Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”: Ấm tình quân dân

Cô bé Vàng Thị Chở nhổ tóc sâu cho cha nuôi ở Đồn Biên phòng Phó Bảng
Cô bé Vàng Thị Chở nhổ tóc sâu cho cha nuôi ở Đồn Biên phòng Phó Bảng

Nâng bước em tới trường

Chúng tôi tới xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vào cuối mùa hè. Ở thủ phủ cây cao su, chúng tôi được nghe không ít chuyện cảm động về tình quân dân nơi đây. Đó là chuyện là cô bé Rơ Lan H"Yao mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới bước vào học lớp Một. Rơ Lan H"Yao và chị được người dì đưa về nuôi dưỡng. Hiềm nỗi, vợ chồng người dì đều làm công nhân cạo mủ cao su, lương thưởng chẳng được bao nhiêu. Chị em H’Yao vì thế lớn lên trong sự thiếu thốn đủ bề.

Thương cảm số phận của chị em H"Yao, những người lính biên phòng đã trích lương của mình hỗ trợ người dì nuôi H"Yao. Trí óc non nớt của H"Yao chưa cảm nhận được hết tình cảm của những người lính biên phòng, nhưng vẫn luôn ghi dấu hình ảnh “chú bộ đội thường đến nhà cho tiền để mua thức ăn và đồ dùng học tập” – H"Yao kể.

Ở buôn Đrang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi được chứng kiến nụ cười hồn hậu của bà H"Xoài Knul và ông Y Không Niê – ông bà ngoại của cô bé H"Phiết Knul. Không giống như những đứa trẻ khác, H"Phiết Knul chào đời được 3 tháng thì người mẹ qua đời. Bố bỏ đi, H’Phiết Knul và các anh chị của mình được ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Ông Y Không Niê và vợ dù tuổi cao, sức yếu vẫn phải phơi lưng ngoài rẫy trồng lúa, trồng mì, chăm con trâu, con bò mưu sinh nuôi cháu. Những người lính Đồn Biên phòng Sêrêpôk đã gánh giúp một phần vất vả của vợ chồng bà H"Xoài Knul với việc nhận đỡ đầu cô bé này trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hàng tháng họ trích lương của mình gửi tặng cô bé 500.000 đồng cùng quần áo, sách vở.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đức Long, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng với con nuôi mới 6 tuổi của đơn vị. 
Ảnh: Bích Nguyên

Con nuôi đồn Biên phòng

Không chỉ trích lương giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người lính biên phòng còn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều em nhỏ mồ côi với tình cảm của một người cha dành cho con. Đó là chuyện về 3 cô con nuôi của Đồn Biên phòng Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang). Lần đó, lên Đồn Biên phòng Phó Bảng công tác, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy 3 cháu gái nhỏ ngồi ở sân nhà công vụ nhổ tóc trắng cho những người lính. Tôi cứ ngỡ đó là con của một cán bộ trong đồn lên chơi với cha mình. Hỏi chuyện mới biết, 3 cháu là con nuôi của cả đơn vị.

Những người lính biên phòng nơi đây cho biết, quân số của đơn vị tăng thêm 3 người từ năm 2016 với sự xuất hiện của 3 cô con gái nuôi Vàng Thị Chá (15 tuổi), Vàng Thị Sáu (12 tuổi) và Vàng Thị Chở (10 tuổi). Đây là 3 chị em ruột dân tộc Mông ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Những người lính biên phòng Phó Bảng đón về đơn vị, chăm sóc 3 cô bé như con của mình vậy.

Hoàn cảnh của 3 cô bé con nuôi của Đồn Biên phòng Phó Bảng vô cùng đáng thương. Năm 2014, cha của 3 chị em Chá bị bệnh qua đời. Không lâu sau đó, người mẹ bỏ sang Trung Quốc lấy chồng. 3 chị em Chá được bác ruột đưa về nhà nuôi. Gia cảnh của người bác thuộc diện nghèo “bền vững” lại nuôi thêm cả mẹ già nữa nên cuộc sống chồng chất khó khăn.

Thiếu ăn, thiếu mặc khiến cho chị em Chá lúc nào cũng còm nhom, ốm yếu. Trong những lần đi xuống địa bàn công tác, những người lính biên phòng Phó Bảng biết được hoàn cảnh đáng thương của 3 cháu nhỏ đã động lòng trắc ẩn. Họ bàn bạc và thống nhất đưa cả 3 chị em về đơn vị nuôi dưỡng.

Đồn Biên phòng Phó Bảng dành hẳn một căn phòng có nhà vệ sinh phía sau cho 3 chị em Chá ở. Tất cả đồ dùng của các cháu từ quần áo, chăn màn tới sách vở đều do tự tay họ sắm sửa. Trong 3 chị em thì cô em út khiến những người bố nuôi vất vả nhất vì hay ốm. Những “ông bố” ở Phó Bảng không vì thế mà nản lòng. Họ dành nhiều tình thương yêu hơn cho những đứa con nuôi của mình. Ai đi công tác hay nghỉ phép về quê lên đều mang theo những món quà nho nhỏ cho chị em Chá. Những người lính biên phòng còn rất tâm lý, thỉnh thoảng lại đưa các cháu về Sà Phìn thăm bà con trong bản.

Những người cha ở Đồn Biên phòng Phó Bảng giúp đỡ, chỉ dạy cho 3 chị em Chá trong học tập và sinh hoạt

3.000 học sinh được đỡ đầu

Không chỉ 3 chị em Chá, cho tới nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu và nuôi dưỡng hàng nghìn em học sinh nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới. Từ năm 2014, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai “Chương trình nâng bước em tới trường”. Chương trình nhận được sự đồng thuận của 100% cán bộ chiến sĩ. Hưởng ứng chương trình, mỗi đồng chí lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu từ 5 đến 10 học sinh, mỗi thủ trưởng cấp cục nhận đỡ đầu 2 học sinh. Ngoài ra, tất cả các phòng ban, đơn vị, đồn Biên phòng nhận đỡ đầu từ 2 học sinh trở lên.

Mục tiêu của chương trình là chia sẻ những khó khăn của các em học sinh vùng biên giới, giúp đỡ vật chất và tạo động lực tinh thần để các em có thể tới trường vươn tới một tương lai tươi sáng hơn. Mỗi học sinh được nhận đỡ đầu sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho tới khi học hết lớp 12. Số tiền này được trích từ tiền lương của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

Cho tới nay, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu gần 3.000 lượt học sinh, trong đó hơn 150 học sinh nước láng giềng Lào và Campuchia. Nghĩa cử cao đẹp của những người lính biên phòng đã để lại nhiều tình cảm sâu đậm trong lòng người dân biên giới nước bạn. Trong số học sinh được Bộ đội Biên phòng đỡ đầu năm học 2018 - 2019, có 461 đạt học sinh giỏi, 191 học sinh học khá, 73 em tốt nghiệp lớp 12 và 27 em trúng tuyển cao đẳng, đại học.

Đến năm 2019, cùng với chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã đón nhận 301 cháu học sinh về nuôi dưỡng tại đơn vị, vượt xa mục tiêu đặt ra ban đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ