Chương trình homestay cho lưu học sinh Lào: 5 năm đong đầy kỷ niệm

GD&TĐ - Chương trình “Đưa LHS Lào đi thực tế tại nhà dân” - Homestay là một mô hình học tập tiên tiến, gắn lí thuyết với thực hành góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt của Trường Hữu nghị T78. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Đại sứ quán Lào, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm cùng hộ dân tiếp nhận LHS trong chương trình Homestay.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Đại sứ quán Lào, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm cùng hộ dân tiếp nhận LHS trong chương trình Homestay.

Sau 5 năm thực hiện chương trình đã tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực và trở thành điểm sáng trong đổi mới, sáng tạo dạy - học.

“3 cùng” với người dân

Là một trong những lưu học sinh Lào được tham gia Chương trình homestay, em Phetphailin Saisombut chia sẻ: Khi chưa tham gia chương trình này, khả năng nói tiếng Việt của em rất kém nên ngại tiếp xúc với thầy, cô bạn bè nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Nhưng kể từ khi tham gia Chương trình Homestay, em đã học được rất nhiều từ mới, khả năng sử dụng tiếng Việt đã được nâng lên rõ rệt. Em không còn ngại giao tiếp với người Việt Nam nữa.

Còn em Soulisack LiBounyasao bộc bạch: Qua chương trình em đã biết sử dụng từ đúng ngữ cảnh, hoàn cảnh hơn. Từ ngữ Việt Nam rất phong phú làm em muốn học thêm tiếng Việt. Ngoài ra, em cũng hiểu hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Việt Nam.

Là địa phương tiếp nhận LHS Lào đến sinh sống cùng nhà dân, 5 năm qua, xã Thọ Lộc (Phúc Thọ, Hà Nội) đã tiếp nhận hàng trăm lượt LHS Lào đến tham gia “3 cùng” với nhà dân: Cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ông Kiều Trí Dần - Bí thư Đảng ủy xã nhận xét: Chương trình “Đưa LHS Lào đi thực tế tại nhà dân là một chủ trương đúng, sát với chương trình GD - ĐT tiếng Việt cho LHS Lào.

Đây cũng là cách làm mới, sáng tạo của nhà trường, gắn việc dạy học với thực tiễn. Qua đó không chỉ giúp LHS Lào sử dụng tiếng Việt thành thạo mà còn giúp các em hiểu hơn về phong tục, tập quán và đất nước, con người Việt Nam, tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.

Được triển khai từ năm học 2014 – 2015, sau 5 năm thực hiện, Trường Hữu Nghị T78 đã tổ chức cho gần 500 lượt LHS Lào tham gia Chương trình homestay. Thầy Lê Phú Thắng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Hữu nghị T78 - cho biết: Qua các đợt, qui mô ngày càng mở rộng trên địa bàn xã Thọ Lộc.

Từ 1 thôn trong Đề án thí điểm (2014 – 2015) đến năm 2018 – 2019 là 4 thôn. Từ 10 hộ dân tham gia chương trình đến nay đã có hơn 100 hộ dân đón LHS Lào về sinh sống và học tập.

Chương trình thực sự đã tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong LHS và bà con địa phương. Riêng trong năm học 2018 – 2019, Trường Hữu nghị T78 tổ chức cho LHS tham gia homestay trong vòng 25 ngày (6/3/2019 - 31/3/2019).

Đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, nhiều công việc liên quan đến phong tục văn hóa của người dân Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho LHS tham gia, trải nghiệm và tìm hiểu. Có 166 LHS tham gia chương trình, sinh sống ở 4 thôn tại 80 hộ dân.

Thêm yêu tiếng Việt

LHS Lào viếng Nghĩa trang liệt sĩ xã Thọ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội trong khuôn khổ chương trình homestay và nghe các cưu chiến binh nói chuyện.
LHS Lào viếng Nghĩa trang liệt sĩ xã Thọ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội trong khuôn khổ chương trình homestay và nghe các cưu chiến binh nói chuyện.

Thầy Thắng cho biết, tham gia chuyến đi thực tế, LHS được trải nghiệm với những tình huống giao tiếp cụ thể.

Thường nhật tiếp xúc với sự vật, sự việc giúp các em cải thiện được nhiều về các kĩ năng nghe - nói, nghe - hiểu. Khi sống với người dân địa phương, tiếng Việt gần như là ngôn ngữ gần như là duy nhất để giao tiếp với nhau, do vậy LHS phải liên tục và thường xuyên tìm cách nói để người khác hiểu, thông qua việc phải nói đúng ngữ pháp tiếng Việt, phát âm chính xác và tốc độ nói, nội dung nói phải phù hợp với hoàn cảnh, tình huống giao tiếp.

Mặt khác, chủ đề giao tiếp của LHS khi ở nhà dân rất phong phú, đa dạng, gần gũi bởi gắn với đời sống. Điều này làm cho vốn từ của các em được tăng lên rõ rệt và khả năng nói mềm mại, mượt mà, có âm điệu và biểu cảm hơn khá nhiều.

Theo yêu cầu của chuyến đi thực tế, LHS phải ghi nhật kí hàng ngày. Mỗi cuốn nhật kí bao gồm 6 - 7 nội dung chuyên đề cần tìm hiểu, ghi chép trong gần 1 tháng thông qua hệ thống câu hỏi gợi ý như: Tìm hiểu về gia đình mình đến sinh hoạt; tìm hiểu về mâm cơm gia đình người Việt; tham quan học tập mô hình trang trại, lễ hội đình làng…

Việc LHS được tham gia các hoạt động giao lưu, trải nghiệm với bà con thôn xóm yêu cầu các em phải chủ động trao đổi, tìm hiểu và ghi chép. Điều đó giúp cho vốn từ được mở rộng, kĩ năng viết được rèn luyện một cách đáng kể.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Đại sứ quán Lào, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thăm hộ dân tiếp nhận LHS trong chương trình Homestay.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện Đại sứ quán Lào, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thăm hộ dân tiếp nhận LHS trong chương trình Homestay.

Cũng theo thầy Thắng, trong thời gian sinh sống tại nhà dân, vai trò chủ thể trong hoạt động tự học của LHS được phát huy tối đa và động cơ tự học của các em được hình thành theo hướng tích cực khi được trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của người dân Việt Nam vốn rất gần gũi và tương tự như người Lào.

Nhu cầu tự học tập để thỏa mãn nhận thức, để giao tiếp với người dân, để ghi chép nhật kí tăng lên... từ đó góp phần hình thành động cơ học tập thêm rõ nét và đúng đắn. Một số em có những thay đổi về động cơ học tập theo hướng tích cực hơn: Học để cống hiến cho Tổ quốc, đất nước chứ không đơn thuần là học để mưu sinh, lập nghiệp.

“Qua thời gian thực tế, chúng tôi nhận thấy tình cảm gắn bó đặc biệt giữa LHS với người dân. Các em ngoan ngoãn, yêu mến các thành viên trong gia đình. Người dân địa phương nhiệt tình, trách nhiệm, tạo mọi điều kiện tốt nhất coi LHS như con em trong nhà, tình cảm thân thiết.

Nhiều gia đình còn chủ động trong việc tổ chức các buổi liên hoan, nấu ăn, vui văn nghệ nhằm giúp các em được trải nghiệm, được giao lưu để rèn luyện tiếng Việt” - thầy Thắng trao đổi.

“Việc sống và học tập cùng người dân là cơ hội rất thuận lợi để các em rèn luyện khả năng tự học cho bản thân. Ở trường, hoạt động tự học của các em vẫn chịu sự giám sát trực tiếp của nhà trường thông qua giáo viên và nhân viên. Nhưng ở nhà dân, LHS không chịu sự quản lí, kiểm tra, giám sát mà thay vào đó là sự giám sát của người dân; sự động viên, khích lệ và chia sẻ như người thân trong gia đình của hộ dân. Chính điều này đã giúp cho khả năng tự học của LHS được phát huy và đạt được hiệu quả cao”, TS Lê Phú Thắng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường T78.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ