định mời giảng viên nước ngoài- giảng viên trường hợp tác về Việt Nam giảng dạy, chúng ta phải thay đổi không?

TS Văn Chí Nam: Thật sự, với Trường ĐH KHTN TP.HCM mọi vấn đề của chương trình đang rất tốt nên chúng tôi không có đề xuất gì. Nhưng với những vướng mắc kiểu trong thực tế triển khai mới hiểu được cái khó, cái bất cập của nó thì việc thay đổi và linh hoạt trong các quy định là điều không cần nói Bộ GD- ĐT cũng chủ động tháo gỡ cho các trường. Với các chương trình tiên tiến đang triển khai, đặc biệt là ngành CNTT như trường chúng tôi, tôi tin chúng ta vẫn đang làm rất tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ