Chương trình GDPT mới: Chuẩn bị kỹ cho dạy và học tích hợp, liên môn

GD&TĐ - Từ năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được áp dụng vào lớp 1. Bộ GD&ĐT đã và đang mở các khóa tập huấn CBQL, GV cốt cán, dần gỡ những băn khoăn của GV khi đang dạy một môn sắp tới sẽ chuyển sang dạy hai môn xã hội hay khoa học tự nhiên trong chương trình mới; bồi dưỡng các CBQL chủ động sắp xếp nhân sự, thiết kế chương trình…

Các khóa bồi dưỡng giáo viên được triển khai theo lộ trình khoa học.	Ảnh: Thế Đại
Các khóa bồi dưỡng giáo viên được triển khai theo lộ trình khoa học. Ảnh: Thế Đại

Chủ động sắp xếp GV

Các chuyên gia phân tích, Chương trình GDPT mới định hướng phát triển năng lực học sinh – một đổi mới căn bản so với chương trình định hướng nội dung hiện nay. Điều cần lưu ý là không phải thay đổi chương trình là thay đổi kiến thức mà chỉ là giảm bớt các kiến thức nặng về lý thuyết, hàn lâm, chưa gần gũi với cuộc sống với lứa tuổi của HS, khi các em có đủ năng lực, điều kiện thì sẽ nghiên cứu về sau này.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP), để phát triển năng lực phẩm chất HS, GV phải thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, phải tổ chức được cho học sinh hoạt động học để vận dụng kiến thức cũng như áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Khi đã nắm chắc phương pháp, GV cũng cần hiểu sâu phần nội dung kiến thức đảm nhận. Chính vì vậy, chương trình mới đã được thiết kế để sao cho GV - với cơ cấu hiện nay - vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, không phải một GV phải đảm nhận ngay trách nhiệm dạy các mạch kiến thức, ví dụ như môn Khoa học tự nhiên mạch kiến thức tương ứng với 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học hiện nay...

Bên cạnh đó, chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giao quyền chủ động cho các nhà trường được xây dựng kế hoạch thực hiện, số tiết của một môn học không quy định theo tuần mà chỉ quy định cả năm học. Như vậy, khi thiết kế kế hoạch, nhà trường có thể chủ động sắp xếp GV với cơ cấu hiện có. Được biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho các GV có khả năng và mong muốn đảm nhận từ 2 đến 3 môn học.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành lưu ý GV sẽ phải được bồi dưỡng, đồng thời cũng phải tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tại công việc, từ đó, kiến thức và kỹ năng dần được nâng lên. Hiện ở các nhà trường, GV đã cùng nhau thực hiện sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Qua quá trình đó, các thầy cô cũng được phát triển năng lực và nhận được sự nhìn nhận từ đồng nghiệp, lãnh đạo, học sinh cũng như cha mẹ học sinh, từ đó có động lực để phát triển.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Bồi dưỡng GV theo lộ trình

Hiện các hiệu trưởng nhà trường đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT mới bằng các văn bản chi tiết, hiệu trưởng được giao quyền xây dựng kế hoạch GD nhà trường, không theo phân phối chương trình từ trên xuống như trước (từ năm 2013). Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, GV đã được lên kế hoạch năm 2021, trong đó có 9 modul dành cho cán bộ quản lý.

 

Chương trình mới là chương trình phát triển năng lực học sinh, làm sao để học sinh phát triển được năng lực tự chủ, tự lực và vận dụng, tiếp thu kiến thức từ nền tảng chung của nhân loại. Phần lớn các kiến thức này đã có trong chương trình hiện hành. Theo dòng chảy đó, những giá trị mà chúng ta đã đạt được đều phải được áp dụng để đổi mới.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

Mới đây, Dự án RGEP và Chương trình ETEP đã tổ chức khóa tập huấn cho 200 báo cáo viên nguồn, ngay sau đó là tập huấn 100 giảng viên QLGD chủ chốt chuẩn bị cho chương trình. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết để triển khai kế hoạch bồi dưỡng GV, phải đảm bảo để 4 đối tượng: Giảng viên các trường sư phạm, CBQL cấp sở, phòng, hiệu trưởng các nhà trường và GV phải nắm chắc chương trình và các điều kiện bảo đảm sự thành công của chương trình. Muốn vậy, phải bắt đầu từ việc phát triển tài liệu bồi dưỡng. Những người được chọn để phát triển tài liệu bồi dưỡng phải nắm chắc, phải đi trước để sau này bồi dưỡng cho tất cả các đối tượng.

Bộ GD&ĐT đã thiết kế lộ trình bồi dưỡng, trong đó 200 báo cáo viên nguồn gồm 120 giảng viên các trường sư phạm trên toàn quốc - trong đó có 8 trường sư phạm chủ chốt, 60 GV giỏi từ các nhà trường phổ thông; và các chuyên viên của Vụ, Cục liên quan (Vụ GD Trung học, Vụ GD Tiểu học).

Từ đội ngũ báo cáo viên nguồn sẽ tiếp tục mở rộng ra cho các giảng viên trường sư phạm, bao gồm 2 nhóm: Giảng viên trường QLGD (100 người) để triển khai nhiệm vụ xây dựng tài liệu và bồi dưỡng cho CBQL cấp sở, phòng; và giảng viên sư phạm chủ chốt (700 người). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ