Chương trình giáo dục bắt buộc tại trường có vốn đầu tư nước ngoài

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT quy định chi tiết về chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam tại cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.

Chương trình giáo dục bắt buộc tại trường có vốn đầu tư nước ngoài

Theo đó, học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường tiểu học hoặc cấp tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học.

Cụ thể, đối với chương trình tiếng Việt, thời lượng học không ít hơn 140 phút/tuần, học từ lớp 1 đến hết lớp 5.

Đối với chương trình Việt Nam học, thời lượng không ít hơn 70 phút/tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.

Học sinh là công dân Việt Nam học tập tại trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông của trường phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài phải học chương trình Việt Nam học để có kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lí, văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam.

Thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần, học ở các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Việc tổ chức dạy học chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: Giáo viên là người Việt Nam, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Có tài liệu dạy học do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn hoặc do các cơ sở giáo dục tự biên soạn trên cơ sở các chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học theo quy định và được Sở GD&ĐT phê duyệt.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh là công dân Việt Nam phải dựa trên mục tiêu và chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài giảng dạy chương trình tiếng Việt và Việt Nam học bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài cho học sinh là người nước ngoài đang theo học tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ