Câu chuyện học sinh vùng cao Đồng Văn (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai), Đa Krông (Quảng Trị)… dựng lán câu sóng học online hay tận đất mũi Cà Mau, trường còn khó khăn như THPT U Minh có 89,4% học sinh tham gia lớp trực tuyến, thể hiện nỗ lực vượt khó của toàn ngành nhằm thực hiện mục tiêu dạy học trong mùa dịch bệnh.
Cùng thời điểm đấy, không ít kẻ đã xâm nhập vào lớp dạy học trực tuyến. Không chỉ tung tin xấu, thể hiện các hành vi phản giáo dục, một số kẻ còn đe dọa, phát tán những hình ảnh nhạy cảm… Tình trạng mất an ninh lớp học không chỉ làm công sức của thầy cô lãng phí mà còn khiến học sinh, sinh viên hoang mang, lo lắng.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều nhưng cũng phải thừa nhận rằng khâu quản lý của nhà trường, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, quy chế quản lý cũng như kỹ năng dạy học trực tuyến của nhiều thầy cô chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn.
Những ngày đầu khi học sinh được nghỉ học vì dịch, việc chọn phần mềm dạy trực tuyến chủ yếu do những giáo viên năng động nhất ở các trường chủ động đưa ra. Mỗi giáo viên, tùy theo sự hiểu biết của mình, chọn một ứng dụng và cố gắng thực hiện để chuyển tải kiến thức đến học trò. Khi có chủ trương về dạy học trực tuyến, việc tìm những phần mềm có bản quyền hay phần mềm trong nước mới được nhiều trường tính đến. Nhưng khi ấy, nhóm thầy trò đi đầu học trực tuyến đã thành thạo với phần mềm do mình chọn, lại ngại chuyển sang một ứng dụng khác. Việc sử dụng phần mềm dạy học, vì thế, trở nên “trăm hoa đua nở”, trong đó gồm cả những phần mềm có mức độ bảo mật chưa cao.
Cùng với đó, không ít giáo viên chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng nên kỹ năng điều hành lớp học trực tuyến còn lúng túng. Đặc biệt, nhiều trường chưa xây dựng được quy chế quản lý, dạy học qua Internet, trách nhiệm người học khi tham gia lớp và những việc không được làm... đã tạo ra những lỗ hổng an ninh khiến lớp học online thiếu an toàn.
Trong bối cảnh vừa phải gồng mình phòng chống dịch, vừa nhanh chóng chuyển đổi mô hình dạy học đáp ứng với thực tế nghỉ học kéo dài, những hạn chế từ phía nhà trường để ảnh hưởng đến an ninh lớp học trực tuyến như trên, có thể hiểu và chia sẻ được. Tuy vậy, về lâu dài, hạn chế này cần phải được khắc phục để bảo đảm an toàn, hiệu quả cho hoạt động dạy học trực tuyến.
Cho đến nay, tỷ lệ dạy học trực tuyến trên cả nước đã và đang được cải thiện. Ở nhiều nơi dần ổn định, tương lai qua mùa dịch rất có thể cần được mở rộng ở một số môn, giai đoạn, cơ sở. Vì thế, công tác dạy học qua mạng Internet đã đến lúc phải nâng lên một tầm quản lý mới. Những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT gần đây cho các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm an toàn khi dạy học trực tuyến là hết sức cần thiết.
Tuy vậy, trong cuộc chiến bảo vệ an ninh lớp học, chỉ mình nhà trường và gia đình nỗ lực là chưa đủ. An ninh lớp học trực tuyến cần thiết không kém gì an ninh trường học truyền thống. Rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan có chức năng để bảo vệ, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các vi phạm liên quan đến quấy rối trường/lớp học trực tuyến.