Chung tay ngăn chặn bạo lực học đường

GD&TĐ - Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây hoang mang, lo lắng không chỉ đối với phụ huynh học sinh mà cả các nhà quản lý giáo dục như trường hợp 6 nữ sinh đánh hội đồng, cưỡi lên đầu và lột đồ ngay tại bục giảng; nam sinh bị 7 học sinh đánh hội đồng bạn dã man. Nghiêm trọng nhất là ngày 23/10 vừa qua, một nam sinh lớp 12 ở Tuyên Quang bị hai bạn trong trường (đã bỏ học) đánh chết ngay tại trường.

Ảnh minh họa, theo Kinh Tế Đô Thị
Ảnh minh họa, theo Kinh Tế Đô Thị

Các vụ việc bạo lực học đường nêu trên là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp, cần phải có biện pháp ngăn chặn, nếu không môi trường giáo dục sẽ không còn là môi trường an toàn đối với học sinh.

Những vụ việc bạo lực học đường, không chỉ đơn thuần là việc nội bộ của những học sinh cùng lớp hoặc cùng trường mà còn là của những học sinh đã bỏ học, kể cả rủ rê, lôi kéo đối tượng xã hội đen vào tận trường học để đe dọa, đánh đập học sinh. Nhiều vụ việc bạo lực xảy ra có sử dụng các loại hung khí với mức độ sát thương cao, gây ra nhiều thương tích nghiêm trọng cho học sinh.

Bạo lực học đường không chỉ là chuyện của những học sinh nam mà còn của cả học sinh nữ. Nhiều vụ việc đánh nhau giữa các học sinh nữ được quay cilp và tung lên mạng, cho thấy tính chất dã man của nhiều vụ việc. Các em hành xử bạo lực đến nỗi mà cả những người trưởng thành cũng không thể tưởng tượng và hình dung ra được.

Những hành ảnh phản cảm từ những vụ bạo lực học đường đã ảnh hưởng đến tâm lý chung đối với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Do tâm sinh lý học sinh phát triển chưa ổn định, có thể nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều khía cạnh khác nhau như có em thì chủ động ghi lại cảnh đánh nhau và tung hô trên mạng xã hội; có em thì nhìn vụ việc bạo lực xảy ra một cách vô cảm, không can ngăn; có em thì hùa vào để kích động những người trong cuộc tiếp tục có hành vi bạo lực…

Nhưng đa số các học sinh còn lại thì cảm thấy lo lắng, bất an cho môi trường giáo dục, không yên tâm khi đến trường và trong số đó luôn tìm cách nhờ người khác để bảo vệ mình khi bị các bạn bắt nạt. Từ đó, có thể hình thành các băng nhóm để bảo vệ nhau trong nhà trường.

Đối với nhà trường, khi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý; nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh chưa tốt; chưa phát huy được vai trò của ban cán sự lớp học, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm, trong việc nắm bắt những mâu thuẫn phát sinh trong lớp học để chủ động xử lý kịp thời. Lực lượng bảo vệ trường học thì còn mỏng, yếu, chủ yếu là tuyển dụng những người lớn tuổi, thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý những vụ việc bạo lực xảy ra…

Khi vụ việc bạo lực học đường phát sinh, thì sau đó sẽ truy trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và xử lý kỷ luật đối với học sinh. Nhưng khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường, hạn chế kỷ luật các em với hình thức buộc thôi học…vì đây không phải là giải pháp giáo dục, nếu không thận trọng có thể làm thay đổi cuộc đời các em theo chiều hướng tiêu cực.

Nếu hành vi bạo lực học đường của học sinh mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời, giáo dục, bồi dưỡng để các em tự khắc phục những lỗi lầm vươn lên trong học tập.

Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là biện pháp tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em giải tỏa những uất ức trong lòng…

Mặt khác, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác…nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ