Nước mắt nhà giáo

GD&TĐ - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến ngày khai trường năm học 2018 - 2019. Trong khi khắp các địa phương, giáo viên, học sinh, phụ huynh phấn khởi chuẩn bị cho năm học mới thì tại Hà Nội và Cà Mau, nhiều giáo viên đang rơi nước mắt, ăn không ngon, ngủ không yên với lửng lơ một tờ quyết định trên đầu: Chấm dứt hợp đồng.

Nước mắt nhà giáo

Ngày 28/7, thông tin với báo giới, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh còn 604 biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng và thiếu hơn 1.900 biên chế theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau sẽ cắt hợp đồng 1.405 giáo viên mà thời gian qua các trường đã tự ký hợp đồng, thời hạn chấm dứt hợp đồng là trước ngày 1/9/2018. Vì vẫn còn thiếu giáo viên nên những giáo viên vừa bị cắt hợp đồng có thể sẽ được tiếp nhận lại, nếu được UBND tỉnh đồng ý.

Trước đó, ngày 19/7, tại Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai ra Văn bản số 1020/UBND-NV có nội dung: “UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm định. Thời gian thực hiện từ ngày 1/9/2018”. Tính đếm đối tượng được nêu trong văn bản này, hơn 400 giáo viên hợp đồng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/9 tới. Lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai sẽ bàn giao cho hiệu trưởng các trường xem xét, tiếp tục ký hợp đồng đối với những giáo viên huyện đã ký trước đó.

Có thể thấy, tại cả hai địa phương trên, hơn 1.800 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng không phải vì cá nhân họ không đủ chuyên môn hay vi phạm quy định mà là do sự bất cập về cơ chế, chính sách khi tuyển dụng lao động. Nhiều giáo viên đã làm việc, cống hiến trong ngành Giáo dục đã trên 20 năm, đồng nghĩa với những bất cập này đã diễn ra từ rất lâu mà chưa được điều chỉnh. Sai đâu, sửa đó – điều này là đương nhiên. Tuy nhiên, để sửa chữa những bất cập về cơ chế chính sách, liên quan đến nhiều con người mà đằng sau họ là cả một gia đình, là tương lai, là cuộc sống mưu sinh… rất cần một sự cân nhắc, tính toán kỹ càng, làm sao để vừa hợp lý, hợp tình, làm sao để không ảnh hưởng đến hệ thống, không gây sốc cho người lao động, gây sốc cho toàn xã hội.

Ngành Giáo dục đang quyết liệt triển khai nhiều đổi mới. Các chuyên gia đều nhận định: Yếu tố con người - các thầy cô giáo chính là những người triển khai, quyết định nhất trong đổi mới giáo dục. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục, rất cần những quyết sách về tuyển dụng lao động của Bộ Nội vụ cùng các cấp/ngành để giáo viên an tâm, hết lòng cống hiến. Nếu trước thềm năm học mới đã bấp bênh lo toan, không biết số phận mình sẽ ra sao, có được ký hợp đồng lại không, thì còn đâu tâm sức để chuẩn bị giáo án, bài giảng, đổi mới sáng tạo...

Ngày 28/7, ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kí công văn yêu cầu Công đoàn Giáo dục TP Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai giám sát việc ký hợp đồng lao động của hiệu trưởng các trường và giáo viên đúng theo quy định của pháp luật. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ