Chung tay xây dựng môi trường văn hóa học đường

GD&TĐ - Thời gian qua, có một số biểu hiện tiêu cực, đáng báo động với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận HS và cả giáo viên trong nhà trường; làm ảnh hưởng đến môi trường GD, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Chung tay xây dựng môi trường văn hóa học đường

Đề án Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020 do Bộ GD&ĐT trình Chính phủ đã được ban hành; quy định về môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.

Công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học được chú trọng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD đạo đức cho HS; tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh GD đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc GD HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả...

Trong Chương trình, SGK GDPT mới đang được xây dựng, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chú trọng nội dung môn Đạo đức, GD công dân và dạy đạo đức lối sống thông qua việc GD chuyển đổi hành vi và trải nghiệm cho HS; chú trọng GD nhân cách, đạo đức lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân nhằm phát triển phẩm chất năng lực người học.

Đáng chú ý, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, với những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở đào tạo như: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra; Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần HS và người đứng đầu cơ sở GD để xảy ra các vụ việc vi phạm…

Đối với đội ngũ cán bộ giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng đã tiến hành rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ QLGD, trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo… Kết hợp với đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, xây dựng chuẩn đầu ra cho SV sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Các cơ sở GD cũng được yêu cầu xây dựng văn hóa nhà trường; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, GD HS, đặc biệt là GD đạo đức, lối sống cho HS; tăng cường thực hiện nền nếp, kỷ cương trường học; xây dựng và thực hiện tiêu chí đánh giá công tác GD đạo đức, lối sống trong các cơ sở GD. Tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng cũng cần kịp thời phát hiện và biểu dương những tấm gương, các điển hình tiên tiến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.